ARRIVAL

bởi
531 lượt xem
A+A-
Reset

Trái tim của thể loại khoa học viễn tưởng chính là ý tưởng (concept), và Arrival (Cuộc đổ bộ bí ẩn) có một trái tim khỏe mạnh. Mượn cốt truyện tiếp xúc với người ngoài hành tinh, bộ phim của đạo diễn Canada Denis Villeneuve khai thác chủ đề hiếm khi được điện ảnh khai thác: Ngôn ngữ và quá trình phát triển của ngôn ngữ – yếu tố vừa là nền tảng vừa là phương tiện cho nền văn minh chúng ta.

Dựa trên truyện ngắn giả tưởng The Story of Your Life (Chuyện đời) của nhà văn Ted Chiang, Arrival là câu chuyện về Louise Louise (Amy Adams), một tiến sĩ ngôn ngữ ở trường đại học. Không phải là ngành học hấp dẫn lẫn ở hiện tại, chúng ta có thể thấy qua số lượng sinh viên lớp cô. Mở đầu phim, dường như Louise đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn. Song song với các sinh hoạt thường nhật lặp đi lặp lại, là các kí ức về cô con gái nhỏ của cô – từ lúc được sinh ra cho đến lúc mất vì bệnh ung thư.

Nhưng rồi, cuộc sống bình lặng của Louise chấm dứt, vào một ngày đặc biệt. Gần như mỗi chúng ta đều ít nhất một lần nghĩ về nó: Ngày những người ngoài hành tinh ghé thăm Trái Đất. Tuy nhiên, sự xuất hiện của họ gây lo sợ nhiều hơn là chào đón. 12 chiếc phi thuyền như những khối đen có hình nửa quả trứng lơ lửng ở 12 địa điểm trên khắp thế giới. Một trong số đó là ở Montana. Louise được mời đến, cùng với nhà khoa học trẻ Ian Donnelly (Jeremy Reiner), tìm cách để tiếp xúc với các vị khách từ không gian.

Arrival có nội dung gợi đến Contact (1997), một trong những phim về người ngoài hành tinh hay nhất, được viết kịch bản bởi nhà khoa học lỗi lạc Carl Sagan. Sự thật, hai bộ phim này nên đổi tên cho nhau. Vì trong Contact, nữ khoa học gia Eleanor (Jodie Foster), đã chế tạo ra phương tiện để “đổ bộ” lên hành tinh lạ, và gặp gỡ trí thông minh vượt trội . Còn trong Arrival, Louise và Ian phải tìm cách để “liên lạc” với hai người ngoài hành tinh trong phi thuyền lạ. Họ làm điều đó bằng cách thức cơ bản nhất, là thông qua ngôn ngữ.

Các lí thuyết khoa học được sử dụng trong quá trình này rất thú vị, với cả khán giả thông thường lẫn người yêu mến khoa học. Trong quyển sách mà mỗi người đều nên đọc trong đời Cosmos (Vũ trụ), Carl Sagan từng nói đại ý rằng, các hình thái sự sống sinh ra ở những môi trường khác nhau sẽ phát triển theo những cách nằm ngoài sự tưởng tượng của ta. Cách họ tư duy, liên lạc, nhìn nhận thế giới cũng sẽ khác ta. Bao gồm cả ngôn ngữ. Những ai thắc mắc rằng sự khác biệt ấy có thể là gì, sẽ tìm được câu trả lời trong Arrival: Những người ngoài hành tinh trong phim sử dụng ngôn ngữ ba chiều!

Ngôn ngữ ba chiều là gì? Và làm sao thể hiện nó trên màn ảnh? Đó là tuyệt tác mà Denis Villeneuve và các đồng nghiệp đã làm với Arrival. Sử dụng các hiệu ứng máy tính đầy hiệu quả, hệ thống ngôn ngữ Villeneuve tạo ra trong phim thật sự khiến chúng ta kinh ngạc và tin tưởng. Tương tự là quá trình để Louise và Ian cùng “học hỏi” với hai người ngoài hành tinh có tên Abbott và Costello – đặt theo tên hai danh hài thời kì đầu của Hollywood. Đó chính xác là quá trình các dân tộc trên thế giới phải trải qua để có thể hiểu được nhau. Từng từ một, từng ý niệm một, cần được giải nghĩa. Và trong quá trình đó, có rất nhiều hiểm lầm cũng như tai nạn đã xảy ra, như ví dụ giả về “Kanguru” mà Louise bịa ra.

Có một cảnh phim khá ấn tượng với tôi, là khi Loiuse giải thích cho cấp trên hiểu sự phức tạp của một câu hỏi đơn giản: “Mục đích bạn đến Trái Đất là gì?” Chúng ta hiện tại thừa hưởng không cần thắc mắc nền tảng ngôn ngữ được xây dựng qua hàng ngàn năm, một cách tự nhiên đến mức ít khi nhận thức được sự kì công đến kì diệu của nó. Arrival mang đến cảm giác biết ơn. Từ những khái niệm đơn giản về nơi chốn như “Trái Đất”, cho đến ý niệm vô hình về động cơ của hành động, hay để học được cách sử dụng thể nghi vấn đúng trường hợp… loài người đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả mất mát để có được. Và đó chỉ mới là một câu hỏi, trong số hàng triệu câu từ chúng ta sử dụng hàng ngày. Ngôn ngữ là kho báu lớn nhất của chúng ta, và là cách duy nhất để chúng ta hiểu được nhau.

Thế nhưng, như mọi thứ khác, ngôn ngữ không hoàn thiện, hay chưa hoàn thiện. Vì thế mới có khái niệm “hiểu lầm”. Nhân vật trào lộng Kim Jong Un trong bộ phim hài The Interview (2014) từng nói một câu thông thái là: “Anh biết thứ gì có sức hủy diệt lớn hơn vũ khí hạt nhân không? Là ngôn từ.” Arrivalmiêu tả điều này bằng một từ duy nhất, là “vũ khí”, mà cả 12 quốc gia nhận được từ người ngoài hành tinh. Ngay lập tức, nó tạo ra chia rẽ, và dẫn đến nguy cơ chiến tranh từ các quốc gia, mà dẫn đầu là Trung Quốc. Một điều phải nói thêm, với Arrival năm nay và The Martian năm ngoái, đất nước tỉ dân một lần nữa được đặt vào vị trí quyết định vận mệnh thế giới. Điện ảnh phản ánh cuộc sống, và nó cho thấy vị thế của Trung Quốc hiện tại trong mắt người Mĩ: Đáng sợ và đang trở thành số một. Tất nhiên, nó vẫn được miêu tả có nét phản diện với tính cách manh động.

Arrival là một phim đầy đặn ở cả nội dung viễn tưởng lẫn các yếu tố kĩ thuật. Đây tiếp tục là  màn trình diễn tuyệt vời của đạo diễn Denis Villeneuve. Anh là một trong số ít đạo diễn hiện tại có được phong cách riêng, không thể nhầm lẫn, như một thương hiệu. Và đó là thương hiệu của sự hợp tác. Các khung hình ấn tượng của Villeneuve kết hợp với nhà soạn nhạc Jóhann Jóhannsson vốn ưa thích các âm trầm, đã tạo ra bầu không khí và áp lực nặng nề mà ta có thể “ngửi” được từ Prisoners (2013) cho đến Sicario (2015). Arrival hấp dẫn đến mức không thể rời mắt, từ những phút đầu cho đến đoạn twist cuối. Tôi nghĩ rằng, nếu đưa kịch bản này cho bất kì đạo diễn nào khác, có thể bộ phim sẽ giảm đi đến 70% độ cuốn hút.

Dù vậy, giống như ngôn ngữ, Arrival là một bộ phim chưa hoàn thiện. Và nó có vẻ được đánh giá hơi quá cao, tương tự như The Martian năm ngoái. Ý tưởng khoa học và dẫn truyện rất ổn, nhưng kịch bản phim thiếu đi sự đầy đặn và hợp lí. Nếu phần hay nhất là quá trình học ngôn ngữ của Loiuse và Ian được chấm “giỏi”, thì những phần khác đều ở mức trung bình. Nếu so với ContactArrival không bằng ở việc miêu tả phản ứng của thế giới trước sự kiện người ngoài hành tinh đổ bộ. Tất nhiên, có những hình ảnh và thông tin về việc con người trở nên cuồng loạn, và các giáo phái xuất hiện, nhưng nó quá thông dụng và không đủ độ sâu sắc. Chúng ta từng thấy tốt hơn trong bộ phim hài Seeking a Friend for the End of the World (2012).

Một lí thuyết thú vị được sử dụng là cách thức tư duy thay đổi khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ mới, được vận dụng vào kịch bản không quá thuyết phục. Nói nôm na là ngôn ngữ định hình cách thức tư duy. Ví dụ các dân tộc sử dụng chữ tượng hình như sẽ mạnh về nhận thức hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ khúc chiết sẽ phóng khoáng và khoa học, sử dụng ngôn ngữ phức tạp sẽ tỉ mỉ và chi li. Trong Arrival, sử dụng ngôn ngữ ba chiều của người ngoài hành tinh cung cấp khả năng thấu thị – con người có thể nhìn thấy quá khứ và tương lai ở một chiều không gian khác, cùng một lúc. Để dễ hình dung, chính là cảnh cao trào của Interstellar (2014), khi Cooper (Mathew McConaughey) lạc vào không gian chiều thứ năm. Nhưng Arrival dùng nó để giải quyết các mâu thuẫn chiến tranh một cách dễ dãi, giống như cách The Martian đã làm.

Và ở mặt tình cảm, với một cú twist không mấy bất ngờ, không được xây dựng đủ để khiến tôi xúc động. Nhân vật Ian của Jeremy Reiner quá mờ nhạt và không có mấy tương tác với Amy Adams, do đó lời tỏ tình của anh trở nên thiếu thuyết phục. Tương tự là các kí ức về cô con gái. Chúng quá vụn vặt và tách biệt với câu chuyện chính, dẫn đến quyết định cuối cùng của Louise là không đủ sức nặng. Arrivalvì thế giống như một phim chỉ đáng xem một nửa, ở mặt giả tưởng, và thành công nhờ vào tài dẫn truyện của Denis Villeneuve. Tất nhiên, phải tính đến diễn xuất đầy đặn của Amy Adams, gần như chắc chắn sẽ mang đến cho cô một đề cử năm nay. Một nửa còn lại, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều hơn ở bộ phim Nhật Bản Be With You (2004).

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00