Trang chủ Năm Phát Hành2017 BEAUTY AND THE BEAST

BEAUTY AND THE BEAST

bởi
600 lượt xem
A+A-
Reset

Trong cuộc thảo luận đầu tiên với đạo diễn Bill Condon về Beauty and the Beast (Người đẹp và quái vật), các nhà sản xuất Disney đã không chắc có nên giữ lại thể loại nhạc kịch hay không. Trước đó, Cinderella (Lọ Lem, 2015) đã rất thành công mà không cần đến các bài hát. “Với tất cả sự tôn trọng, tôi nghĩ các anh điên rồi,” Condon nói. “Các anh định dành thời gian làm bản phim người thật Beauty and the Beast hoành tráng, hoa lệ, mà không có bài hát Be Our Guest?”

Hẳn nhiên, giống như các nhà sản xuất đã bị Condon thuyết phục, chúng ta chưa thể quên kí ức tươi đẹp về phiên bản hoạt hình The Beast năm 1991. Câu chuyện gốc, do nữ nhà văn Pháp Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve sáng tác từ thế kỉ 18, đã được Disney chỉnh sửa và biến thành tác phẩm nhạc kịch kinh điển xuất sắc. Đây là phim hoạt hình đầu tiên được đề cử hạng mục Phim hay nhất của Oscar. Có một mẩu chuyện nhỏ ít người để ý là ban đầu, đạo diễn được chọn là Richard Purdum, chứ không phải bộ đôi Gary Trousdale và Kirk Wise. Nhưng ông này đã kịch liệt từ chối, vì không muốn làm The Beast thành nhạc kịch. Disney đã tiếp tục mà không có ông. Nhạc sĩ Alan Menken được thuê soạn ca khúc cho phim và thành công rực rỡ.  Các ca khúc Be Our Guest, Gaston, Beauty and the Beast…  được yêu thích rộng rãi, tiếp tục xuất hiện trong vở nhạc kịch Broadway ba năm sau đó.

Vũ trụ lại xoay vần 26 năm sau. Nhưng lần này, khác với Purdum, Condon đã thuyết phục để Disney giữ lại phần nhạc kịch. Và đó là vấn đề chính của Beauty and the Beast năm 2017, bộ phim nối tiếp thành công của Cinderella, và hết sức gây chú ý bởi Emma Watson vào vai chính. Những ca khúc vẫn rất tuyệt, nhưng chúng có độ chênh với phần dẫn truyện và hình ảnh, dẫn đến một tác phẩm hài hước, hào nhoáng, nhưng thiếu vắng chiều sâu và sự ấm áp, chân thật như bản hoạt hình. The Beast của năm 2017 có thể không phải là bước lùi về thương mại của Disney, nhưng sẽ là bước lùi về mặt chất lượng, sau khi đã gây ấn tượng rất tốt với Cinderella hay Jungle Book.

Có một sự khác biệt cơ bản giữa hoạt hình và phim người thật, là ở tốc độ tiếp nhận biểu cảm của người xem. Vì sao trẻ em yêu thích và dễ dàng hiểu được hoạt hình? Bởi vì chúng không gặp khó khăn để nhận thức rằng các nhân vật đang vui, buồn, sợ hãi hay giận dữ.  Mỗi cảm xúc được thể hiện bằng nét vẽ rất rõ ràng, đơn giản, có lẽ chỉ cần từ 3 đến 5 giây để hiểu. Biểu cảm của người thật phức tạp và cần nhiều thời gian cũng như chi tiết hơn. Do đó, hoạt hình có thể rút ngắn đường đi và biểu thị mọi xúc cảm một cách hiệu quả bằng âm nhạc. Phim người thật không đơn giản thế.

Beauty and the Beast vướng vào lỗi này. Quá mê đắm các bản nhạc, đạo diễn Condon đã làm mọi thứ đúng như bản hoạt hình. Ông chăm chút vào bối cảnh và vũ đạo, để các trường đoạn âm nhạc tự nói lên tất cả, từ đó thiếu hụt về lớp nền nhân vật. Ta không thấy được nhân vật trong The Beast là nhân vật, là con người với đầy đủ sắc thái, mà chỉ là các hình mẫu. Belle (Emma Watson) xinh đẹp, thông minh, chán ngán các chàng lực điền thôn dã và mơ mộng gặp được ai đó sâu sắc hơn. Đó là hình mẫu. Ở bản hoạt hình, ta chấp nhận khi cô hát lên như thế. Nhưng với phim người thật, chỉ hát thôi chưa đủ. Ta cần chi tiết, như cách mà Lọ Lem cưỡi ngựa không thua gì Hoàng tử trong Cinderella, để ta biết nàng tự lập và dũng cảm. Tương tự là Quái vật (Dan Stevens), một Hoàng tử bị nguyền rủa cô đơn. Làm sao ta hiểu được nỗi cô đơn ấy khủng khiếp đến thế nào, nếu chỉ bằng lời hát. King Kong của Peter Jackson năm 2005 trở nên sâu sắc hơn rất nhiều chỉ bằng một cảnh ngắm hoàng hôn.

Tôi không cần phải tóm tắt nội dung phim, vì có lẽ, chẳng mấy ai trong chúng ta xa lạ. Các biên kịch của Beauty and The Beast hẳn đã làm việc rất nhẹ nhàng, bởi giữ nguyên gần như nguyên tác hoạt hình. Bạn có thể tìm trên mạng các bài viết so sánh những khung hình tương đồng giữa hai phim.  Các sáng tạo thêm về lịch sử nhân vật, như Gaston, không mấy thú vị hay đóng góp gì vào nội dung. Nó giống như một bản làm lại kém hiệu quả hơn của bản phim năm 1991. Xét về không khí, nó còn thua cả bản phim Beauty and the Beast của Pháp năm 2015, có Léa Seydoux đóng vai chính. Một phim mang màu sắc huyền bí, đen tối, với các sáng tạo thú vị hơn, dù đoạn cuối sa đà vào khoe khoang trang phục và kĩ xảo.

Là một người đồng tính, đạo diễn Bill Condon đã thêm thắt các chi tiết giới tính gây hài, để lãnh hậu quả là bị cấm chiếu ở một số rạp nội địa Mỹ, và có thể là cả nước Nga. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam vốn quá quen thuộc với điều này, nó sẽ thành duyên dáng. Condon cũng rất cẩn thận cho thêm vài nhân vật phụ da đen, để tránh điều tiếng, như anh chàng thủ thư. Phần âm nhạc dĩ nhiên rất chất lượng, tương tự các phim Disney khác, có điều hơi dài dòng. Như đã nói, vì quá mê đắm với phần vũ đạo, vị đạo diễn đã kéo lê mỗi ca khúc hơn cần thiết. Chất giọng của các diễn viên đều tốt và đồng nhất, nhưng đáng tiếc là diễn xuất không được thế.

Ngay từ đầu, tôi đã cảm giác rằng Emma Watson không phải là lựa chọn tốt cho vai Belle, và sự thật không có bất ngờ. Cô xinh đẹp và duyên dáng, nhưng tỏa ra khí chất sang trọng của hoàng gia, hơn là cô gái quê chân chất. Với The Beast, cô không tiến thêm được mức nào trong sự nghiệp diễn xuất vốn khiêm tốn hơn các hoạt động xã hội. Các nhân vật dùng kĩ xảo thì đều tệ. Vai Quái vật của Dan Stevens có lẽ là kém cuốn hút nhất trong tất cả các quái vật từng xuất hiện. Anh trông giống như Chewbacca gắn thêm sừng của Daniel Radcliffe. Nhưng tương tác giữa hai nhân vật chính tệ đến mức, ngay cả khi có sự giúp sức của một shot hình đôi mắt ở đoạn cuối, ta vẫn không thể đồng nhất Hoàng tử và Quái vật. Các nhân vật hoạt họa rất đáng giá như Đồng hồ, Chân nến, Tủ áo… mất hẳn một nửa sự đáng yêu dưới đồ họa 3D. Dù có được phần lồng tiếng chất lượng từ một loạt ngôi sao Emma Thompson, Ian McKellen, Ewan McGregor… nhưng chúng vô hồn khi rời xa các nét vẽ.

Điều khiến tôi muốn làm nhất khi theo dõi Beauty and the Beast trong rạp chiếu bóng, là trở về nhà để xem lại bản hoạt hình năm 1991. Khi các nhân vật hoạt họa hiện ra, tôi bỗng thấy thật dễ chịu và ấm áp, khác với cảm giác lạnh lẽo như ở trong lâu đài băng của bản phim người thật. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên trong kế hoạch chuyển thể của Disney, cho thấy khoảng cách giữa phim người thật và hoạt hình, tưởng như đã được san lấp qua các bộ phim rất tốt trước đó. Phim người thật nghĩa là “thật”, là thổi hồn cho các nhân vật trước đó chỉ tồn tại bằng nét vẽ. Beauty and the Beast chỉ có câu chuyện, chứ không có Beauty, và không có The Beast.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00