Thể loại điệp viên không chỉ có Mission Impossible và James Bond. Có có một anh chàng điệp viên khác vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu vài năm một lần, là Johnny English. Phim từng nhập về Việt Nam với tựa “Điệp viên không không thấy”, với “Mr. Bean” Rowan Atkinson đóng vai chính. Johnny English Strike Agian là phần thứ 3 của loạt phim này. Chỉ cần nhìn lướt qua, ta cũng dễ dàng nhận ra đây là bản parody từ cả Mr. Hunt và Mr. Bond.
Với mục đích chính là giễu nhại và gây cười, kịch bản của loạt Johnny English thuộc kiểu không cần lắp não vào cũng xem được. Phần 3 này, Johnny English được gọi trở lại tổ chức điệp viên… MI7, sau khi một hacker bí mật tấn công và lấy hết dữ liệu tình báo ở đây. Bạn có nhớ đến phim nào đó không? Cùng với người cộng sự lâu năm Bough (Ben Miller) – rõ ràng là giỏi nghề điệp viên hơn English một tỉ lần – bộ đôi bắt đầu công tác ngăn chặn kẻ phản diện.
Bạn chẳng tốn hơn 3 giây để đoán ra kẻ phản diện là ai. Thật ra, bạn không cần quan tâm cũng được. Cốt truyện chỉ mang giá trị trang trí là chính, hay làm nền cho các trò hài hước đậm chất ngớ ngẩn Anh Quốc. Johnny English Strike: Again giống như một tập hợp của từng stage comedy nho nhỏ nối lại với nhau. Có cái khiến bạn cười, có cái không, đa phần là có. Một trường đoạn kính thực tế ảo sẽ gợi bạn nhớ đến cảnh tương tự trong Mr. Bean of Holiday. Đoạn cuối có lồng ghép chút ít văn hóa, về hiệp sĩ bàn tròn, Lancelot, thanh gươm trong đá… Thỉnh thoảng, khi theo dõi English và Bough làm trò, trong đầu tôi lại hiện ra cảnh ngài Lancelot và con ngựa giả trong Monty Python and the Holy Grail (1975).
Johnny English thực chất là Mr. Bean đội lốt, với dáng điệu lù khù và vài cử chỉ quen thuộc (nhảy nhót, đánh lưỡi…), chỉ khác là có thêm lời thoại. Quí ngài Patinsons có lẽ cũng chẳng cần phải tập luyện gì nhiều, thậm chí chẳng cần đọc trước kịch bản, trước khi bước vào trường quay. Phim có sự xuất hiện của Emma Thompson, không hài hước lắm, vì không có nhiều đất thể hiện. Một cô đào xinh đẹp vào vai điệp viên ngầm, do nữ diễn viên Olga Kurylenko có nét hao hao Cate Blanchett, thủ vai. Jake Lacy, từng đóng với Blanchett trong Carol, tỏ ra khá cuốn hút với vai tỉ phú công nghệ Jason – nhái theo Elon Musk. Anh có nụ cười của Hugh Grant ngày trước. Hệ thống nhân vật đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn và ai cũng làm tròn vai của mình. Cũng khó để không tròn vai trong loạt phim Johnny English, vì mọi thứ đã có Mr. Beans lo.
Bạn sẽ chẳng tìm thấy được thông điệp nào đáng kể trong bộ phim này. Nếu có, chắc là không nên quá lạm dụng công nghệ. Có đôi chút giễu nhại về sự phụ thuộc của chính phủ vào các tập đoàn công nghệ, và kho báu quí giá nhất trong thời đại hiện nay: Dữ liệu. “Tôi yêu dữ liệu,” Jason tuyên bố trong phim. Nhưng không sao cả, vì cuối cùng bạn sẽ được cứu bởi siêu anh hùng Johnny English, chứ không phải siêu điệp viên. Siêu năng lực của anh là may mắn.
Thú thật, tôi chẳng nhớ gì về phần trước “Điệp viên không không thấy”, cả nội dung lẫn các trường đoạn. Đó là bộ phim chìm lẫn vào vô số các phim ngắn Mr. Bean tôi từng xem. Johnny English Strike Again có lẽ khá hơn. Ít nhất tôi sẽ nhớ rằng mình đã cười thoải mái trong hầu hết thời lượng. Một phim không có gì mới mẻ, gây cười theo cách thức cơ bản nhất: Dựa chủ yếu vào một danh hài. Bạn có thể đổi số năm “2018” thành 2000 hoặc xa hơn, mà vẫn cảm thấy phù hợp. Bạn cũng có thể đổi cả tựa phim thành “Mr. Bean: Strike Again” và càng thấy phù hợp.
Nhưng đôi lúc, đúng như Johnny English nói: “Tôi thích theo kiểu cũ”. Với tôi, một phim hài old-school như Johnny English: Strike Again là đủ cho một khoảng thời gian giải trí dễ chịu. Chỉ cần bạn đừng chờ đợi nó giành giải Oscar, hay BAFTA.