Trang chủ Năm Phát Hành1991 A BRIGHTER SUMMER DAY

A BRIGHTER SUMMER DAY

bởi
3K lượt xem
A+A-
Reset

Lạc lõng là một trong những cảm xúc chủ đạo của tuổi trẻ. Nhưng khi sự lạc lõng ấy bị đè nén bởi sự lạc lõng của cả một lớp người, như trong bộ phim A Brighter Summer Day (Một ngày Hè tươi sáng hơn, 1991), mọi thứ có thể thành bi kịch.

Nhân vật chính của phim là Tiểu Tứ (Trương Chấn), một thiếu niên 14 tuổi sống trong gia đình trí thức lưu vong từ Thượng Hải ở Đài Loan. Đó là thập niên 60, thời kì những người mới đến này gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập. Điểm số không đủ tốt, Tứ buộc phải chuyển sang học lớp ban đêm của trường, vốn là thế giới của các băng đảng. Để tồn tại, cậu gia nhập băng Tiểu Công Viên, hiện đang tranh giành địa bàn khốc liệt với băng 217 đối thủ.

Tứ kết bạn với Phi Cơ (Kha Vũ Luân), một chàng lùn yêu mến Elvis Presley và Tiểu Mã (Đàm Chí Cường), con trai giàu có của một viên tướng quyền lực. Một ngày của chúng bao gồm các trận đánh nhau, trêu chọc con gái và làm khách quen ở phòng giám thị. Cuộc sống học đường ngày càng nguy hiểm khi đại ca Mật Ong (Lâm Hồng Minh) đâm chết một đứa ở băng 217 rồi bỏ trốn. Lí do đồn đại là do tranh giành nữ sinh xinh xắn Tiểu Minh (Dương Tĩnh Di).

Từ một học sinh hiền lành ít nói, Tiểu Tứ ngày càng lún sâu vào các hoạt động băng đảng. Chuyện tồi tệ hơn khi cậu tình cờ gặp gỡ và đem lòng yêu mến Tiểu Minh. Cô bé mồ côi cha, sống cùng người mẹ bệnh tật quanh năm. Cả hai cùng chia sẻ nỗi cô đơn của những đứa trẻ sinh ra nơi đất khách. Vì dám “nẫng tay trên” đại ca, Tiểu Tứ trở thành mục tiêu tấn công của cả hai băng. Tình yêu hoa mộng đẹp đẽ kết thúc khi Mật Ong trở về, gây xáo động giang hồ một lần nữa.

Khác với tựa tiếng Anh nên thơ, tựa gốc tác phẩm của đạo diễn Đài Loan kì cựu Dương Đức Xương rõ nghĩa hơn rất nhiều: Vụ sát nhân thiếu niên ở phố Lĩnh Nhai. Chuyện phim lấy cảm hứng từ sự kiện có thật chấn động xứ Đài đầu thập niên 60, một kí ức tuổi thơ của vị đạo diễn. Tình trạng băng đảng phổ biến, thế giới học trò phức tạp và thực trạng mâu thuẫn giữa các lớp người cũ-mới cũng là trải nghiệm của ông. Như nhiều phim khác trong sự nghiệp, Dương Đức Xương tận dụng cốt truyện để tái tạo thế giới ấu thơ.

Trong phim, một Đài Loan kỉ niệm, khá giống với Sài Gòn trước 1975, hiện lên chi tiết và tỉ mỉ. Vị đạo diễn sử dụng một thủ pháp đặc trưng là “người khám phá”, chính là Tiểu Tứ. Đầu phim, cậu trộm một chiếc đèn pin và từ đó, soi chiếu vào mọi mặt cuộc sống xung quanh. Theo chân Tiểu Tứ, chúng ta được nhìn ngắm đầy đủ dáng hình của một thời đại không còn nữa. Không chỉ là các vật dụng đặc trưng như máy đĩa, radio, các phương tiện giao thông.. mà còn là không khí giao thời, pha tạp văn hóa đại chúng Mĩ, đa dạng sắc thái từ châm biếm đến cảm thương.

Thế giới đó được miêu tả theo lối gần với tiểu thuyết hơn cả điện ảnh. Với thời lượng đến bốn giờ, Dương Đức Xương có đủ không gian để nhấn nhá chi tiết và dụng ý, lấp đầy bức tranh hiện thực rộng lớn. Kịch bản mang đến một hệ thống nhân vật đa tầng, đa lớp, với các sinh hoạt riêng sống động. Một ông chủ quán thường xuyên say xỉn, tay cầm chai rượu lảo đảo trên đường mỗi chiếu. Một bác hàng rong thỉnh thoảng lướt qua, nói lời chào với mọi người. Các giáo viên, cảnh sát, cha mẹ của những đứa trẻ… đều có câu chuyện riêng, vấn đề riêng. Ta tin rằng họ đang sống thật sự, chứ không chỉ xuất hiện làm nền.

Người xem cũng bắt gặp các đặc trưng nghệ thuật của vị đạo diễn: Lối dẫn truyện chậm rãi, từ tốn, như thể chờ đợi đời sống tự hiện ra trên màn ảnh. Cách đặt các góc máy tĩnh, giữ khoảng cách với nhân vật, mang đến cảm giác tài liệu chân thật. Kĩ thuật sử dụng không gian và ánh sáng bậc thầy, tạo ra một không khí xưa cũ, buồn man mác và có hồn. Người xem sẽ dễ dàng chìm đắm vào không gian ấy, không cần chút nỗ lực nào.

Dù kể về băng đảng và sát nhân, A Brighter Summer Day không phải phim hình sự. Chất bạo lực và điều tra ở cuối phim dẫu nặng nề nhưng sẽ lướt qua tâm trí người xem nhanh chóng. Điều ở lại là nỗi buồn mênh mang và sự cảm thương cho các nhân vật. Sự dày dặn về kịch bản, lối kể chuyện đầy đặn, tài năng của dàn diễn viên trẻ sau này đều trở thành ngôi sao… kết hợp thành một trải nghiệm điện ảnh khó quên.

Chúng ta có lẽ sẽ nhớ tất cả các nhân vật, chính hay phụ. Bởi vì, dù khác biệt giàu nghèo hay giai cấp, những thiếu niên đều chia sẻ chung một bi kịch: Mất đi tuổi trẻ. Một Tiểu Tứ hiền lành, ngoan ngoãn dần biến chất thành lầm lì, tàn bạo. Một Tiểu Minh sáng trong như thiên thần buộc phải lấm bùn để tồn tại. Một Mật Ong nghĩa khí, ngang tàng cuối cùng lãnh kết cục bi thảm… Chúng ta thường nghe về cụm từ “bi kịch thời đại” nhưng rất khó hình dung cụ thể. A Brighter Summer Day sẽ mang đến câu trả lời, cho Đài Loan của những năm 60, nhưng chắc chắn không xa lạ với khán giả Việt Nam hiện tại.

Điểm đặc sắc của Dương Đức Xương là đào sâu được cốt lõi của bi kịch ấy. Không phải là khó khăn vật chất, bất ổn chính trị hay các giá trị đảo lộn, con dao cuối cùng cắm vào các cá nhân phố Lĩnh Nhai là thứ khác: Mất đi danh tính. Trong phim, cả dân lưu vong từ Thượng Hải lẫn dân Đài Loan bản xứ đều không biết họ là ai. Là người phương Đông hay phương Tây?  Là tuân theo truyền thống hay hướng về hiện đại? Là âm nhạc cổ truyền vọng lại từ đường phố hay Elvis Presley từ máy đĩa?… Mất mát danh tính bản thân, những đứa trẻ như Tiểu Tứ sinh ra mà không có mặt đất, chông chênh trước khi sa vào bùn lầy, như lẽ tất nhiên.

Mang tựa phim có chữ “tươi sáng”, nhưng A Brighter Summer Day có lẽ là phim nhiều bóng tối hơn cả của Dương Đức Xương. Bóng tối của những buổi học đêm. Bóng tối của trần nhà chỗ phim trường. Bóng tối trong tâm hồn những đứa trẻ mới lớn không biết đi về đâu, không có gì để dựa vào… Một thế hệ trẻ Đài Loan, thế hệ của vị đạo diễn họ Dương đã phải mò mẫm như Tiểu Tứ, cậy nhờ chút ánh sáng từ đèn pin, từ ngọn nến để tìm đường. Một số chìm vào bóng tối, nhưng cũng có những người khác vẫn kiếm tìm. Như một nhân vật rất phụ trong phim là Phi Cơ, cậu bé luôn tươi cười. “Thế giới không thay đổi, dù chúng ta có muốn đi nữa,” Tiểu Minh nói. Phi Cơ không trả lời mà giống như tên cậu, chỉ vút bay đến ngày Hè tươi sáng nào đó ở tương lai.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00