“Đó là xúc giác. Cảm giác khi đi bộ trong thành phố, em còn nhớ chứ? Em va vào một người xa lạ, người đó va vào em. Ở Los Angeles, không ai chạm vào em cả. Mọi người lặng lẽ thu mình sau lớp vỏ bọc lạnh lẽo. Anh nghĩ chúng ta nhớ cảm giác đó đến nỗi, chúng ta phải va vào nhau, để cảm nhận một điều gì đó”. (Thám tử Graham)
Crash (Va chạm) vừa là một bức tranh toàn cảnh về số phận con người, vừa là một chuỗi dài những tiếp xúc hữu hình và vô hình giữa họ. Một xã hội Mỹ đầy những bất ổn, nạn phân biệt chủng tộc, đa sắc tộc, nhập cư, súng ống, quyền lực… nhưng chính yếu là ở suy nghĩ, quan niệm, thành kiến, hoàn cảnh riêng của từng người, đẩy họ vào những va chạm, đổ vỡ, tổn thương cho người khác và bản thân họ, đặt bối cảnh một ngày ở thành phố Los Angeles.
Crash là tập hợp rất nhiều số phận. Nhưng không hề rối rắm và gây nhầm lẫn. Sự khéo léo trong khâu biên kịch và dựng phim, cùng tài năng của đạo diễn Paul Haggis, khiến mỗi nhân vật hiện lên rõ nét, đủ đầy, không ai bị yếu thế hay xem nhẹ, và mỗi người đều có giây phút tỏa sáng của riêng họ.
Trong một ngày đó, người ta đã chạm vào nhau như thế nào? Thám tử Graham và cộng sự đang điều tra một vụ giết người, trong đó một cảnh sát da trắng bắn chết đồng nghiệp da đen biển thủ tiền. Vụ án ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới của vị công tố viên Rick, và buộc ông ta phải có một cuộc dàn xếp riêng với Graham, để giấu nhẹm sự thật.
Vị công tố viên này, và vợ, trên đường về tình cờ bị hai gã ma cô da đen cướp mất xe. Người vợ sợ hãi, và vốn rất cô đơn trong cuộc sống, đã trở nên giận dữ đòi thay ổ khóa nhà. Cô ta khinh thị người thợ sửa khóa Daniel, chỉ vì những hình xăm liên quan đến quá khứ của anh. Daniel giờ đây là một người cha tốt, làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình và cô con gái bé bỏng. Anh cảm thấy bị tổn thương.
Daniel còn thay khóa cho một chủ cửa hàng người Ba Tư. Vì bị cướp trước đó, ông này và cô con gái tìm đến hiệu súng để mua một khẩu súng lục tự vệ. Khi Daniel đề nghị thay cửa, ông ta nổi giận mắng chửi, anh tức giận bỏ về. Sau đó cửa hàng bị phá hoại một lần nữa, tuyệt vọng vì mất tất cả, ông chủ người Ba Tư nghi ngờ rồi cầm lấy khẩu súng tìm Daniel trả thù.
Vòng tròn còn tiếp diễn ở một nhánh khác. Khi cảnh sát John, người mang tư tưởng phân biệt chủng tộc nặng nề, dừng xe của vợ chồng đạo diễn da màu Cameron. Anh ta sỉ nhục Cameron, bằng cách sàm sỡ người vợ ngay trước mặt chồng. Nhưng người chồng nhu nhược chỉ biết đứng nhìn, dẫn đến mối quan hệ giữa họ rạn nứt. Cộng sự của John, chàng cảnh sát trẻ Tom bất bình, đã xin rời khỏi đội với John. Việc này lại dẫn đến cuộc gặp gỡ của anh với một trong hai tên ma cô, dẫn đến một án mạng khác – tác động trở lại với thám tử Graham.
Phim khắc họa cuộc sống trong một chuỗi dài những tác động và va chạm. Không có người tốt hay kẻ xấu, ranh giới chỉ là một sợi chỉ mỏng, trong một xã hội đầy rẫy những xung đột, muôn hình muôn mặt, đã gắn kết những người xa lạ vào một vòng tròn luẩn quẩn. Ở đó, người này là kết quả, người kia là nguyên nhân, người khác lại là mắt xích.
Nạn phân biệt chủng tộc và sắc tộc, vấn đề nổi trội nhất ở một quốc gia nhập cư sâu sắc như Mỹ, là nguyên nhân chủ đạo. Bộ phim thành công khi đã miêu tả nó, không chỉ là một ý thức hệ, một căn bệnh, một thứ thành kiến đã ăn sâu vào tiềm thức người Mỹ, mà đặt nó vào những hoàn cảnh nhất định, nguồn gốc, xuất phát từ tình cảm con người.
Anh cảnh sát John là người phân biệt nặng nề nhất, và đáng giận nhất ở đầu phim. Nhưng sau đó, khán giả thấy cảm thông khi John phải chăm sóc người cha bệnh tật. Cha anh đã dành cả đời để chăm lo cho người da đen, để rồi mất trắng và lâm vào cảnh nghèo khó. John sau đó gặp khó khăn khi chữa bệnh cho cha, bởi chính thái độ của anh đối với người phụ nữ da màu ở bệnh viện. Ông chủ người Ba Tư, bị cướp và phân biệt, dẫn đến hận thù với những gã Mỹ da trắng mang dáng vẻ du côn như Daniel.
Hai gã ma cô, vì hoàn cảnh đưa đẩy, lại phải đi cướp xe của gia đình công tố, lại làm tăng lên ác cảm của người vợ. Mỉa mai thay, ông chồng lại cần lá phiếu của những người da màu để thắng cử. Trong khi đó, vị đạo diễn nhu nhược Cameron, đến mức chịu nhượng bộ với cấp dưới khi anh ta đề nghị quay lại cảnh phim, “gã da đen đó diễn không giống da đen”. Cameron đè nén nỗi bức xúc để rồi bùng nổ trong một cảnh xung đột với cảnh sát, nguy hiểm đến tính mạng.
Những nghi ngờ, kì thị, sự giả dối, lừa lọc, tội phạm, đẩy những con người ra xa nhau hơn trong cuộc sống thường ngày. Nhưng cũng chính những trở lực ấy, trong những hoàn cảnh nhất định, lại hút họ lao vào nhau, tông vào nhau, nối dài những vết thương.
Crash là một trong những bộ phim đoạt giải Oscar hạng mục “Phim hay nhất” gây tranh cãi. Một phần, vì bộ phim đã chiến thắng Brokeback Moutain (Núi Brokeback) của Lý An, vốn đầy tính cách mạng và sự dũng cảm. Phần khác, đến từ sự gượng ép khi đặt tất cả kịch tính vào thời gian một ngày ngắn ngủi.
Nhưng không ai phủ nhận rằng Crash là một bộ phim xuất sắc và thấm đượm tình người. Là một bộ phim của “sự tiến bộ”, như lời nhà bình luận lừng danh Roger Ebert. Nhờ những và chạm đó, người ta nhận ra điều gì là quan trọng, tình cảm gia đình, cha con, bạn bè, anh em, dù còn kịp hay đã quá trễ. Nhờ va chạm, người ta biết và cần đến nhau, tha thứ cho nhau. Nhờ va chạm, người ta ngỡ ngàng rồi nhận ra rằng không ai có thể sống cô đơn.
Những cảnh cao trào được sắp đặt liên tiếp, khiến khán giả như trải qua một trò “tàu lượn cảm xúc” suốt chiều dài phim. Họ cảm nhận, họ đồng cảm, đau đớn và rơi nước mắt theo nhân vật. Những xung đột lên đến đỉnh điểm, cảnh sát John liều mình cứu lấy người vợ anh đã sàm sỡ trong một vụ tai nạn, khi cô ta gào lên “đừng chạm vào tôi!”, John là nguyên nhân khiến gia đình cô tan vỡ. Cameron đối mặt với nỗi sợ hãi, nỗi mặc cảm và bị sỉ nhục bao năm qua trước nòng súng của cảnh sát, sẵn sàng để chết. Xúc động nhất là cảnh cô con gái lao ra bảo vệ Daniel trước viên đạn của ông chủ cửa hàng Ba Tư. Người vợ của vị công tố ngã xuống cầu thang, và nhận ra cô không có ai là bạn, cô chỉ là một kẻ cô đơn đáng thương.
Đằng sau những lớp vỏ bọc, đằng sau mọi vết thương họ gây ra cho nhau, đều là những tâm hồn mỏng manh và yếu đuối, và chỉ được cứu rỗi bằng tình người. Tình người giúp John đánh đổi mạng sống để cứu lấy người vợ da màu. Tình người khiến cộng sự Tom của anh đứng ra dàn xếp để vị đạo diễn Cameron không bị bắn chết. Sự quan tâm và thấu hiểu của cô con gái, giúp ông chủ Ba Tư không phạm tội sát nhân, và đẩy cả gia đình ông vào cảnh địa ngục. Cô vợ của vị công tố òa khóc trong vòng tay người giúp việc da màu, vì nhận ra bà là người bạn thân nhất.
“Va chạm” ở đây, còn có thể hiểu theo nghĩa rằng, những tổn thương chính là cách để con người chạm vào trái tim nhau. Xã hội hiện đại đã bọc lấy nó bằng quá nhiều thứ, nên để phá vỡ lớp vỏ, người ta phải chịu một chút đau đớn. Crash giúp chúng ta thay đổi và hiểu rằng, sau mỗi màu da, màu mắt, màu tóc, mỗi quốc tịch, mỗi sự khác biệt, chúng ta đều là những con người nhỏ bé, vùng vẫy và chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt, để sống thấu hiểu, thông cảm và rộng lượng với nhau hơn.