BROOKLYN

bởi
562 lượt xem
A+A-
Reset

Brooklyn là một bộ phim giản dị và bình dị. Giản dị ở cốt truyện về một cô gái rời quê hương để kiếm tìm hạnh phúc. Bình dị ở việc phim không cố tạo kịch tính và rời khỏi mặt đất một giây nào. Sẽ có những người hỏi rằng: “Chỉ có vậy mà cũng thành phim được sao?”, nhưng sẽ có nhiều người khác lã chã nước mắt, vì nhớ đến chính mình những ngày quá vãng.

Dựa trên quyển tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Colm Toibin năm 2009, được trang đánh giá uy tín The Observe xếp vào “10 tiểu thuyết lịch sử hay nhất”, Brooklyn lấy bối cảnh vào những năm 50 thế kỷ trước. Thời mà khoảng cách giữa hai bờ Đại dương chỉ có thể nối liền qua giọng nói rè rẹt của điện thoại quay số. Eilis (Saoirse Ronan) là một cô gái trẻ sống tại làng quê Ireland đìu hiu, và dường như không có tương lai nào khá hơn công việc bán tạp hóa thuê hiện tại. Cơ hội đến khi người chị Rose hỏi được một việc làm ở Brooklyn, Mỹ, miền đất hứa cho những người Châu Âu nghèo khổ. Cô gái bé nhỏ quyết định ra đi.

Trên chuyến tàu đầu tiên, Eilis may mắn gặp được một phụ nữ từng trải giúp đỡ. Cô chỉ Ellis các mánh đối phó với những người đồng hành khó chịu, và cách thể hiện sự tự tin để vượt qua trạm kiểm soát khi đến bến. Cánh cửa mở ra và một luồng sáng chói lòa ập đến, có phải tương lai tươi sáng đang chờ đợi cô? Chúng ta sẽ biết, nhưng điều đáng nhớ hơn là lời của người phụ nữ  khi lần đầu họ  gặp nhau trong phòng. “Đừng mong có lần sau nữa.” “Đến Mỹ ấy ạ?”, Eillis hỏi. Cô ta lắc đầu. “Sai lầm của chị là đã quay trở về đây.”

Những gì xảy ra kế tiếp không dành cho những người thích bất ngờ. Ellis ở trọ và dùng bữa tối chung với bà chủ nhà với tính cách “truyền thống”, và những cô gái trọ khác. Họ thường cố tình chọc tức bà chủ bằng việc đùa giỡn thô thiển, và đối chọi với các lời lèm bèm về việc gìn giữ bản sắc nết na. Tất cả đều ăn mặc diêm dúa, và cố hành xử như những cô gái Mỹ thực thụ. Hầu hết đều lớn tuổi hơn Ellis, trừ một cô bé đeo kính cận nhút nhát ngồi cạnh cô. Một ngày nọ, cô bé ấy bỏ kính, nhuộm tóc, ăn mặc và nói năng giống hệt những người kia. Đó là quá trình thay đổi chung, nếu muốn tồn tại ở đây..

Quá trình ấy ở mỗi cô gái có lẽ đều bắt đầu từ những giọt nước mắt nhớ nhà. Eillis không là ngoại lệ. Và vị cha xứ đỡ đầu của hầu hết dân nhập cư Ireland ở đó (Jim Broadbent thủ vai) phải đến an ủi. “Ta đã quên mất nhớ nhà là như thế nào,” ông thở dài nói, và sắp xếp cho cô bé một chỗ học ở trường cao đẳng. Vốn sáng dạ, Ellis học hỏi rất nhanh và hướng đến việc tốt nghiệp loại giỏi. Trong thời gian đó, cô cũng kịp làm quen và có cảm tình với một chàng trai lao động chân tay người Ý.

Brooklyn là một phim Ireland thuần chất: nhân vật chính là người Ireland, bỏ quê hương Ireland, đến sống với cộng đồng người Ireland ở xứ người, và lại đại diện cho nhiều số phận Ireland khác, dù may mắn hơn hay long đong hơn trong thời kỳ ấy. Nhưng điểm xuất sắc là ở chỗ, nếu ta thay danh từ chỉ quốc gia này bằng một danh từ chỉ quốc gia khác, “Việt Nam” chẳng hạn, gần như mọi cung bậc cảm xúc sẽ không thay đổi. Brooklyn giống như một phiên bản hoàn thiện hơn của “Quyên”, nhưng chứa đựng giá trị đặc biệt Quyên chưa thể có – thứ giá trị sẽ giúp nghệ thuật sống mãi: nói về cá nhân nhưng chạm đến tâm tư nhân loại. Một cô gái ở xứ sở xa lạ nào đó lại gần gũi như người chị, người mẹ, người bà, hay chính chúng ta.

Sức mạnh mà đạo diễn John Crowley viện đến ở đây là sự chân thực, về mặt nhân vật, được truyền tải như từ cuộc sống bước vào, bởi các diễn viên tài năng. Không có ai phi thường, từ bề ngoài cho đến tính cách, cho đến hành động: nhân vật nữ chính xinh đẹp “ị” vào xô lau nhà khi say sóng trên tàu; Rose là bản điện ảnh từ bài hát “chị tôi” của Trần Tiến; anh chàng người Ý lòm khòm không hề là “Bạch mã hoàng tử” đáng để mơ mộng… Nhưng mỗi người đều hiện lên đầy đủ các tầng sâu, đủ cả lớp vỏ ngoài lẫn cái “nhân” bên trong, nhờ các chi tiết lột tả giản đơn mà sâu sắc. Cả chính lẫn phụ. Như cô gái chung nhà trọ với Ellis, chỉ một lần đứng trong nhà vệ sinh nói về việc “chờ cửa”, đủ để khiến tôi hiểu về nỗi khát khao giấu kín và sự đáng thương của cô. Tôi không còn thấy phản cảm với cách ăn mặc hay thái độ của cô trước đó nữa, đó không phải mất gốc, mà là biểu thị cho sức sống, cho sự thích nghi kiên cường. Hay chàng trai công tử ở quê nhà cho thấy sự tự ti trước Eillis vì chưa được nhìn ngắm thế giới bên ngoài, khiến ta yêu mến anh đủ để làm đối trọng với người tình bên kia đại dương. Nhờ sự đầy đặn đó, Brooklyn có thể dễ dàng đẩy cảm xúc của người xem lên đỉnh điểm. Những khoảnh khắc cảm động trong phim là cảm động đến thắt lòng.

Tất cả diễn viên trong phim, từ Saoirse Ronan cho đến cậu nhóc em rể, đều có màn thể hiện tuyệt vời. Có thể nói Eillis là vai diễn sinh ra để dành cho Ronan, hoặc cô được sinh ra để đóng. Không còn cần phải đổi ngữ âm “đặc” Ireland khiến cô gặp rắc rối khá nhiều ở Hollywood (vì khiến người nghe buồn cười), không còn phải che giấu “chất” Ireland đặc trưng từ bề ngoài đến phong thái, Ronan tỏa sáng rực rỡ. Sự trưởng thành của cô, 9 năm sau Atonement, thể hiện rõ nhất ở chỗ  không còn phụ thuộc vào đôi mắt hút hồn trời cho. Phiên bản Ronan “Nữ diễn viên chính” này chững chạc hơn, giàu kinh nghiệm hơn và toàn diện hơn “Nữ diễn viên phụ” năm nào.  Chỉ mới 22 tuổi, đóa hoa xứ Bắc Âu chỉ mới bắt đầu tỏa hương, và nếu cứ giữ vững phong độ như vậy, tượng vàng Oscar chỉ là vấn đề thời gian.

Nhà soạn nhạc Michael Brook (Into The Wild, The Perk Of Being A Wallflower…) một lần nữa hoàn thành xuất sắc phần việc của ông, với các bản nhạc nền dựa trên âm hưởng celtic cổ kính. Có một cảnh người đàn ông vô gia cư đứnglên hát trong đêm Giáng sinh, bản nhạc dân gian “Casadh an tSúgáin” (Twist Of The Rope – Nút xoắn của sợi dây) khiến Eillis rơi nước mắt. Dù không hiểu lời, người xem vẫn sẽ cảm nhận được không khí hoài hương đang lấp đầy gian phòng, đến mức ta có thể hít thở nó như cô.

Vấn đề duy nhất của Brooklyn là đoạn kết, không liên quan đến chuyên môn , mà thuần về tình tiết được giữ nguyên từ quyển sách. Eillis cuối cùng đã có lựa chọn giữa quê hương và vùng đất mới, nhưng liệu có đủ sức thuyết phục? Một số người sẽ thấy bất nhẫn vì sự vô tình và dễ dãi của cô, bởi có tình yêu nào không phải chấp nhận những khiếm khuyết và xấu xí. Lúc này phim có vẻ không còn mang tính đại diện nữa, và chỉ một chút thôi, có phần ca ngợi nước Mỹ. Nhưng một số người sẽ thấy sự dũng cảm và dấn thân. Khá trùng hợp, hoặc chính là một giá trị vượt thời gian khác của Brookylin, khi nửa sau phim gợi đến cuộc tranh cãi nảy lửa ở Việt Nam gần đây, về những người thành đạt ở nước ngoài nên trở về hay không. Tôi không tham gia, không bao giờ, nhưng có đọc được những lời lẽ cả ủng hộ lẫn phản đối. Tôi nghĩ nếu những người thành đạt ấy có thể đáp lại, nhiều khả năng sẽ trùng với lời của Eillis: “Tôi đã suýt quên mất nơi này là như thế nào.”

Cá nhân tôi sẽ yêu bộ phim hơn nếu cái kết đảo ngược lại, vì người mẹ. Nhưng Eillis xứng đáng với điều cô đã đấu tranh để có được: một tia nắng đẹp đẽ chiếu qua hè phố từ ánh mắt người yêu, ở nơi cô thuộc về. Và không có cơ hội nào cho lựa chọn ngược lại. Nhiều người sẽ thấy không thuyết phục khi cô đã vội vàng quyết định chỉ vì một lời ác ý của bà chủ tạp hóa “phù thủy”. Nhưng đó chỉ là cái cớ trước sau sẽ đến. Cô đã lựa chọn từ ngày đầu tiên bước chân lên tàu.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00