Với 25 triệu like, Dory là nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất của Pixar trên Facebook. Và không ngạc nhiên khi cô cá xanh mắc chứng hay quên trở thành nhân vật chính của phần 2 loạt phim đại dương được yêu mến Finding Dory (Đi tìm Dory).
Điều đáng ngạc nhiên là chất lượng của phim. Tôi bước vào rạp chiếu bóng với tâm thế chờ đợi một Car 2 (2011), bởi Pixar chưa từng thành công khi thăng chức nhân vật phụ thành chính. Nhưng đáp lại tôi là một tác phẩm chất lượng cỡ Toy Story. Vui nhộn, đáng yêu và cảm động, mang đến những khoảnh khắc cảm xúc diệu kì, đây là bộ phim Pixar đáng xem nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Hơn cả Inside Out năm ngoái, đối với tôi.
Bỏ qua 13 năm giãn cách so với bản phim đầu, khiến nhà sản xuất phải thay giọng lồng tiếng của hầu hết nhân vật, thời điểm các sự kiện trong Dory chỉ là 6 tháng so với Finding Nemo. Dory đã dọn về sống chung với bố con Marlin. Một ngày nọ, những kí ức gia đình bỗng hiện về trong tâm trí Dory. Cô cá xanh quyết tâm quay lại đại dương đi tìm bố mẹ thất lạc. Tất nhiên, với đầu óc nhớ trước quên sau, chuyến phiêu lưu mới của Dory sẽ không dễ dàng.
Andrew Stanton, đạo diễn và biên kịch của phần đầu tiên, trở lại cùng vai trò trong Finding Dory. Ông rất khéo léo khi lựa chọn hướng tiếp cận cho kịch bản mới. Nếu 13 năm trước Nemo chinh phục trẻ em bằng chất phiêu lưu, mang đến cả một thế giới bao la choáng ngợp trong lòng đại dương, thì Dory chỉ gói gọn bối cảnh trong một viện hải dương học. Stanton không lặp lại những gì đã cũ. Nhưng như thế không có nghĩa bộ phim giảm sút sự tò mò hay sức cuốn hút. Viện hải dương học trong phim không đóng vai trò là một thế giới để khám phá, mà để thiết lập cho các cảnh hành động – điều Stanton thực hiện một cách xuất sắc trong phim.
Finding Dory có những phút đầu chuệch choạc, cùng lí do với thất bại của Cars 2 hay bộ phim khá hơn đôi nhưng vẫn cách rất xa phiên bản đầu Monster University (2013), đó là ở nhân vật chính. Mater, Mike, hay lần thứ 3 này là Dory rất duyên dáng và được yêu mến khi là nhân vật phụ, nhưng không hề là lựa chọn lí tưởng cho vai chính. Đó là những nhân vật chỉ tỏa sáng khi đứng cạnh một nhân vật khác. 30 phút đầu tiên không thuộc về Dory, được lồng tiếng bởi MC nổi tiếng Ellen DeGeneres. Cô cá tỏ ra lẻ loi khi thiếu Marlin, rườm rà trong lời thoại, và các trò đùa lãng quên không còn giữ được sự hài hước.
Stanton giải quyết điểm yếu này bằng màn tỏa sáng của một nhân vật phụ khác: Bạch tuộc Hank (Ed O’Neill lồng tiếng). Hay phải gọi là bạch tuộc siêu nhân, như con ngựa bựa Maximus trong Tangle vậy, là linh hồn của bộ phim. Ông ta dính với Dory vì muốn xin cái thẻ “nghỉ hưu” vô tình được gắn vào cô cá. Hank chắc chắn sẽ được nhiều trẻ em yêu mến, theo đúng cách chúng yêu mến Dory ở phần đầu tiên. Nhờ Hank, bộ phim bắt đầu vào nhịp mượt mà và cứ thế giữ vững phong độ cho đến hết.
Các màn hài hước của phim rất dễ chịu, từ lời thoại đến hành động, nhưng đáng khen nhất là ở dàn nhân vật phụ. Ngoài Hank còn có một chú cá voi trắng tên Bailey với “siêu năng lực” dò đường bằng sóng siêu âm, một cô bạn cá thuở bé tên Destiny (Định mệnh), hai con sư tử biển tưng tửng, một con chim ngố tên Bucky. Chúng đều rất dễ thương, và mỗi khi xuất hiện lại mang đến tiếng cười. Thậm chí cả một nhân vật siêu phụ là con trai (con nhả ra ngọc trai) thét lên “Shelly” cũng khiến tôi thích thú.
Và tất nhiên, Finding Dory làm được điều đã tạo nên thương hiệu của Pixar, là khiến chúng ta rơi nước mắt ở những khoảnh khắc đẹp đẽ. Dường như họ thật sự là những phù thủy của cảm xúc. Tôi đã chờ đợi, và tự hỏi, liệu sau bao nhiêu cách thức, chi tiết, và cả mánh khóe đã được sử dụng, Pixar còn phép thuật nào nữa đây? Không có gì mới ở thông điệp, là về tình cảm gia đình, về tình yêu thương cha mẹ dành con cái và ngược lại, tương tự Nemo. Vậy mà chỉ cần một cú chuyển góc máy nhẹ nhàng, tinh tế, một chi tiết nhỏ bé nhưng phải đầy tài năng để sử dụng, mọi khiên chắn lí trí đều bị đánh sập. Và tôi biết đây chính là Pixar mà mình yêu mến, đã bao nhiêu năm qua.
Đó chưa phải là tất cả, bởi còn có một trường đoạn trên nền nhạc tuyệt vời khác ở cuối phim, biến Finding Dory thành một trong những phim Pixar tuyệt nhất, và là một trong những phim hoạt hình hay nhất năm nay. Sau Cars 2 và Monster University, cuối cùng có lẽ Pixar đã biết cách để đi cùng xu hướng thời đại, là làm các phần tiếp theo. Chúng ta vẫn yêu mến hãng phim này bởi tính nguyên gốc và sự sáng tạo, nhưng nếu họ giữ được chất lượng như Finding Dory, tôi nghĩ sẽ không ai trong chúng ta phản đối.