Captain America: Civil War không phải là bộ phim khiến chúng ta bất ngờ hay phải ồ lên choáng ngợp. Có gì để bất ngờ khi chủ tịch Kevin Feige đã tuyên bố chắc nịch rằng Marvel không bao giờ đen tối? Vấn đề không phải là đen tối hay không – có cả ngàn cách để tạo ra sức nặng cho một nội dung nặng ký – vấn đề là ở tư duy. Civil War, không trung thành lắm với cốt truyện từ comic, mà trung thành với tư duy của Feige và Marvel thời điểm hiện tại: Một bộ phim hài hước dễ chịu, chiều lòng fan, chất hành động ổn thỏa, khơi ra để rồi tránh né nội dung chính trị, chuyển hướng vào chuyện cá nhân dễ thở hơn. Giải trí, ổn, nhưng xuất sắc? Không!
Không hẹn mà gặp, Civil có cùng mâu thuẫn cốt lõi đã đẩy Batman đại chiến Superman cách đây ít lâu, đó là về trách nhiệm to lớn của sức mạnh to lớn. Mở đầu phim, trong một cuộc truy lùng dư đảng HYDRA, team của Captain, hay Steve Roger (Chris Evans) không may gây hại đến những người dân vô tội. Sự kiện này, cùng với thiệt hại của các sự kiện trước đó ở Sovokia và New York, khiến cả thế giới phẫn nộ. Các quốc gia tập hợp lại và yêu cầu một Hiệp định quản lý hoạt động của các siêu anh hùng.
Tony Stark (Robert Downey Jr.), hay Ironman, vốn bị ám ảnh bởi ảo tưởng hòa bình và tội lỗi trong quá khứ, ủng hộ Hiệp định này. Trong khi Roger, không còn tin tưởng vào các chính phủ, quyết định phản đối. Mâu thuẫn này càng trở nên sâu sắc sau một sự kiện chấn động khác, đẩy Bucky (Sebastian Stan) vào tình thế bị truy đuổi quyết liệt, bởi cả quân đội và Black Panther (Chadwick Boseman). Sự phân rẽ trong nội bộ Avengers cuối cùng trở thành cuộc nội chiến giữa 2 phe: Avenvers cũ dưới sự lãnh đạo của Iron Man: Black Panther, Black Widow (Scarlett Johansson), Vision (Paul Bettany), War Machine (Don Cheadle), và được chờ đợi nhất, Spiderman (Tom Holland); “Secret” Avergers dưới sự lãnh đạo của Captain America: Bucky, Falcon (Anthony Mackie), Scarlet Witch (Elizabeth Olsen), Ant-man (Paul Rudd) và Hawkeye (Jeremy Reiner).
Civil War có cốt truyện lấy cảm hứng từ loạt comic cùng tên, xuất bản vào năm 2006-2007. Gọi là “lấy cảm hứng”, bởi phần kịch bản được viết lại bởi bộ đôi Christopher Markus và Stephen McFeely, gần như tách biệt khỏi cốt truyện gốc. Không có sự xuất hiện của nhóm New Warriors, vai trò khơi dậy ngọn lửa được trao lại cho Scarlett Witch, vốn có sức mạnh ngày càng đáng sợ. Cũng không có màn bộc lộ danh tính nào (có thể là ở phần sau), một tình tiết khá đáng giá để tăng sức nặng. Bù lại, các nhà biên kịch tiếp nối một cách thông minh những gì họ đã dựng xây ở các phần trước: HYDRA và dự án Chiến binh Mùa đông, với sự xuất hiện của một nhân vật bí ẩn là Zemo (Daniel Brühl).
Nửa đầu phim là khoảng thời gian tuyệt vời. Nếu so sánh với Batman v Superman về mặt đào sâu tính chính trị, Civil War rõ ràng làm tốt hơn, và mượt mà hơn. Bộ đôi Russo, trong giới hạn có thể, tìm được cách để đưa hơi thở của hiện thực đến thế giới siêu anh hùng. Những cái chết của người dân, lần đầu tiên trong vũ trụ Marvel, xuất hiện trên màn ảnh, không tránh né. Có một cảnh quay dũng cảm miêu tả ánh mắt vô hồn của đứa trẻ trên truyền hình. Và một đứa trẻ khác, da màu, đóng vai trò quyết định đối với Tony Stark. Có cách nào hợp lý hơn để miêu tả hậu quả chiến tranh bằng những đứa trẻ? Những câu thoại đúng trọng tâm giúp người xem hiểu rõ vấn đề, và xoáy sâu khắc họa các nhân vật.
Nhưng Civil War là cốc rượu chỉ ngon và đủ đô ở ngụm đầu tiên. Dường như lo rằng mọi thứ có thể đi xa hơn, anh em nhà Russo nhanh chóng đưa mọi thứ trở lại quĩ đạo hài hước cũ. Tôi không đánh giá thấp chất hài của Civil War, hay Marvel nói chung, nhưng trong một nội dung rõ ràng cần duy trì cường độ tâm lí, chúng trở nên quá đà. Chúng ta buộc phải cười quá nhiều, ngay cả trong những tình huống không cần đến nụ cười. Trong khi cốt truyện dịch chuyển từ mâu thuẫn về ý thức hệ sang mâu thuẫn cá nhân, có chút khiên cưỡng với màn giới thiệu công nghệ của Stark ở MIT, cường độ ấy cứ loãng dẫn cho đến khi không còn đủ cho cảnh cao trào.
Civil War cũng phải đối mặt với điểm yếu của kiểu phim tập hợp. Dù đã giảm thiểu khá nhiều nhân vật so với bản truyện tranh, số lượng siêu anh hùng vẫn là quá sức để khai thác. Trừ Black Panther được trao cho nguyên nhân rõ ràng, có những người người “tự nhiên” tham gia vào trận chiến cho đủ mặt. Vì sao Ant-man và Spider-man phải tham chiến, chỉ sau vài lời mời chào, trong một trận chiến không liên quan đến họ? Vì sao Hawkeye xuất hiện trở lại, sau khi đã quyết định giải nghệ cùng gia đình ở phần trước? Trong phim, chính anh cũng không có câu trả lời. Và ngược hẳn với tính chất nghiêm trọng của cuộc nội chiến, tất cả trông như thể đang tham gia vào một trò đánh trận giả, cho vui. Bởi đa phần trong số họ không có lí do gì để đánh nhau.
Nhưng đáng tiếc nhất, là Civil War không xây dựng được nhân vật quan trọng và cần xây dựng nhất: Bucky. Anh là là trung tâm của cuộc chiến, là nguyên nhân và giữ vai trò chủ đạo trong mối quan hệ giữa Roger và Stark, là nhân vật hiện thực hóa cho sự khác biệt về ý thức hệ và cả cảm xúc của cả hai, là câu trả lời về sự tự do và quyền hạn của các siêu anh hùng. Có rất nhiều thứ có thể khai thác, sau các sự kiện Winter Soldier, về Bucky, nhất là quan hệ giữa anh và Roger. So với Captain, anh ta là kẻ có nhiều nỗi đau hơn, và đó còn là câu chuyện về 2 kẻ cô đơn giữa thời đại không thuộc về họ. Nhưng tất cả lại được “gật đầu cho qua” khá nhanh, như lời Falcon “chỉ thế mà hai anh thành bạn thân rồi à?” Bucky xuất hiện như một nhân vật giấy, không có chiều sâu, dẫn đến các mối liên kết bị mỏng manh.
Civil War, ở thông điệp cốt lõi, là câu chuyện về sự lựa chọn. Nhưng thiếu vắng các khoảnh khắc của sự lựa chọn. Với những người chưa theo dõi các phần trước, có lẽ sẽ cảm thấy sự một chiều trong hành động các nhân vật, nhất là Roger. Vì sao anh quyết tâm bảo vệ Bucky bằng mọi giá? Điều cần được nêu ra, nhưng bị xem nhẹ trong phim, là Bucky quan trọng như thế nào với Roger. Đó không chỉ là người bạn thân, người anh nợ một mạng sống, mà còn là gia đình anh, cùng một thế giới và gốc rễ với anh. Bucky là người duy nhất có thể xác nhận Roger thực sự là ai. Winter Soldier đã làm rất tốt trong việc miêu tả sự lạc lõng của Roger, nhưng đến Civil War, không khai thác được lợi thế đó. Lựa chọn của anh trong việc chống lại Hiệp định và bảo vệ Bucky là quá dễ dàng. Sẽ thế nào nếu là giữa mạng sống của Bucky và mạng sống của ai đó khác? Nội dung chính trị, ở nửa sau phim, không còn kết nối với chuyện riêng giữa các nhân vật, trở nên nhạt nhòa.
Nói về mạng sống, suốt cả bộ phim, anh em nhà Russo luôn phải vất vả tạo ra sự chia rẽ giữa 2 phe siêu anh hùng. Một công việc khó khăn, bởi sự gắn kết và phức tạp giữa họ ở các phần trước. Chắc chắn phải cần đến một chi tiết đủ sốc, và đủ thuyết phục. Bí mật lớn nhất của phim, rất đáng tiếc, là một lựa chọn quá an toàn. Nó chỉ đủ cho một khoảnh khắc cuồng nộ, nhưng về lâu dài, sẽ mất đi tác dụng bởi yếu tố quá khứ và thời gian. Tony Stark là một kẻ thông minh, chẳng lẽ anh ta không đủ nhận thức để hiểu kẻ thù thật sự là ai? Chúng ta cần đến một mất mát khác to lớn hơn, chia rẽ hơn, như từng được hứa hẹn ở trailer trong một cảnh bi thương về War Machine. Nhưng Marvel, một lần nữa sau Age Of Ultron, nhát tay ở lựa chọn này. Cuộc nội chiến, thiếu vắng yếu tố trầm trọng của một cuộc nội chiến, dừng lại ở mức tranh cãi hơi bốc đồng chút của những người bạn thân.
Civil War vẫn là một phim đáng xem so với mặt bằng chung, anh em Russo làm tốt việc của họ ở các cảnh hành động, nhất là những phút đầu. Tính giải trí của phim nhiều khả năng sẽ giúp họ làm ăn tốt ở phòng vé, và chiến thắng DC ở mặt trận mùa hè này. Nhưng xét ở mặt nào đó, cả hai “ông lớn” truyện tranh này đều thất bại, thất bại ở việc không vượt qua được chính họ. Batman v Superman giống như một bản mở rộng của Man Of Steel, ở cả điểm mạnh và điểm yếu. Còn Civil War là một sự chững lại khi Marvel vừa cố trung thành với bản sắc tươi sáng của họ, vừa cố thêm vào chút dư vị “người lớn.” Như mọi khi, họ không thể chọn cả hai. DC muốn đen tối, nhưng không đủ kinh nghiệm ở mặt trận điện ảnh để đen tối. Còn Marvel đủ sức, lại không dám làm.
Tôi nghĩ rằng, hóa ra không phải Marvel hay DC, mà năm 2016 có thể sẽ là sân khấu của Fox – kẻ nhỏ bé hơn, nhưng đang dám dấn thân vào con đường thách thức. Họ đã làm lại phiên bản X-men đúng với lớp nền ẩn dụ về sự phân biệt, tính chính trị và hiện thực, và là loạt phim người hùng đáng xem nhất ở hiện tại, với tôi. Họ dám mạo hiểm và thành công với Deadpool hồi đầu năm, bộ phim nhãn R thành công nhất mọi thời đại. Và sắp tới có thể là R-Wolverine, R-X Force… rất đáng trông đợi. Tất nhiên, gần nhất sẽ là Apocalypse đầy hứa hẹn về chất lượng mùa hè này.
Riêng Civil War, có một thành tựu nho nhỏ phải nhắc đến là họ đã đưa về thành công anh chàng Spiderman vào vũ trụ Marvel, và mở ra vài khả năng thú vị. Có lẽ đa phần sẽ thấy dễ chịu với phiên bản Spider của Tom Holland, tạo hình có phần trẻ con hơn so với Andrew Garfield, nhưng nhờ đó đáng yêu và dễ thương hơn. Có lẽ sẽ được lòng cả các fan nữ. Cuối cùng, nếu không phải người có thói quen xem hết credit, bạn có thể ra về ngay sau đoạn phim phụ đầu tiên. Không có đoạn phim thứ hai hé lộ nội dung phần kế tiếp như thường lệ. Có lẽ vì Marvel cũng chưa biết phải làm gì, và làm như thế nào, kế tiếp.