Blue Jay (Chim giẻ lam, 2016) là một sự gợi nhớ về lối làm phim tối giản mà hiệu quả. Chỉ với hai diễn viên, một bối cảnh, một kịch bản tốt, đạo diễn Alex Lehmann mang đến một câu chuyện giàu hoài niệm, gần gũi về những lựa chọn tuổi trẻ và sự tiếc nuối.
Tình huống của Blue Jay hẳn sẽ gợi nhớ đến Before Sunset (Trước lúc hoàng hôn, 2004) của Richard Linklater: Những người tình cũ gặp lại nhau. Nhưng không có Paris hoa lệ hay một buổi kí tặng sách lãng mạn, anh chàng gần bước vào tuổi tứ tuần Jim (Mark Duplass) gặp lại cô bạn gái thời trung học Amanda (Sarah Paulson) trong một cửa hàng tiện lợi ở thị trấn Cresline hoang vắng. Ngoài đời thật, cửa hàng mới là nơi những người cũ dễ đâm sầm vào nhau nhất.
Sau những ngại ngùng ban đầu, Jim mời Amanda uống cà phê ở quán Blue Jay. Tên quán gợi hoài niệm như một bản nhạc Jazz cũ. Cà phê vẫn tệ như nhiều năm trước, đắng như vị mối tình đầu dang dở. Như mọi cuộc tương phùng, họ bắt đầu kể về cuộc sống những năm không ở trong đời nhau. Jim làm thợ xây nay đây mai đó, vừa trở về để lo tang sự cho mẹ. Anh kế thừa ngôi nhà gia đình và dự định sẽ ở lại quê nhà. Amanda đã có một gia đình hạnh phúc với chồng và hai con, nghỉ ít ngày để đến chăm sóc người chị mang thai.
Câu chuyện lẽ ra sẽ kết thúc ở đó, ai đi đường nấy. Nhưng có điều gì đó vẫn giữ họ lại. Bắt đầu là một kỉ niệm. Họ ghé thăm một tiệm rượu, cá với nhau xem ông chủ già cả còn nhớ đến mình hay không. Không có cảnh phim hồi ức hay lời kể nào, nhưng chúng ta dễ dàng đoán được rằng, từng có hai chú chim nhỏ ríu rít đùa giỡn ở đây. “Đôi uyên ương ngày xưa đây mà,” mất một lúc, ông chủ mới nhận ra, “hai cô cậu vẫn ở với nhau à?” Họ nháy mắt tinh nghịch và gật đầu. Một cảnh phim ghi dấu ấn bằng sự chân thật.
Dường như ở mọi ngõ ngách thị trấn cũ kĩ này đều chất chứa điều gì đó để khám phá. Chính xác hơn, là để sống lại. Jim mời Amanda thăm lại ngôi nhà của anh. Như thể hai đứa trẻ lạc vào kho đồ chơi cũ, họ bắt đầu lật tung lên những bộ quần áo, những băng nhạc, những lá thư ngày xưa… Dấu vết về những thiếu niên đầy háo hức với tương lai, giờ đã không còn nữa. Và rồi, Amanda tìm thấy một lá thư chưa gửi. Lá thư của Jim ngày xưa gửi Amanda ngày xưa.
Blue Jay là một phim tối giản, tập trung vào hai yếu tố cơ bản nhất của điện ảnh là kịch bản và diễn xuất. Mọi thứ gây xao nhãng khác đều bị loại bỏ. Đó là lí do đạo diễn kiêm tay máy Alex Lehmann lựa chọn tông trắng đen cho phim, dù hơi đi ngược với thông thường. Những lựa chọn hạn chế màu sắc thường dùng cho những thước phim quá khứ, không phải hiện tại. Nhưng nhờ đó, không khí hoài niệm của phim được thiết lập và duy trì. Thị trấn Clestine trong phim cũng trở nên đáng nhớ hơn. Với tông trắng đen, các khung cảnh rất đỗi bình dị như tiệm ăn, cây xăng, đường mòn qua phố… đây bỗng có chiều sâu, chất chứa tình cảm.
Trên cái nền ấy, kịch bản của Mark Duplass tỏa sáng. Duplass là một nhà làm phim đa tài, từng thử qua mọi vai trò trong đoàn phim như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, dựng phim, soạn nhạc… Anh gây ấn tượng với lối diễn và ngoại hình khá giống Gerald Butler thời đỉnh cao. Nhưng với Blue Jay, kịch bản mới là điều khiến người ta nhớ đến Duplass. Có một sự chân thật đáng giá trong mỗi chi tiết, từ đó kết nối hai nhân vật và cả câu chuyện. Như ông già chủ tiệm rượu đã thốt lên khi tạm biệt Jim và Amanda: “Đi nhanh đi. Các cháu làm ta khóc bây giờ!” Nhìn thấy những đứa trẻ đã lớn là cách nhắc nhở về tuổi già tàn nhẫn nhất. Hay như khi Jim dành lại những viên kẹo màu hồng và tím cho Amanda, và chúng ta hiểu rằng anh vẫn lưu luyến chuyện tình ngày trước.
Với phim chỉ có hai nhân vật, dĩ nhiên phần thoại là rất quan trọng. Thoại phim là nơi thể hiện rõ nét nhất bản sắc của biên kịch. Duplass từng thừa nhận rằng anh là một người hâm mộ cách viết thoại của Richard Linklater. Blue Jay rõ ràng mang âm hưởng chuyện tình trong Before Sunset. Nhưng không hề có sự bắt chước nào. Nếu Linklater ưa đưa chất hiện sinh vào thoại, Duplass lại tập trung vào những gì thật nhất, giản dị nhất. Nhiều người sẽ cảm thấy rằng nếu ở vào hoàn cảnh của Jim và Amanda, tất cả chúng ta đều sẽ nói năng như họ. Từ những lời ngập ngừng đầu tiên, tự nhiên hơn khi tìm lại sự thân quen, cho đến lúc dễ dàng đùa giỡn… Mọi thứ đều đáng tin
Chuyện phim lên đến cao trào khi Jim và Amanda chơi một trò chơi nguy hiểm: Đóng giả làm vợ chồng của nhau. Họ gọi nhau là ông và bà Anderson, trải qua một bữa tối tuyệt vời. Họ thông báo cho nhau nghe những tin tức đầy lạc quan như ca khúc của Amanda được ghi âm, còn Jim chuẩn bị cho chuyến du lịch tự do hào hứng. Những ước mơ xưa cũ phản ánh cho hiện thực chán chường. Jim đã bị đuổi việc và không biết làm gì kế tiếp. Còn Amanda đang trải qua những tháng ngày trầm cảm vì vấn đề gia đình.
Blue Jay là một phim ngọt ngào và buồn bã đan xen về nỗi tiếc nuối. Về những lối rẽ ta đã chọn không đi, ở những ngã ba đường ngày trẻ dại. Những tháng năm đã mất của Jim và Amanda liệu có hạnh phúc hơn hiện thực của họ? Khi gặp lại nhau, Jim và Amanda trở về là những cô, cậu bé với năng lượng và niềm vui sống. Người lớn chỉ là danh xưng của những đứa trẻ bị cuộc đời vùi dập. Đâu đó trong tâm hồn họ, ta vẫn thấy niềm hi vọng được đổi thay, được hạnh phúc. Nhưng, lối thoát ấy liệu có tồn tại?
Là phim đầu tay của Alex Lehmann, Blue Jay dĩ nhiên không hoàn hảo. Nhưng đôi chút vụng về trong cách xử lí một vài trường đoạn của ông không hề làm mất đi cảm xúc chung. Có lẽ, những khiếm khuyết lớn hơn cũng sẽ bị che mờ bởi diễn xuất của hai diễn viên chính Duplass và Paulson. Đặc biệt là Sarah Paulson, nữ diễn viên từng thắng Quả cầu vàng với loạt truyền hình American Crime Story (Truyện hình sự Mĩ) năm 2016. Một trong những diễn viên tài năng và có biên độ vai diễn rộng nhất thế hệ cô. Trong một Blue Jay dựa rất nhiều vào thoại, thì những điều không nói của Paulson lại mang đến nhiều cảm xúc nhất. Mỗi cử chỉ, ánh mắt, nụ cười hay thoáng lơ đãng của cô đáng giá hơn ngàn lời nói.
Blue Jay có một kết thúc mở mà không mở. Bởi ngoài sự nuối tiếc, đây còn là phim về sự trưởng thành. Con người có thể bước qua tuổi tứ tuần, ngũ tuần, hay thậm chí sống cả cuộc đời mà vẫn chưa trưởng thành. Lựa chọn của Jim và Amanda là bài tốt nghiệp cuối cùng của họ. Điều đáng giá là mỗi cảnh từng khiến ta bật cười trước đó, bỗng trở nên thật buồn bã khi phim khép lại. Có lẽ, đó cũng là cách chúng ta nhìn lại những kỉ niệm đời mình, khi thời gian trôi đi.