Một trong những vấn đề cốt tử của việc đưa truyện cổ tích thành phim người thật, chính là ở độ “chân thật”. Ở những nét vẽ, chúng ta có thể chấp nhận những điều quá mộng mơ, quá đẹp đẽ, thậm chí là sến súa, và những bài học đạo đức mô phạm. Bởi vì, khi đó chúng ta có thể mỉm cười và nói “đúng là hoạt hình trẻ con”. Phim người thật không thế.
Nhân vật Ella trong Cinderella đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần thông điệp chính của phim, “hãy sống can đảm và tử tế”, gần như là điều khiến bộ phim đứng giữa đôi bờ vực thẳm. Chỉ cần làm quá thêm một chút, phiên bản làm lại của câu chuyện Lọ Lem nổi tiếng này sẽ bị chính thông điệp của nó đè bẹp. Sẽ rất khó chịu với những người lớn (có tôi), ngay cả khi xem phim cổ tích, nhìn thấy những nàng công chúa bằng xương bằng thịt cố rao giảng những bài học ngay cả khi lâm vào đường cùng, ngay cả khi bị đối xử tệ bạc, cố thuyết phục bằng sự ngây thơ đến mức giả tạo rằng phải luôn tử tế với kẻ thù như những vị thánh.
Chúng ta sẽ muốn những đứa trẻ tin vào điều tốt đẹp. Nhưng hãy để chúng xem phiên bản hoạt hình năm 1950 của chính Disney, cho một tuổi thơ trọn vẹn. Những đứa trẻ sẽ không cần một phiên bản người thật nào cả. Mà đây là phiên bản cổ tích dành cho chúng ta, những người lớn, chủ yếu vì muốn xem những câu chuyện ký ức ấy sẽ như thế nào ở sắc màu hiện thực, để đối chiếu với sự thay đổi của mình. Chúng ta có còn tin vào những thông điệp ấy hay không?
Thật may mắn, Cinderella của đạo diễn Kenneth Branagh đã không rơi vào cái hố giăng sẵn ấy, dù đã ở rất gần. Kịch bản gần như không có gì thay đổi so với phiên bản hoạt hình. Ella (Lily James) là một tiểu thư không may mồ côi mẹ, sống với người cha thương gia cho đến ngày ông muốn đi thêm bước nữa. Ảnh hưởng bởi lời mẹ dạy, cô luôn sống nhân ái và tử tế với mọi người, và kể cả không phải người (lũ chuột, ngỗng…). Cô đồng ý và vui vẻ đón tiếp người mẹ kế (Cate Blanchett) khi bà cùng hai cô con gái riêng dọn đến nhà. Cuộc sống vẫn êm đềm trôi, cho đến khi cha cô qua đời trên đường kinh doanh, và bà mẹ kế bắt đầu đối xử với cô như kẻ hầu người hạ.
Những chuyện tiếp theo, có lẽ không ai trong chúng ta không biết, về hoàng tử, về bà tiên, về cỗ xe ngựa bằng bí ngô, về chiếc giày thủy tinh bị rớt lại… Và một kết thúc hạnh phúc.
Cinderella rất chông chênh, dĩ nhiên ở những bộ phim thế này, phụ thuộc hoàn toàn vào nhân vật chính. Chúng ta sẽ yêu bộ phim nếu chúng ta yêu Lọ Lem, và ghét bộ phim nếu ghét Lọ Lem. Làm sao một nhân vật tốt đẹp, trong sáng và hướng về sự nhân ái lại có thể khiến chúng ta ghét bỏ được? Lẽ nào chúng ta ghét những giá trị ấy? Không, là nằm ở việc Lọ Lem có khiến chúng ta tin vào chúng hay không, có thuyết phục được chúng ta tin vào cô hay không. Cô sẽ làm thế nào để cho thấy được rằng sự can đảm và tử tế mà cô theo đuổi, là thứ xứng đáng để theo đuổi?
Ella trong phim khá đáng chán ở nửa đầu, cả khi cha cô còn sống và khi ông vừa mới mất đi. Không có gì đáng chán bằng một cô gái vừa xinh đẹp vừa ngây ngô, và nhầm lẫn giữa can đảm với cam chịu, và tử tế với tự lừa dối. Như khi cô đồng ý nhường giường của mình cho hai người chị và đồng ý lên gác xép ngủ. Điều khiến tôi không thể thông cảm, không phải là quyết định của Lọ Lem, mà ở việc cô tỏ ra vui vẻ ngay sau đó và cố hài lòng với điều mình được nhận. Sau này, ở những ngày đầu trở thành kẻ hầu người hạ, cô cũng hành động như thế, và đẩy nhân vật đến rất gần với đạo đức giả.
Tôi sẽ chấp nhận nỗ lực lạc quan ấy, nếu Ella có nhận thức rõ ràng về cảm xúc và hoàn cảnh của mình. Trong bản phim năm 1950, có cảnh mở đầu rất tuyệt vời khi Lọ Lem thức giấc vào buổi sáng bởi những chú chim, sau một giấc mơ đẹp. Nàng nói với chúng “Phải, ta biết đó là một buổi sáng tuyệt vời, nhưng cũng là một giấc mơ tuyệt vời” và sau đó cất lời hát “… trong mơ, những đau khổ tận đáy lòng sẽ biến mất…” Nàng không nhầm lẫn giữa giấc mơ và hiện thực. Và tôi ước gì Cinderella dám phá cách hơn và tạo ra những giằng xé nội tâm dữ dội hơn, thay vì quá an toàn và lướt qua quá nhanh như thế. Mẹ cô nói “hãy sống can đảm và tử tế”, nhưng tại sao phải tử tế với những người khiến chúng ta đau khổ, sao chúng ta không trừng phạt họ để có sự công bằng (vì chúng ta không hề làm hại họ)? Sự can đảm lớn nhất nằm ở việc trả lời được câu hỏi đó, để những lời “tôi tha thứ cho bà” ở cuối phim thật sự có sức nặng. Chỉ khi trải qua thử thách, những điều đẹp đẽ mới có được thứ ánh sáng thật sự.
Tôi ước gì, Cinderella có được một phân đoạn xuất sắc như trong một phim cùng mô típ, nhưng hay hơn rất nhiều, là A Little Princess (Công chúa bé nhỏ) – phim làm năm 1995 của Alfonso Cuaron, và không hề giống Alfonso Cuaron một chút nào. Nỗi đau khổ khi mất cha, sự cô độc giữa thế giới, lòng nhân ái sáng trong không tì vết dù trải qua đau thương và cả hận thù, được diễn tả một cách tuyệt vời trong bộ phim ấy.
Nhưng ở nửa sau, bằng cách nào đó, Cinderella đã khiến Ella trở nên đáng quan tâm hơn, khi cá tính của cô bộc lộ, và điều này hoàn toàn không liên quan gì đến “can đảm” và “tử tế”. Sự thú vị bắt đầu khi cô gặp Hoàng Tử (không biết đó là Hoàng Tử). Cô nói rằng anh không được giết con hươu. Anh hỏi cô vì sao, bởi vì đó là điều người ta vẫn làm khi đi săn. “Chỉ vì điều gì đó luôn được làm không có nghĩa là nó nên làm,” cô nói. Cảnh phim này vừa kết nối trọn vẹn với cốt truyện, khi giúp Hoàng tử thay đổi nhận thức của mình trên con đường “học làm vua” – đó là biết phân biệt đúng sai và đi theo lẽ phải ngay cả trong trường hợp đi ngược lại với số đông, hay ngược lại với con tim (dẫn đến việc anh quyết tâm tìm kiếm cô gái anh yêu, chứ không cưới một công chúa khác, và trị vì một đất nước cũng thế), lại vừa chứng tỏ Lọ Lem là một cô gái kiên cường, không hề ngây thơ. Dù sự kiên cường đó không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng chính lúc ấy, bộ phim bắt đầu đi đúng hướng.
Phải nói rằng, đạo diễn Branagh đã làm tốt trong việc cân bằng giữa không khí cổ tích và hiện thực trong phim. Ông không quá lạm dụng các hiệu ứng máy tính, mà sử dụng vừa phải, vừa đủ. Ở những cảnh cần đến sự đẹp đẽ và lung linh, ông vẫn đảm bảo những khung hình không bị cường điệu đến mức gây phản cảm. Và bằng sự tinh tế của mình, như một cơn mưa rào nhẹ nhàng khi Lọ Lem ở vũ hội trở về, chỉ cần nhỏ bé thế thôi, cũng đủ để mang đến sự trong veo dễ chịu cần có. Cả những cảnh phép thuật bắt mắt, đều dừng lại ngay khi cần phải dừng lại, gần như bà tiên đỡ đầu và những trò đũa phép của bà không ảnh hưởng gì đến cách bộ phim diễn ra. Khiến tôi tin rằng, ở cuộc đời thật, có thể Lọ Lem đã xoay xở thế nào đó để đến gặp Hoàng tử, và mọi chuyện vẫn sẽ tốt đẹp như thế.
Thành công của mọi câu chuyện cổ tích nằm ở chỗ khiến người ta tin tưởng, dù là ở hoàn cảnh không có phép màu xảy ra. Lòng tốt cũng thế. Và tình yêu cũng thế.
Những câu chuyện tình yêu công chúa-hoàng tử hay hoàng tử-cô gái nghèo đều đi theo một lối mòn, là họ gặp nhau và yêu nhau từ lần đầu gặp gỡ, dù không hề biết gì về nhau. Dẫn đến việc những đầu óc thực dụng nghĩ rằng, Hoàng tử thì thích sắc đẹp, còn công chúa chỉ thích tiền, và không phải không có lý. Nhưng Cinderella, cực kỳ xuất sắc ở điểm này, khi để Ella không biết gì về Hoàng tử khi gặp anh, còn Hoàng tử bị ấn tượng bởi lòng tốt và sự kiên định của cô, chứ không chỉ nhan sắc. Ấn tượng đó có lẽ còn mạnh mẽ hơn khi anh chứng kiến Lọ Lem cưỡi ngựa như bay trong rừng. Trong mối quan hệ của họ, không lần nào Lọ Lem tỏ vẻ là “cửa dưới”, ngay cả khi biết anh là Hoàng tử, bạn có thể thấy rõ rằng cô ngạc nhiên thích thú, nhưng không phải ngưỡng mộ hay bị choáng ngợp. Cô cũng sẽ tỏ thái độ tương tự nếu anh nói rằng “tôi là ảo thuật gia” hay làm bất kỳ nghề nghiệp lạ kỳ nào khác. Ngược lại, Hoàng tử luôn tự hạ mình là “kẻ học việc” trước cô, và gần như, anh muốn học hỏi thêm từ Lọ Lem, không chỉ về việc trở thành một vì vua chính trực, mà trở thành một con người chính trực. Tình yêu của họ còn được điểm tô bằng những tình huống rất dễ thương, theo kiểu cách hiện đại. “Em nên ngồi xuống đi.” “Em không ngồi đâu.” “Em nên mà.” “Em không nên.” “Em nên mà.” “Em ngồi đây.”
Nên nếu Hoàng tử không là hoàng tử, và Ella có bớt xinh đẹp đi một ít (không thể phủ nhận ấn tượng ban đầu của mọi chàng trai đều từ nhan sắc – đến đây, tôi nghĩ rằng, kịch bản sẽ xuất sắc hơn rất rất rất nhiều lần nếu Ella không lộ mặt mình cho Hoàng tử thấy lần đầu gặp gỡ, rất dễ dàng, dĩ nhiên vì mặt cô lấm lem quá nhiều), họ vẫn sẽ yêu nhau và tìm kiếm nhau. Và vì thế tôi hoàn toàn tin tưởng và xúc động ở cảnh cuối cùng, khi Ella nói, vẫn với lòng tự tôn và kiên cường như thế, “em không có cha mẹ, không của hồi môn,” và chỉ là “một cô gái quê thật thà yêu anh.” Có lẽ là lần duy nhất trong lịch sử cổ tích, cô gái cầu hôn trước với Hoàng tử, và cũng là lần duy nhất có được sự chân thật và đáng yêu đến nhường này.
Câu chuyện tình yêu này đã cứu vớt tất cả những yếu kém trước đó, bao gồm cả bài học “hãy can đảm và tử tế”, nếu tôi không nhầm, được nhắc lại đến 5 hay 6 lần. Dù Ella đã khóc và gào lên “tại sao bà lại độc ác như vậy?”. Và một Cate Blanchett diễn xuất rất tốt, không có được một kịch bản có thể đào sâu hơn nỗi niềm và sự tương phản của bà mẹ kế đối với Ella, một người đã mất hết niềm tin vào sự tử tế khi cuộc đời không tử tế với bà, và là một hình ảnh lựa chọn của mỗi con người khi trưởng thành: trải qua sự khắc nghiệt của đường đời và trở nên khắc nghiệt, hay như Lọ Lem, trải qua sự khắc nghiệt và vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp và lòng vị tha. Ai cũng có thể chọn trở thành một trong hai người, nhưng sẽ không có câu trả lời chính xác cuối cùng. Không phải vì phim không thuyết phục ở mặt này (đúng là không thuyết phục thật), mà vì ở cuộc sống đang diễn ra ngoài kia, cũng không có ai có thể trả lời được. Và không giống như truyện cổ tích, cái kết có hậu hoặc không có hậu đều có khả năng xảy đến cho cả hai lựa chọn ấy.
Sẽ luôn có mẹ kế, và sẽ luôn có Lọ Lem.