INTERSTELLAR

bởi
720 lượt xem
A+A-
Reset

Đầu tiên, tôi phải nói rằng Interstellar (Hố đen tử thần) không hoàn hảo. Nhưng trong một số trường hợp, chúng ta chấp nhận những thứ không hoàn hảo một cách hoàn hảo. Giống như tình yêu.

Ở bộ phim mới nhất của Christopher Nolan – phải nói trước rằng tôi không phải là fanboy của ông và The Dark Knight Rise là bộ phim tôi sẽ không bao giờ bỏ tiền mua vé vào cửa, nếu được lựa chọn lại – tôi rất trân trọng những trải nghiệm trong 3 tiếng đồng hồ thời lượng phim. Roger Ebert từng nói “không bộ phim hay nào quá dài” và Instertellar đủ hấp dẫn, liền mạch, kịch tính, đủ cảm xúc để dán chặt chúng ta xuống ghế ngồi cho đến giây cuối cùng. Một minh chứng nữa cho thuyết tương đối thời gian của Einstein, giống như khi xem Cloud Atlas cách đây 2 năm hay xem một trận bóng đá hay, thời gian trôi qua rất nhanh.

Khi những cảnh cuối cùng hiện lên, tôi có cảm giác, giống như vừa đọc xong một quyển sách khoa học giả tưởng của Liên Xô cũ. Như những quyển với màu sắc ố vàng, chữ mờ mịt, long gáy hay rách trang, bán với tiền tính bằng xu đồng ở hiệu sách cũ, từng khiến tôi mê say suốt thời niên thiếu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có một cuộc chạy đua khác giữa Liên Xô và Mỹ, bên cạnh cuộc chạy đua vũ trang, là cuộc chạy đua vũ trụ (đỉnh điểm là khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969, được nhắc đến trong một chi tiết nhỏ). Các nhà văn Liên Xô trong xu thế đó đã hướng mối quan tâm về không gian vô tận ngoài kia và cho ra đời rất nhiều tác phẩm kỳ vĩ. Một trong số đó đã được chuyển thành phim là Solaris (1973). Tất nhiên, dự báo về sự suy tàn của trái đất và tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh là một trong những chủ đề hàng đầu.

Đó cũng là sứ mệnh của Cooper (Mathew McConaughey), một kỹ sư tài giỏi của Nasa nhưng đã trở thành nông dân, sống ở một tương lai gần khi lương thực đã trở nên khan hiếm. Bão cát là vấn nạn khiến từng loại hoa màu lần lượt chết đi. Người ta không cần kỹ sư hay máy móc gì nữa, một cách hơi mỉa mai, nghề nông – một trong những nghề đầu tiên và cơ bản của nền văn minh, nhưng bị hạ thấp giá trị trong thời đại chúng ta, trở lại thời hoàng kim. Cậu con trai Tom được cho là sẽ nối nghiệp anh, trong khi cô con gái Murphy thừa hưởng trí thông minh về mặt khoa học của bố. Một sự cố về từ trường, hoặc điều gì đó tương tự, xảy ra trong phòng Murphy, dẫn đường cho hai bố con tìm thấy căn cứ bí mật của Nasa, giờ hoạt động độc lập dưới sự điều hành của tiến sĩ Brand (Michael Caine – phim thứ 6 ông tham gia cùng Nolan). Ông đề nghị Cooper tham gia dự án bay vào không gian, cùng với cô con gái Amelie (Anne Hathaway) của ông cùng hai nhà khoa học khác, với hi vọng tìm kiếm một tinh cầu con người có thể sinh sống. Để cứu lấy trái đất, cứu lấy thế hệ tương lai, cứu lấy cô con gái Murphy thương yêu, Cooper đồng ý.

Tôi may mắn khi được đọc quyển ‘Vũ trụ’ (Cosmo) của Carl Sagan, quyển sách tôi nghĩ nên phải xếp vào hàng phải-đọcvới sinh viên đại học ở mọi quốc gia, chỉ vài tuần trước khi xem bộ phim. Có những chương Sagan đã giải thích rất rõ về các khái niệm lỗ sâu, lỗ đen, thuyết tương đối, du hành qua không-thời gian, không gian ở các chiều thứ 4 và thứ 5, sự sống ngoài hành tinh, các hành tinh có môi trường phù hợp với sự sống, định luật Murphy… và đó cũng là những chủ đề yêu thích, nên tôi không gặp khó khăn trong việc hiểu và tiếp nhận các lý thuyết. Nolan, giống như trong Inception, đã phải dành một lượng thời gian không nhỏ để giải thích, đó là điều không tránh khỏi, và đôi chỗ làm nhịp phim có vấn đề, nhưng không hề nghiêm trọng. Chỉ như một vết xước trên trần nhà mà bạn không để ý đến. Nhưng việc có hiểu các lý thuyết ấy hay không, quyết định rất lớn đến việc bạn có yêu thích bộ phim hay không. Một khó khăn cho những bộ phim thể loại này, phải đặt ra “luật” (ở đây là vật lý, dù là giả tưởng) và tuân thủ tất cả các luật ấy, chưa hết, còn phải đảm bảo khán giả cũng lĩnh hội được nó.

Sau khi du hành trong những giấc mơ, Christopher Nolan đưa khán giả đến với một nơi khác hùng vĩ không kém, là vũ trụ. Năm ngoái, Cuáron cũng đưa chúng ta lên vũ trụ, nhưng chỉ ở một trạm không gian trong quĩ đạo trái đất. Hè năm nay, Marvel cũng lần đầu tiên đưa những người hùng du hành đến những hành tinh khác, đối đấu với kẻ thù đến từ nhiều thế lực, nền văn minh, chủng tộc. Nhưng không phim nào trong số đó có thể mang đến cảm giác kỳ vĩ, choáng ngợp như Interstellar. Tạo nên không gian kỳ vĩ, hoành tráng dựa vào hiệu ứng hình ảnh và sáng tạo về âm thanh, luôn là thế mạnh của Nolan. Nhưng ông không chỉ đơn giản là “chạm đúng nốt” ở bộ phim này, ông đưa trải nghiệm đó lên một tầm cao mới. Âm nhạc của Hans Zimmer, như mọi khi, cực kỳ phù hợp. Có rất nhiều cảnh xuất sắc trong việc kết hợp giữa hình ảnh và âm nhạc, nhưng nếu phải lựa chọn, tôi cực kỳ ấn tượng với cảnh truy đuổi chiếc máy bay do thám đầu phim, và cảnh cao trào trước khi bay vào lỗ đen. Tim tôi đập liên hồi, đến mức khó thở và tôi gần như quên mất mọi thứ xung quanh, khi thả mình vào những cảnh phim đó. Những hành tinh khác, dù dùng đến công nghệ máy tính và chiếm khá ít thời lượng, nhưng vẫn có được cả độ chân thực và xa lạ cần thiết, để khiến người xem trầm trồ. Có thể những người trông chờ một bộ phim khám phá hành tinh lạ, sẽ thấy hơi thất vọng. Nhưng họ sẽ quên đi nhanh chóng, và được bù đắp bởi chất hành động ngày càng tăng tiến.

Có một số chi tiết gợi nhớ đến 2001: A Space Odyssey, một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với tác phẩm kinh điển của Stanley Kubrick, trong đó ở hồi thứ ba, tôi đã nghĩ sẽ được trải nghiệm những phông màn màu sắc một lần nữa như trong 2001, dù không phải nhưng vẫn rất thích thú. Tuy nhiên, người ta không nên so sánh trải nghiệm giữa Interstellar và 2001, vì về bản chất là rất khác nhau. Phim của Nolan mang tính giải trí, ở bề mặt, ở việc tiếp xúc trực tiếp với các giác quan người xem và đẩy sự kích thích lên cao độ, trong khi phim của Kubrick mang nét gợi, chạm đến những cảm quan sâu thẳm bên trong. Interstellar giống như một bản rock, hoặc nhạc điện tử, những bản “epic music” người ta hay nghe trên youtube, trong khi 2001 là một bản giao hưởng cổ điển. Cả hai mang đến sự hoành tráng theo một cách riêng.

Interstellar không phải là một phim “hành trình”, để các nhân vật biết rõ đến nhau và có tình cảm, như giữa Cooper và Amelia hay giữa các phi hành đoàn. Cùng với sự kỳ vĩ của vũ trụ, Nolan nỗ lực để nói lên sự kỳ vĩ của tình yêu. Cụ thể ở đây là tình phụ tử xuyên suốt giữa Cooper và Murphy, vượt qua khoảng cách không gian thời gian, kết nối với nhau để rồi cứu lấy trái đất. Thứ tình yêu có sức mạnh lớn hơn cả trọng lực, hay định luật vật lý. Phải thừa nhận rằng, đây không phải là thế mạnh của ông. Đoạn xử lý đầu phim của Nolan là khá vụng về và vội vàng, phần nhiều do thời lượng phim hạn chế. Những lời thoại có phần khiên cưỡng và giải thích lộ liễu về hiện trạng thế giới, hay như một đoạn “tuyên ngôn” được đọc như trong sách của Anne Hathaway, may mắn được khỏa lấp bởi các chi tiết đầy kịch tính tiếp sau. Một điều may mắn khác, Interstellar có được một tập hợp diễn viên đầy nội lực. Mathew McConaughey vẫn rất xuất sắc ở những cảnh cần đến cảm xúc. Cooper không phải là vai diễn đòi hỏi sự hy sinh hay có thể mang về cho anh tượng Oscar như Dalas Buyers Club, diễn xuất của anh vẫn rất đáng nhớ. Nhất là trong sự vụng về của Nolan, với những mối liên hệ chưa đủ sự chắc chắn, McConaughey vẫn vực dậy được và có những cảnh phim tròn trịa. Có thể lấy một ít nước mắt, với những khán giả dễ rung động. Không có nhiều đất diễn, nhưng các diễn viên “thượng thặng” ở Hollywood như Anne Hathaway, Matt Damon, và Jessica Chastain đều hoàn thành trách nhiệm của mình, không xuất sắc, nhưng đủ chất lượng. Không ai có thể phàn nàn.

Tôi không nói rằng Nolan thành công trong việc mang đến một cảm hứng tâm linh về vũ trụ, như Kubrick đã làm, hay cảm hứng tôn giáo, hay cảm hứng tình yêu – điều kỳ lạ và đẹp đẽ nhất của con người. Đúng thế, nếu có điều gì đó có thể cứu vớt con người, chính là tình yêu và sự hy sinh, không phải khoa học. Ít nhất, không phải khoa học mà thiếu đi tình yêu. Nolan chỉ mới chạm vào bề mặt những vấn đề mà ông nêu lên. Những người khác làm tốt hơn rất nhiều. Nếu nói về tình yêu có thể vượt lên trên mọi khái niệm khoa học, hãy xem Solaris, khi người đàn ông nói với bóng ma không thật của vợ mình rằng “em đối với anh quan trọng hơn tất cả những thứ khoa học đó.” Nếu nói về mối liên hệ mang tính thần thánh giữa các thế hệ cha mẹ và con cái, là ngọn nguồn sự sinh tồn của loài người, hãy xem Children of Men. Nếu nói về sự cô đơn và ý nghĩa của sự tồn tại, hãy xem Moon (2009). Vậy còn Interstellar có gì?

Với tôi, đây là một bộ phim mang đến nhiều kỷ niệm, giống như một bộ phim tôi luôn muốn xem, nhưng chưa có ai làm ra. Tất cả những điều đó, về du hành không gian, du hành thời gian, về cách hữu hình hóa các chiều không gian, về sự kết nối giữa cái rộng lớn vô tận và điều nhỏ bé, như tình yêu và một căn phòng nhỏ, hãy nghĩ xem, một không gian chiều thứ 5 nằm tận trong một lỗ đen khổng lồ – dễ dàng nuốt chửng cả 1 ngàn trái đất, và căn phòng của một bé gái, tôi yêu chúng và quen thuộc với chúng. Tôi có cảm tưởng như Interstellar là bộ phim tôi đã xem rất lâu rồi từ ngày thơ bé, và luôn nhớ đến nó, chỉ là đã quên hết các chi tiết. Dù không hoàn hảo, nhưng Nolan đã làm tốt những gì ông rất giỏi, trong việc đan cài tình tiết, kết nối chúng, một vòng tròn của sự chặt chẽ, tôi yêu những bộ phim có kết cấu vòng tròn, không vì lý do gì đặc biệt. Một kết thúc mở không hề khó hiểu và bực mình như Inception, mà đẹp và lắng đọng. Interstellar mang màu sắc của một chuyện cổ tích, một chuyện cổ tích được kể bởi những vì sao.

Tôi trân trọng từng phút giây ở trong bộ phim, và chắn chắn rằng sẽ trở lại rạp để xem thêm một lần nữa. Một bộ phim hoàn toàn dành cho rạp chiếu bóng, không nghi ngờ gì cả, dù cho không theo xu hướng 3D thời thượng – tôi rất ngưỡng mộ Nolan khi từ chối phần lợi nhuận không nhỏ theo cách ấy. Xem 3D đeo kính ngày nay vẫn là một thảm họa. Hiện tại, đang có một cách xem phim rạp mới cũng theo 3 chiều không gian, nhưng không cần đeo kính, gọi là Screen X. Thay vì quay bằng máy quay 3D, cách làm phim này sử dụng đến 3 máy quay, trước mặt và hai bên khung hình. Rạp chiếu bóng sẽ có đến 3 màn hình tương tự, trước mặt và hai bên cánh, tạo hiệu ứng 3D theo cách hoàn toàn mới. Nghĩa là trong một cảnh đua xe, bạn có thể nhìn ra 2 bên và thấy những tòa nhà bị bỏ lại phía sau. Công nghệ này chỉ mới được thử nghiệm hạn chế ở Hàn Quốc. Ngồi trong rạp mà tôi cứ tưởng tượng Interstellar sẽ thế nào với Screen X, và rất mong chờ một ngày nào đó.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00