JOKER

bởi
3.1K lượt xem
A+A-
Reset

Joker giống như phim chỉ làm được một nửa. Khi cảnh cao trào kết thúc, ta có cảm giác như chỉ vừa đi qua hồi thứ hai: Nhân vật thay đổi bản thân sau rất nhiều động lực bồi đắp. Để rồi vừa đúng lúc cảm xúc người xem được đẩy lên, chờ đợi cao trào thật sự, dòng credit đáng ghét lừng lững xuất hiện.

Có vẻ như hiện tại các biên kịch rất khó nghĩ ra được kịch bản nào thông minh cho dòng siêu anh hùng. Joker hứa hẹn mang đến một cốt truyện phản xã hội phức tạp, kiểu V for Vendetta (2005) nhưng hóa ra chỉ dùng lại các cliché dễ hiểu và dễ chấp nhận. Phim kể về Arthur (Joaquin Phoenix) và quá trình anh ta biến đổi từ một gã tâm thần bị xã hội hắt hủi thành hoàng tử tội phạm Gotham. Phim dựa vào loạt comic Batman: The Killing Joke năm 1988, phần duy nhất hé lộ quá khứ Joker. Có lẽ đây là lần đầu tiên một tác phẩm điện ảnh truy tìm xuất xứ của phản diện huyền thoại này. Từ trước đến nay, Joker chỉ xuất hiện khi đã là Joker.

Tuy vậy, quá trình đó không mấy cuốn hút, không mê đắm như lẽ ra phải thế. Nó diễn ra theo cách quá bình thường, hoặc thậm chí tầm thường, dễ đoán, như cảnh đánh đập khiên cưỡng đầu tiên: Một cá nhân bị xã hội tổn thương quay ra tổn thương xã hội. Một gã tâm thần bị cắt thuốc, một kẻ yếu đuối bị bạo hành, một tâm hồn đáng thương bị lừa dối. Arthur phải chịu đủ tủi nhục trước khi lột xác trên truyền hình, biến giấc mơ danh hài thành cơn ác mộng của khán giả. Một cách tình cờ, gã ta trở thành biểu tượng của phong trào phản xã hội đang lên ở Gotham.

Joker về mặt ý tưởng là khá dễ dãi và giản đơn, bất kì biên kịch nào cũng nghĩ ra được, giống như bài toán một cộng một bằng hai chứ không phải phương trình xứng đáng đoạt giải Fields. Nhìn nhận mọi thứ ở khía cạnh nạn nhân đã khá lỗi thời và sến, cả mặt tâm lí học và xã hội học. Những phim như Mindhunter đã chỉ ra rằng, cái ác cũng có thể là tự nhiên. Kẻ ác không cần lí do để ác. Nó thách thức trở lại quan niệm và giá trị của cái thiện với chúng ta. Còn với Arthur, động lực tội phạm của gã là nỗi đau và các ảo tưởng tan vỡ. Không phải tất cả chúng ta đều thế? Đâu cần phải là một kẻ điên.

Cái khó của đạo diễn Todd Phillips, cũng như những người khác khi tiếp nhận nhân vật Joker, là tạo ra một nhân vật mới và hay. Bởi vì đã có những tượng đài sừng sững trước đó. Nếu so sánh, Joker của Heath Ledger là triết gia của giới tội phạm, còn phiên bản của Joaquin Phoenix là một quái thai do xã hội suy đồi sinh ra. Cả hai đều có cái hay riêng, nếu khai thác đủ sâu.

Tiếc rằng hành trình của Joker không nâng đỡ được cho dụng ý nhân vật. Hành trình lột xác, hay trưởng thành, hay khai sáng của Arthur bị kéo dài một cách không cần thiết, khi kịch bản thiếu vắng chi tiết, sự kiện, đến mức đạo diễn Phillip Todd phải bù đắp bằng cách lặp đi lặp lại các phân đoạn. Thế mạnh duy nhất ông có là Joaquin Phoenix, và có vẻ bị tận dụng hơi quá. Rất nhiều cảnh phô trương cơ thể gầy gò đầy sẹo của Arthur, tiếng cười do chứng bệnh lạ, cảnh gã uốn éo theo một vũ điệu nào đó, vô tình khiến người xem cảm thấy gã bị ép phải điên. Kẻ điên thật sự chẳng cần phải tỏ ra mình điên, hay điên một cách “nghệ thuật”. Hắn ta điên cũng như người khác tỉnh, tự nhiên và tự tại, cần được thể hiện qua hành động.

Các áp lực đè lên Arthur tạo cảm giác gượng ép. Cả thế giới như chống lại gã ta, trong lối viết kịch bản không khéo léo lắm – lộ rõ bàn tay lông lá của biên kịch thò vào. Ví dụ như chi tiết tấm biển vỡ nát đầu phim, ai sẽ phàn nàn về một tấm biển quảng cáo trong thế giới điên loạn ấy? Chi tiết nhỏ này lẽ ra phải kết thúc sau đoạn intro, không cần nhắc lại. Vì sao một “đồng nghiệp” lại đưa súng cho Arthur, dẫn đến mâu thuẫn sau này? Gã ta là người tốt hay xấu và có đáng với kết cục bi thảm ấy không? Một drama gia đình và khoảng trống người cha để lại đã cũ, liên quan cả đến Batman, tạo nền tảng cho sau này. Mọi thứ được sắp đặt sẵn và điều đó không tốt. Sự tình cờ và hỗn độn luôn có sức mạnh lớn hơn.

Về mặt phản xã hội, các trường đoạn chính trong Joker đều có gốc rễ từ sự kiện có thật. Nhiều người cho rằng vụ nổ súng trên tàu điện liên quan đến sự kiện gây sốc năm 1984 ở New York, khi thanh niên da trắng Bernhard Goetz bắn chết bốn người da màu. Lí do hắn đưa ra là bị cướp nhưng lại khơi lên cơn giận dữ về nạn phân biệt chủng tộc. Trong phim, đó là hành động tự vệ vượt kiểm soát của Arthur, trong một chuyển biến tâm lí đáng giá, khi gã đuổi theo và kết liễu tên còn lại. Ta thấy được nỗi phẫn uất dồn nén của một kẻ báo thù, chứ không chỉ hành động đường cùng của con thú bị thương. Cảnh đánh đập đầu phim cũng gợi lại vụ tương tự ở Công viên Trung tâm. Tương tự là một vụ nổ súng khác trên chương trình hài trực tiếp, với hiệu ứng gây sốc rất hiện đại. Dường như nó có thể xảy ra bất kì lúc nào, trong thế giới thật.

Đạo diễn Todd Phillips cũng dựng lên được một thành phố giả tưởng Gotham có không khí riêng, giàu chi tiết. Nó mang hơi thở của New York, với các khu ổ chuột bẩn thỉu, những bức tường đầy tranh graffiti, và đặc biệt là khu tàu điện ngầm đặc trưng. Ai đó từng nói rằng, muốn hiểu một thành phố xin mời xuống tàu điện ngầm và điều đó đúng trong trường hợp này. Ta thấy rõ ảnh hưởng Taxi Driver trong thiết kế bối cảnh, nhất là khi quay các con phố đêm đẫm hơi sương và nhập nhòe đèn neon kiểu thập niên 70 (logo cũ của Warner Bros. cũng gợi ý thời điểm). Khó nói rằng Gotham này quá sức ấn tượng, nhưng điều tốt là, nó “sống” được trên màn ảnh. Không ngạc nhiên bởi Todd Phillips là học trò của Martin Scorsese và Arthur cũng mang não trạng cô lập như Travis Bickle, do Robert DeNiro thủ vai. DeNiro tham gia phim này trong một vai quan trọng thứ hai.

Tuy vậy, mặt chính trị-xã hội của Joker không được đẩy đến cùng. Các mâu thuẫn của thành phố chỉ được giải thích qua loa bằng tiếng Radio văng vẳng. Các liên hệ đến thế giới thật, như sở hữu súng, cắt giảm ngân sách xã hội, nạn ô nhiễm, sự phân cách giàu nghèo… không có các tuyến phụ tương xứng, các trường đoạn đặc tả tương xứng. Không có một hình ảnh hay chi tiết nào đóng đinh vào tâm trí chúng ta về các vấn nạn này. Phim tránh né một cách có chủ ý cốt lõi của chúng, thay vào là các câu slogan khá buồn cười “giết người giàu” – đại diện là Thomas Wayner (vì sao ông ta lại lang thang với vợ con một mình không có bảo vệ trong cơn bạo động, khi đang là mục tiêu chính?) Mặc dù hầu hết các nhân vật phụ mà Arthur tiếp xúc là người da màu, yếu tố chủng tộc bị tước đi. Trong khi mọi sự kiện mà phim lấy cảm hứng, từ vụ Công viên Trung tâm đến Bernhard Goetz, đều là về chủng tộc – vết thương rỉ máu hàng trăm năm nay trong lòng nước Mĩ. Dĩ nhiên, phim không cần phải theo đời thực, nhưng Gotham vẫn luôn là phản chiếu về xứ cờ hoa. Một khi đã khơi ra nhưng không theo đuổi, Joker mang đến một cảm giác hụt hẫng và trẻ con ở cảnh bạo động quan trọng.

Joaquin Phoenix vẫn là Joaquin Phoenix, với màn trình diễn là sức sống lớn nhất và gần như duy nhất của phim. Gốc gác diễn viên hài độc thoại của gã cũng gợi đến một nhân vật hoang tưởng khác là Rupert Pupkin trong The King of Comedy (1982). Arthur giống như tập hợp của những gã tâm thần trong phim Scorsese. Mặc cho bị tận dụng quá đà, ở khoảnh khắc quan trọng, Phoenix vẫn tỏa sáng như thường lệ. Anh diễn tả được nguồn năng lượng tối tăm bị kìm nén, con quái vật bị xích bên trong Arthur, nuôi dưỡng nó từ khi nhỏ bé yếu ớt đến khi đủ mạnh để phá lồng chui ra tàn sát. Trường đoạn cao trào Phoenix phối hợp với DeNiro là xuất sắc, từ ánh mắt đến giọng nói, hình thể, bất chấp biểu cảm đã bị hạn chế bởi lớp hóa trang. Không hiểu sao, đôi lúc Arthur gợi đến hình tượng vừa ngây thơ vừa tàn nhẫn của Michael Jackson trong Leaving Neverland (2019). Màn trình diễn này còn được hỗ trợ với một list soundtrack chất lượng từ Hildur Guðnadóttir, nhà soạn nhạc đứng sau Chernobyl đình đám hồi đầu năm.

Tiếc rằng, Joker cũng giống như tiếng cười quá đà của Arthur, mang đến cảm xúc lẫn lộn và không trọn vẹn. Một siêu phẩm tội phạm đầy hứa hẹn bỗng trở thành tiếng than vãn và đổ lỗi một cách cực đoan mà ta không muốn nghe. Có vài cảnh bị cắt, như cảnh Joker giết mẹ và cảnh gã được tôn vinh như thánh sống, có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm. Nhưng cốt lõi, bộ phim không chạm được đến độ sâu cần thiết của phản diện đáng giá bậc nhất trong lịch sử. Chưa mang đến một chân dung đặc sắc như chờ đợi. Và một phim như thế này, sự kích động và bạo tàn này, mang đến thông điệp gì cho thế giới của chúng ta? Sự cảm thông mà Todd Phillips muốn nhồi vào Arthur giống như mảnh ghép lồi lõm với gã. Joker gợi đến cảm giác của lũ Minion khi thiếu vắng Gru. Gã chỉ đủ đầy khi đứng cạnh một phản đề là Batman. Khi phải đứng một mình, Joker “không hoàn thiện”.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00