“Chúng ta có thể ở bất kì nơi nào mình muốn.”
Lynn, một nữ sinh xuất sắc, dẫn đầu một đường dây quay cóp “xuyên quốc gia” nói với cậu bạn Bank, khi đứng trước nhà hát Sydney. Cả hai đang thực hiện một phi vụ quay cóp lớn chưa từng có, để giúp hàng loạt cậu ấm cô chiêu đủ điều kiện du học, và thu về hàng triệu bath. Bank vốn là một cậu học trò trung thực, đến mức sẵn sàng tố cáo bạn học gian lận. Nhưng cậu đã thay đổi, vì thương mẹ, vì muốn thoát khỏi cái nghèo, và vì tương lai.
Họ là nạn nhân của sự bất công của số phận. Chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều thứ, nhưng không thể lựa chọn gia đình sinh ra. Cả hai đều là những học sinh giỏi, rất giỏi, nhưng nghèo khó. Họ không bao giờ có thể tự do vươn đến những chân trời mới, như ra nước ngoài, đi du học, trở nên giàu có sung túc. Và cả hai muốn chống lại sự bất công đó. Ít nhất một lần trong đời.
Bad Genius (Thiên tài bất hảo) là bộ phim tội phạm có thể xem là nguyên gốc của Thái Lan. Lấy cảm hứng từ vụ scandal bãi bỏ kì thi SAT ở Trung Quốc vì gian lận, đạo diễn Nattawut Poonpiriya cùng các nhà sản xuất hãng GDT quyết định thực hiện một bộ phim cùng đề tài, chỉ thay bối cảnh ở Thái. Trong đó, Lynn, ban đầu là một nữ sinh ngoan ngoãn, từng bước một thành lập một đường dây quay cóp với mức độ, qui mô ngày càng lớn. Bắt đầu từ năm lớp 10 và kết thúc vào năm lớp 12, Lynn đã đi từ “giúp đỡ” các bạn học vượt qua các môn thi học kì, cho đến gian lận “cỡ lớn” trong kì thi quốc tế STIC. Trong thực tế, không có kì thi nào mang tên này. Các nhà làm phim đã nghĩ ra để thay thế cho SAT ngoài đời thật.
Đồng hành với Lynn là hai bạn học Pat, một công tử nhà giàu và bạn gái cậu ta, Grace. Pat do nam diễn viên điển trai Teeradon Supapunpinyo thủ vai, cực kì phù hợp với ngoại hình công tử trắng trẻo. Grace của Eisaya Hosuwan (gợi tôi nhớ đến Chi Pu của Việt Nam, trong trường hợp cần làm một bản remake) đúng kiểu “bình bông” não ngắn mít ướt, nhưng thật thà đáng yêu. Như mọi tội lỗi trên đời, chuyện quay cóp này bắt đầu từ một hành động tốt Lynn giành cho Grace. Pat biết chuyện và đề nghị cho Lynn một số tiền lớn để giúp đỡ mình cùng vài người bạn. Mọi thứ cứ thế tiếp diễn. Trước khi kịp nhận ra, Lynn đã thấy mình đã ở Sydney, lợi dụng sự chênh lệch múi giờ, cố gắng tuồn đáp án về Thái bằng điện thoại di động. Nếu thành công, cô và Bank sẽ kiếm được số tiền đổi đời.
Tôi chưa từng xem bộ phim nào tương tự Bad Genius trước đây. Tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ xem một phim biến chuyện quay cóp trong phòng thi, thường là chi tiết đùa vui thể loại phim học trò, thành một chủ đề nặng kí. Nhưng đạo diễn Poonpiriya đã làm được, và làm rất tốt. Cả bộ phim là một hành trình lôi cuốn đến nghẹt thở, với nhịp phim nhanh, mạnh, đầy đủ các nút thắt mở, cao trào, gợi nhớ đến những tác phẩm tội phạm hay nhất thể loại đào thoát như Ocean’s Eleven (2001). Phần kịch bản đầy đặn còn lồng ghép đầy đủ các chủ đề về tình bạn, tình cảm gia đình rất đậm chất trưởng thành thiếu niên, và bóc tách đủ sâu một vấn đề rất thiếu niên khác: Sự lựa chọn. Ở độ tuổi của Lynn và Bank, lựa chọn có thể tốt và xấu, tương tự là kết quả.
Sức hấp dẫn chính của phim tội phạm đương nhiên là cách thức và hành trình phạm tội, và phải thật thông minh. Càng thông minh, càng thuyết phục. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà phải tạo ra được một tên tội phạm đủ sức hút và độ ngầu. Lynn, vai diễn đầu tay của nữ diễn viên có cái tên khá dài (đặc sản Thái) Chutimon Chuengcharoensukying, đáp ứng được điều đó. Không còn là hình tượng nữ sinh xinh đẹp thường thấy, Chutimon với nước da ngăm đen, gương mặt đúng chất “học sinh giỏi”, nhưng sở hữu ánh mắt sắc sảo đến lạnh người, cuốn hút người xem như một thỏi nam châm. Ánh mắt là sức mạnh của cô, khi đi từ miền yêu thương dịu dàng lúc nhìn người cha tần tảo, đến vẻ tự tin đáng sợ khi suy tính, chuyển qua hồi hộp lo lắng trong khi thực hiện phi vụ, một cách mượt mà và thuyết phục.
Liệu chúng ta có tin vào cách mà Lynn gian lận trong phim? Có thể có, có thể không. Không quan trọng. Mà chủ yếu, là ở việc cách thức đó khiến ta cảm thấy phấn khích đến mức nào. Bad Genius là một bài học chuẩn mực về cách sử dụng chi tiết trong điện ảnh, đúng mục đích và đúng yêu cầu. Sử dụng các thế bấm piano, và âm nhạc, thay thế cho các đáp án trắc nghiệm, là rất mới mẻ và kích động. Chúng ta luôn cảm thấy thích thú khi chứng kiến sự vượt trội về trí óc của con người, gần như khả năng siêu phàm, ví dụ như các hacker trong Mr. Robot. Hầu hết các phim cố làm điều này đều sa vào ngớ ngẩn. Bad Genius thì không, bởi một sự kết hợp nhuần nhuyễn và giàu năng lượng giữa chi tiết, âm nhạc, lối cắt cảnh và diễn xuất. Đôi lúc, tôi cảm thấy như đầu óc mình cũng căng ra hết mức cùng với Lynn. Trường đoạn trong phòng thi STIC hoàn toàn xứng đáng là một trong những trường đoạn thoát hiểm xuất sắc nhất trong vài năm qua.
Song hành với vụ gian lận, là các yếu tố tình cảm được xử lý gọn gàng. Cốt truyện về người tốt làm việc xấu luôn còn đến một động lực đủ mạnh. Ở đây không phải sự nghèo khó, mà là tình thương đối với người thân. Nếu ai từng xem các quảng cáo của Thái, sẽ thấy họ rất biết cách khai thác điều này. Bad Genius không là ngoại lệ. Không có gì đau đớn bằng nhìn thấy cha mẹ ta phải khổ cực, có khi là chịu nhục nhã, để chăm lo cho ta. Cái nghèo chỉ đáng sợ khi phải bước ra ngoài xã hội. Tôi khá xúc động, và đồng cảm, với câu chuyện của Bank. Nhưng đó cũng là lí do khi bộ phim bỗng tỏ ra đuối sức ở đoạn kết, khi biến cậu thành một lí do, thay vì nhân vật. Tất nhiên, chúng ta biết con người có thể biến chất, nhưng không thể đột ngột và nhanh chóng như thế (ít nhất cần đến 5 season như Breaking Bad). Đó là điều đáng tiếc.
Tương tự là cách Bad Genius giải quyết mọi thứ có phần an toàn, dù hoàn toàn phù hợp với văn hóa Á Đông: Phạm tội, trả giá và hoàn lương. Nếu là phim Mỹ, công thức này sẽ là phạm tội, trả giá và tiếp tục phạm tội, nhưng đã biết cách để không phải trả giá, như Limitless (2011) chẳng hạn. Đó là sự khác biệt mang tính văn hóa, chỉ có Mỹ mới có thứ tự do như vậy trong phim ảnh. Thái Lan là một nước Phật Giáo, và luật nhân quả luôn giữ vai trò chủ đạo. Nhưng điều khiến cho kết thúc của Bad Genius vẫn thỏa mãn, không sa vào giáo điều, là góc nhìn sâu sắc của các nhà biên kịch: Số phận trớ trêu không chỉ dành riêng cho người nghèo, là Lynn và Bank. Ở chiều ngược lại, Pat và Grace giàu có, nhưng không thể nào trở thành học sinh giỏi, dù có muốn đi nữa. “Giá như cái đầu của tớ có thể thông minh bằng một nửa cậu,” Grace nói. Ngu dốt cũng là một nỗi nhục, không kém nghèo khổ, và ta thấy Pat, Grace cùng nhiều con nhà giàu khác phải khổ sở, quỵ lụy và yếu đuối đến mức nào trước những người thông minh hơn. Không có thiên đường Boston nào dành cho họ.
Poonpiriya hoàn toàn có thể được xếp vào lớp đạo diễn hàng đầu Thái Lan, sau Bad Genius, dù đây mới chỉ là phim thứ hai trong sự nghiệp. Dấu ấn đạo diễn là vô cùng rõ nét, từ cách sử dụng kết cấu đầu cuối, lối dẫn truyện, cách làm chủ các khung hình và điều tiết nhịp phim… vừa đầy kĩ thuật vừa toát lên mùi bản năng. Dù phải dùng một lối so sánh cũ, nhưng không còn cách nào đúng hơn: “Không thua Hollywood.” Poonpiriya cũng hòa quyện được chất hài hước, như cảnh “Steve Pat”, với chất kịch tích, để giúp người xem nhẹ não hơn. Ở một kịch bản mang tính chất phóng đại như thế này, khó khăn còn là ở việc giữ cho phim không rơi vào quá lố kiểu Ấn Độ. Anh cũng đảm bảo được. Có điều, như mọi đạo diễn mới khác, anh vẫn cần phải tiết chế lại đôi chút. Một biên tập phim giỏi ở Hollywood hẳn sẽ cắt được khoảng 15 phút phim nữa của Bad Genius, để gọn gàng hơn. Nhưng đó là điều dễ dàng học được, theo thời gian.
Bad Genius được gắn mác 15+ ở Thái Lan là một điều khá ngạc nhiên. Có lẽ, người ta sợ bọn trẻ con sẽ thấy rằng quay cóp là trò siêu ngầu, siêu đỉnh, thay vì học bài học đắt giá ở cuối phim. Còn với những chúng ta, những kẻ yêu phim, không có gì tuyệt vời hơn được thưởng thức điều gì đó mới mẻ và thật sự đẳng cấp trong điện ảnh. Và một lần nữa nhận ra rằng, điện ảnh Thái Lan, cũng như thể thao, đang bước rất nhanh thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á này.