AWAKENINGS

bởi
858 lượt xem
A+A-
Reset

Sống, hay tồn tại? Câu hỏi muôn thuở này dường như bị thử thách bằng một căn bệnh kỳ lạ lây lan vào những năm 1920 ở Mỹ. Hàng loạt người đang khỏe mạnh bỗng nhiên rơi vào trạng thái bất động, như một bức tượng, không tương tác với thế giới bên ngoài. Khi một bác sĩ người Anh tìm cách đưa họ trở lại cuộc sống 30 năm sau đó, chính xác hơn là thức tỉnh như tựa phim Awakenings , ông phải tìm cách trả lời câu hỏi ấy.

Tình trạng các bệnh nhân mắc chứng “sleepy sickness” (Bệnh ngủ) xảy ra vào khoảng thời gian 1917-1928, không khác gì một cơn ác mộng đáng sợ nhất. Những người sống sót, được nuôi dưỡng bởi người thân hoặc y tá,  bị cầm tù trong thân xác của mình, như ở trong một lớp vỏ cứng trong  hàng chục năm trời. Cậu bé Leonard (Robert De Niro) là một trong số đó. Một cậu bé 12 tuổi đáng yêu, khỏe mạnh, bỗng nhiên run rẩy và mất khả năng viết, sau đó rơi vào một giấc ngủ dài. Cậu được mẹ đưa vào bệnh viện ở khu The Brox, New York, và ở đó cho đến khi thành một ông già.

Không bác sĩ nào tin rằng Leonard, và những người như ông, còn sống. “Họ không thể tự mình thay đồ, hay tự ăn uống, gần như tất cả trường hợp họ không thể nói,” vị bác sĩ từng nghiên cứu căn bệnh này hồi tưởng lại, và diễn tả rất chính xác, “những con người từng bình thường này giờ đang… ở một nơi khác.” Hầu hết các bác sĩ cho rằng những con người này đã ra đi, chỉ để lại thể xác trống rỗng. Trừ một người không tin là Sayer (Robin Williams), một bác sĩ mới toanh vừa mới nhận việc ở bệnh viện.

Đáng nói là, bác sĩ Sayer chưa từng có kinh nghiệm làm việc với con người trước đó. Ông chỉ quen với việc nghiên cứu, và đó cũng là công việc ông yêu cầu, nhưng không được chấp thuật. Vì thiếu hụt nhân sự, họ điều ông vào chăm sóc các bệnh nhân mắc chứng ngủ, và khiến ông gặp rất nhiều áp lực những ngày đầu. Với sự giúp đỡ của cô y tá Eleanor (Julie Kavner), Sayer dần làm quen, và sau đó, thật sự quan tâm đến các bệnh nhân. Không có nhiều chuyên môn, bù lại ông có lòng nhân ái và sự tận tụy của một bác sĩ. Ông đã quan sát các dấu hiệu, và tin rằng, những bệnh nhân vẫn đang sống trong thân xác của họ. Không được ai ủng hộ, Sayer đã tự mình nghiên cứu, tìm cách chữa trị nhờ vào một loại thuốc mới. Cuối cùng, ông đã làm được điều kỳ diệu: Lần lượt đánh thức những bệnh nhân khỏi giấc ngủ dài, mà người đầu tiên là Leonard.

Nhưng từ lúc đó, thử thách mới thật sự bắt đầu. Sẽ thế nào khi một đứa trẻ 12 tuổi, sau một giấc ngủ, thức dậy và thấy mình là một ông già? Sẽ thế nào khi Leonard được nhìn thấy những thứ ông chưa bao giờ thấy, dù đơn giản như tivi, quạt máy, máy bay, và sự thay đổi ở thế giới mà ông sống? Và sẽ thế nào, theo một cách tàn nhẫn, phép màu này không là mãi mãi?

Awakenings, được chỉ đạo bởi một đạo diễn nữ là Penny Marshall, có lối dẫn truyện dịu dàng và tình cảm. Cùng với nụ cười ấm áp dễ mến của Robin Williams và những bản piano nhẹ nhàng của Randy Newman, cả bộ phim trôi qua như một bản nhạc giàu cảm xúc của tình người, tình yêu cuộc sống,  khiến ta xúc động. Phim tập trung vào Leonard và quá trình “thức tỉnh” của ông. Lời nguyền kinh khủng ông mắc phải, giờ đây cho ông cơ hội để cảm nhận được cuộc sống có lẽ trọn vẹn hơn bất kỳ ai khác.  Leonard giống như một kẻ tù tội bị nhốt vào một chỗ, bịt tai bịt mắt suốt 30 năm, rồi bất ngờ được thả tự do. Khi ấy, cuộc sống này, cuộc sống đầy những khác biệt và quái dị (như những gì ông nhìn thấy trên đường phố) và khiến bác sĩ Sayer sợ hãi, lại mang một màu sắc đẹp đẽ ngọt ngào.

Góc nhìn của Leonard có thể chân thật và đầy tác động như thế là nhờ đặt cạnh hình ảnh đối lập của bác sĩ Sayer.  Robin Williams có một trong những vai diễn xuất sắc nhất sự nghiệp ông. Williams luôn có sức hút rất kỳ lạ, ở bất kỳ phim nào ông tham gia, nhất là những vai dịu dàng và nhút nhát như bác sĩ Sayer. Ông sợ con người (trước đó chỉ làm việc với giun, thậm chí ông sợ cả chó, loài vật thân thiết gần gũi nhất với con người), vì ông không hiểu họ. “Tôi thích họ, nhưng tôi ước gì mình có được nhiều hơn những hiểu biết sơ đẳng về họ.” Ông ngại ngần với tình cảm của cô y tá Eleanor. Ông sống một mình, không gia đình, không con cái, không mối liên hệ thân thích. Dù không bất động vì chứng ngủ, nhưng ông cũng đang ở trong một lớp vỏ tách biệt, cách xa khỏi cuộc sống của mình.

Thật khó để nói ai đã cứu ai trong hoàn cảnh này, có lẽ họ đã cứu lẫn nhau. Awakenings đặt ra câu hỏi luôn nhức nhối về việc vì sao chúng ta ở đây, hay chúng ta đang làm gì ở đây, và cuộc sống có nghĩa gì nếu một mai tất cả đều phải ra đi? “Sao ông lại muốn mang con tôi quay lại?” mẹ Leonard hỏi, “có còn gì cho nó nữa đâu?”. “Bà”, Sayer trả lời, “còn bà.” Sống hay tồn tại? Tồn tại hay sống? Ở cuối phim, bác sĩ Sayer nhận ra rằng, những giá trị cơ bản về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, lòng tốt, sự bao dung, đức hy sinh… đều gắn liền một cá thể với một cá thể hoặc nhiều cá thể khác. Sayer chưa từng sống trước đó, như lời Leonard hét vào mặt ông. “Chính ông mới là người đang ngủ.”

Chỉ có những bộ phim như Awakenings, đặt người xem vào những hoàn cảnh bi đát nhất (không hẳn là giả định, vì nó đã thật sự xảy ra), mới có thể mang đến cảm xúc này: Chúng ta sẽ yêu và trân trọng cuộc sống như thể nâng niu một giọt sương mai. Biết ơn vì ta được sinh ra là một người bình thường, khỏe mạnh, no đủ, và trên tất cả, được yêu thương. Bộ phim khiến chúng ta nhìn lại những điều bình dị và giản đơn nhất, như được “bước ra khỏi cánh cửa, gặp gỡ và nói chuyện với mọi người”,  nhìn ngắm thế giới, hay trò chuyện với người mình yêu, nắm tay cô ấy trong một điệu vũ, trở thành những điều kỳ diệu thật sự. Trong một cảnh lấy nước mắt cuối, tình yêu còn kì diệu hơn cả khoa học, giúp Leonard chiến thắng cơn bệnh mà không cần đến gam thuốc nào. Một trong những cảnh phim đẹp nhất của thế giới điện ảnh.

Awakenings là  phim lấy thời gian làm yếu tố cốt lõi, nhưng là thời gian bị đông cứng, bị mất đi, tuổi trẻ bị mất đi của Leonard. Đó là một phép ẩn dụ, khiến chúng ta tự hỏi về thời gian của chính mình. Nếu chỉ tồn tại cho riêng mình, không yêu thương và cố gắng, không trân trọng và quan tâm những người xung quanh, không hết mình với cuộc sống, có gì khác chúng ta trải qua những tháng năm trong một giấc ngủ dài? Có khác gì ta sống thêm 30 năm trong một lớp vỏ? Chẳng có sự thật nào chắc chắn bằng lời của y tá Eleanor “Cuộc sống được gửi trao và rồi bị tước đoạt khỏi tất cả chúng ta.” Nhưng không có nghĩa rằng nó không có ý nghĩa. Chỉ là, liệu chúng ta có quyết định tỉnh giấc, và “sống”, hay không.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00