Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Đỗ Phước Tiến, hai cảm xúc chủ đạo Đảo của dân ngụ cư muốn đạt được là cảm động và ám ảnh. Nhưng trong một kịch bản không lấp đầy được các khoảng trống, khả năng diễn xuất hạn chế của các diễn viên, cũng như công tác đạo diễn chỉ ở mức tròn vai của Hồng Ánh, hiệu quả đạt được vào khoảng ba, bốn phần.
Vấn đề của bộ phim, cũng như hầu hết các phim Việt khác, là ta không nhìn thấy con người trên màn ảnh. Điều các diễn viên thể hiện luôn chỉ dừng ở mức hình mẫu, vì nhiều lí do, tồn tại như những bức tượng chưa được thổi vào sinh khí cuộc đời.
Ta có thể nhìn thấy điều đó ở nhân vật chính Phước (Phạm Hồng Phước, đặt trùng tên để đỡ nhầm lần trong lúc quay, hay để mọi người nhận ra đây là ca sĩ nổi tiếng?), một thanh niên lang bạt kì hồ xin vào làm việc tại tiệm dê Đêm Trắng, và có những trải nghiệm không thể nào quên. Thất bại của nhân vật này nằm ở chỗ, ta hoàn toàn có thể bỏ anh ra khỏi kịch bản và không có gì thay đổi. Những bi kịch đã tồn tại trước khi Phước đến, với nguyên nhân và kết quả như một dòng chảy cứng, mà anh không có tác động gì đáng kể, ở cả mặt diễn tiến sự kiện lẫn tâm lí các nhân vật khác.
Tất nhiên, điện ảnh cũng có những nhân vật mang tính chứng nhân, mà rất gần với Phước là cậu bé Renato trong Malèna (2000). Cùng qua khung cửa sổ, Renato cũng nhìn một phụ nữ lớn tuổi hơn là Malèna giống như Phước làm với Chu (Ngọc Thanh Tâm), cô con gái tật nguyền của ông chủ người Hoa Liếm (Hoàng Phúc). Nhưng sức mạnh trong lối kể này của đạo diễn Giuseppe Tornatore là ở chỗ ông giữ được khoảng cách giữa chứng nhân và đối tượng, đưa người xem vào góc nhìn của một nhân vật để dõi theo một nhân vật khác, và cả một thời đại. Phước thì khác, mối liên hệ giữa anh với Chu là rất hữu hình. Khi hữu hình, nó cần phải gắn bó hoặc có đủ sức nặng. Nhưng trong Đảo của dân ngụ cư, gần như tất cả các mối liên hệ chỉ là những sợi chỉ mỏng.
Những sợi chỉ đó lần lượt là: Miên (Nhan Phúc Vinh), một thanh niên Khmer hừng hực sức lực có mối quan hệ đặc biệt với Chu; ông người làm Ấn Độ Ahmed (Hoàng Nhân), theo đạo Hồi với trang phục và nghi lễ cầu nguyện đặc trưng; ông chủ người Hoa gia trưởng, bạo lực, và có một sự ám ảnh kì quặc về việc bảo vệ con; cuối cùng là bà Hoa (Ngọc Hiệp), vợ ông, một phụ nữ nô lệ kiểu phong kiến, phục tùng và cam chịu với mọi hành động của chồng. Họ là những “dân ngụ cư” lần lượt gặm nhấm sự vô nghĩa và bất lực của con người trước sự tàn lụi, cả về cơ thể lẫn tinh thần, trong không gian chật hẹp, bức bối, ám mùi của hòn đảo biểu tượng là tiệm Đêm Trắng. Xét rộng ra, tất cả chúng ta đều là dân ngụ cư giữa một đời hữu hạn – một hòn đảo khác dài rộng hơn nhưng không hẳn tự do hơn. Ít nhất, đó là ý đồ của kịch bản, hoặc điều mà truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến gửi gắm.
Truyền tải được những thông điệp mơ hồ này không dễ. Công việc của nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, là lấp vào rất nhiều khoảng trống trong một truyện ngắn chỉ hơn 4 ngàn chữ. Ông làm điều đó bằng cách thêm vào thông điệp về thân phận phụ nữ, thay đổi nhân vật Miên từ một ông già thành thanh niên và tạo mâu thuẫn với Phước, cố gắng tạo nên một nhân vật phản diện là ông Liếm.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là một bản kéo dài của truyện, hơn là một kịch bản đào sâu được tâm lí các nhân vật. Các chi tiết thêm vào chỉ mang ý nghĩa “lấp đầy”, chứ chưa thể làm dày cho những con người, tạc nên hình hài của họ. Phim tốn rất nhiều thời gian cho các cảnh quay ngoại cảnh hoặc giết mổ động vật một cách hàm ý, là công thức dẫn truyện của Hồng Ánh, nhưng lại rất thiếu thời gian cho những mối liên hệ. Ta không hiểu Miên và Chu cảm thấy thế nào về nhau, hay là gì của nhau. Những lời dẫn truyện và vài câu thoại là không đủ cho nỗi ám ảnh đầu đời của Phước. Chu lẽ ra phải là nhân vật được khắc họa rõ nhất, vì rất phức tạp, nhưng lại mờ nhạt nhất. Sự đối lập giữa tâm hồn sáng trong và khát khao xác thịt của cô không tìm thấy lối để thể hiện. Ông Liếm và bà Hoa lại bị đóng khung trong những hình mẫu gia trưởng truyền hình đã cũ.
Cốt truyện Đảo của dân ngụ cư phù hợp cho dòng phim cảm giác, chú trọng vào sự tinh tế và sức biểu cảm. Để làm được điều này, cần đến sự thấu hiểu, cẩn trọng, và nhạy cảm. Yếu tố thứ ba chưa được xử lí tốt bởi cả biên kịch Quang Lập và đạo diễn Hồng Ánh. Nhạy cảm, là để tránh đi những sáng tạo phá hoại không khí như câu hát “Không! Tôi không còn yêu anh nữa!” của bà Hoa trong đêm Chu bị bạo hành. Hay tránh việc cắt những câu thoại trong truyện ngắn ra khỏi bối cảnh và khiến nó trở nên buồn cười khi lên phim như “Làm việc như một con bò, để tránh bị bẹp gí như một con gián.”
Sự nhạy cảm còn có thể được dành cho phần nhạc nền mang âm hưởng hiện đại, không ăn nhập với tông chung của phim, và vô số lựa chọn ca khúc sai lầm được chọn để Chu ngân nga mỗi đêm, nói thay cho tâm trạng của cô. Như bài Xuân và tuổi trẻ của La Hối chẳng hạn. Vì sao trong một gia đình người Hoa, với không gian đậm chất Hoa và ông chủ luôn mặc chiếc áo truyền thống đặc trưng, lại không có giai điệu tiếng Hoa nào xuất hiện? Đó là một sự lãng phí bối cảnh. Cũng giống như việc bộ phim lãng phí sự xuất hiện của Ahmed. Trong truyện, ông đại diện cho sự cứu rỗi của tôn giáo, và cuối cùng, rời đi sau một chi tiết rất hay là đám ruồi nhảy vào chiếc dĩa đèn của ông, làm nó bị vấy bẩn. Tôn giáo không thể cứu rỗi được tâm hồn những con người khốn khổ bị mắc kẹt này, kể cả ông. Có thể tôi đã bỏ lỡ, nhưng không hề thấy được ý nghĩa này từ nhân vật Ahmed.
Về công tác đạo diễn, Hồng Ánh đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện một phim chỉn chu, trọn vẹn. Điều đáng khen là ta không thấy có giây phút nào cô cho thấy sự mỏi mệt, đuối sức, hay chểnh mảng. Tất nhiên, có rất nhiều hạn chế khác có thể kể đến. Có những lỗi vụn vặn trong cách xử lí từng cảnh quay, như cách xuất hiện đột ngột của Chu, trong khi được giới thiệu như một nhân vật bí ẩn trong ngôi nhà. Hay khi Phước trèo lên mái nhà lần đầu tiên, lẽ ra góc nhìn phải là từ anh hướng vào căn phòng để tạo ra sự chú ý, thì cảnh quay lại xoay sang Chu, rất trật khớp. Công tác đạo diễn không phải là từng trường đoạn, mà là từ khung hình này sang khung hình khác. Hồng Ánh làm tốt ở công tác chuyển cảnh, kĩ năng mà hầu hết đạo diễn trong nước vẫn khá yếu, nhưng chưa nắm vững hiệu quả mà cách sử dụng từng khung hình mang lại. Một điểm tốt của phim là sự chuẩn mực về bố cục, có được nhờ tài năng của đạo diễn hình ảnh NSND Lý Thái Dũng.
Với những phim như Đảo của dân ngụ cư, diễn viên vừa là thể xác vừa là linh hồn. Nhưng rõ ràng, Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm còn rất, rất, rất xa với tầm mức đó, và với cả dòng phim này. Họ chỉ là những diễn viên khóc, cười, hành động theo chỉ đạo, chứ không hề là một con người thật sự, khiến ta cảm thấy có thật và quan tâm. Tôi rất khó chịu với việc nữ chính lúc nào cũng phải đẹp, được trang điểm, trang phục phải rực rỡ, như cách Thanh Tâm xuất hiện trong phim. Nhan Phúc Vinh và ông chủ Hoàng Phúc sống động hơn, nhờ bề ngoài phù hợp và diễn xuất đầy đặn hơn, dù đường dây tâm lí vẫn đứt quãng và ngờ nghệch. Điều này khiến các hành động của họ bị “làm quá” lên và kịch cỡm, như trò đánh bạc của Miên hay hành động trong phòng tắm của ông chủ.
Điều Đảo của dân ngụ cư thiếu vắng, là sự đồng cảm. Ta thấy những hành động của các nhân vật, đôi lúc nhẹ nhàng quan tâm, đôi lúc bốc đồng và giận dữ, nhưng không thể hiểu đằng sau đó là gì. Bộ phim này không đào sâu được con người ở mức độ cần thiết, mà chú ý quá nhiều vào việc gây ấn tượng và thể hiện chất nghệ thuật. Một không gian chật chội đến nghẹt thở nhưng các nhân vật thì cách rất xa nhau, cố gồng lên những hành động ấn tượng, nhưng không để lại chút hơi ấm nào. Để rồi, phim thiếu vắng một chữ rất quan trọng, mà ngay cả trong truyện ngắn tưởng chừng bi lụy của Đỗ Phước Tiến cũng phải có được để chạm vào trái tim ta. Một chữ “tình”.