Những cảnh đầu tiên của Manchester By The Sea (Bờ biển Manchester, 2016) là tại thành phố Boston phủ đầy tuyết trắng. Nhân vật chính Lee sống bằng nghề sửa chữa các vật dụng hư hỏng. Anh ta đến từng nhà và sửa tất cả mọi thứ: Ống nước, quạt trần, bồn tắm… Lee có vẻ đáng tin cậy và giỏi trong việc này, đến mức một phụ nữ thầm yêu anh. Nhưng chúng ta sẽ sớm nhận ra, chính Lee mới là thứ hỏng hóc nhất. Vì anh mang một trái tim tan vỡ.
Có những đạo diễn dành cả sự nghiệp chỉ để theo đuổi một thể loại, một chủ đề duy nhất. Kenneth Lonergan là người như thế. Bộ phim thứ ba của ông nối tiếp You Can Count On Me (Dựa vào nhau, 2000) và Margaret (2011), khai thác đề tài bi kịch gia đình, khắc họa ảnh hưởng của sự mất mát lên người còn sống, về nỗi đau con người, và cách hàn gắn nó. Giống như Count On Me, nhân vật chính của Manchester cũng là một chàng trai lang bạt. Vì lí do nào đó, Lee (Casey Affleck) phải sống cô độc tại một thành phố xa lạ. Hàng ngày, sau giờ làm việc, anh ta đến quán rượu, nốc đến khi say mèm. Dù chưa có gì được hé lộ, chúng ta cảm thấy có gì không ổn. Ánh mắt Lee vô hồn và trống rỗng, thiếu kết nối với xung quanh. Một cô gái trong quán cố tình làm quen, và Lee ngó lơ. Tiếp xúc vật lí duy nhất của Lee là những cú đấm với hai gã lạ mặt, mà anh ta là kẻ sinh sự.
Cuộc sống tẻ nhạt này bị gián đoạn bằng một cú điện thoại. Từ quê nhà Manchester, ai đó thông báo rằng người anh ruột Joe (Kyle Chandler) phải nhập viện. Khi Lee lái xe đến nơi, Joe đã qua đời. Là người thân duy nhất, anh phải chuẩn bị cho tang lễ, cũng như chăm lo người cháu trai Patrick (Lucas Hedges). Lee muốn hoàn thành nhanh chóng mọi thứ để rời đi. Nhưng rồi sự cố xảy ra. Đám tang của Joe phải hoãn lại ba tháng vì thời tiết. Rắc rối hơn, Joe đã chỉ định trong di chúc Lee làm người giám hộ cho Patrick.
Không có cách nào khác, anh buộc phải lưu lại thị trấn hẻo lánh này. Manchester tiếp diễn bằng sự xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ trong tâm trí Lee. Là kí ức được khơi lại bởi sự kiện và khung cảnh, trong một diễn biến tâm lí dễ hiểu và chân thực. Lần lượt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được hé lộ, giữa Lee với Joe, với Patrick, và với người vợ cũ Randi (Michelle Williams). Và khi bi kịch thật sự mở ra, khủng khiếp nhiều hơn điều chúng ta chờ đợi.
Manchester by the Sea là một phim đơn giản, và phức tạp. Rất phức tạp. Nó đơn giản về cốt truyện và cách kể, nhưng phức tạp về tâm lí và chi tiết. Điều khó khăn nhất ở kịch bản phim, được viết bởi chính Lonergan, là rất dễ sa vào drama quá đà. “Anh đã phạm sai lầm, như hàng triệu người khác”, viên cảnh sát nói với Lee trong đêm định mệnh. Nhưng không phải ai cũng phải chịu đựng hậu quả ở mức độ của anh. Để giữ mọi thứ ở mức chân thực, buộc đạo diễn phải rất cứng tay, biết tiết chế. Và Manchester rất thật, như lát cắt cuộc sống hiển hiện trên màn ảnh, nhờ vào Lonergan.
Dài đến 2 giờ 15 phút, nhưng không một phút nào của Manchester gợi cảm giác lê thê. Lonergan nắm rất vững tâm lí nhân vật. Ông trung thành với phong cách tối giản, khi miêu tả quá khứ của Lee. Không có một hiệu ứng, cả kĩ xảo hay kĩ thuật dựng phim nào, cho người xem biết rằng đó là cảnh kí ức. Chúng chỉ tự nhiên xảy ra, nối liền với hiện tại. Cách làm này gây bất ngờ ban đầu, nhưng đầy sức mạnh về sau. Có phải, điều khiến chúng ta đau đớn nhất sau mỗi mất mát, chính là những mảnh kí ức vụn vặt ấy? Bằng cách đó, Lonergan miêu tả điều lớn hơn, là cái chết. Không phải của những người thân, mà chính là bản thân Lee, về nỗi đau đang gặm nhấm tâm hồn anh ta. Các ngoại cảnh mùa đông cũng được viện đến để khắc họa sự lạnh lẽo bên trong nhân vật.
Một sự hỗ trợ cần thiết khác, để khiến mọi thứ đáng tin, là sự đầy đặn tuyệt vời về chi tiết của phim. Tuyến truyện chính về Lee được bồi đắp rất nhiều bởi các tuyến phụ. Lonergan chăm chút rất kĩ cho họ. Đó là người mẹ nghiện rượu vô trách nhiệm, gia đình bạn gái Patrick, ông bác đồng nghiệp tốt bụng của Joe, ông giáo đội bóng, cô bác sĩ châu Á… Tất cả tạo thành một thế giới sống động mà ở đó, chúng ta nhìn thấy cả tình người lẫn sự kệch cỡm, giả tạo. Lonergan làm việc đó chi tiết đến mức, trong ban nhạc của cậu cháu trai ông thêm vào một thành viên luôn đánh sai nhịp. Có ý nghĩa gì? Không gì cả, nhưng khiến lớp nền của phim dày lên đáng kể. Đó chính là cuộc sống.
Thật lạ là khi thưởng thức, Manchester by the Sea lại gợi tôi rất nhiều về các nhà làm phim châu Á. Bộ phim nhắc người viết nhớ đến đạo diễn Iran Asghar Farhadi, với tuyệt phẩm A Separation (Cuộc chia li, 2011), về mặt kĩ thuật. Ngoài ra là đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda, với phim Still Walking (Vẫn bước đi, 2008), về mặt nội dung. Cùng với Lonergan, họ đều là những người chỉ tập trung vào các mối quan hệ gia đình. Dù khác biệt văn hóa, nhưng chúng ta thấy rằng, các giá trị cốt lõi của gia đình là như nhau ở mọi nơi. Cách con người đón nhận nỗi đau, và dựa vào các giá trị ấy để vượt qua, là như nhau.
Trong Manchester, mối quan hệ chú cháu giữa Lee và Patrick là chủ đạo. Mất mát khiến con người trở nên tách biệt, và cũng chỉ có mất mát mới kết nối được con người. Cái chết của Joe đã tạo cơ hội để hai chú cháu, những người thân duy nhất, nương tựa vào nhau. Lonergan đã vượt qua điều khó khăn nhất ở thể loại gia đình, là hữu hình hóa sợi dây tình thân. Suốt cả phim, Lee và Patrick luôn cãi vã, nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra họ giống nhau. Khi cả hai bắt đầu quan tâm đến người kia, đó là lúc họ tự cứu lấy chính mình.
Manchester có một kịch bản xuất sắc, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu thiếu đi dàn diễn viên đủ sức cáng đáng nó. Casey Affleck, từng thể hiện khá tốt trong bộ phim hình sự hợp tác với anh trai Ben Affleck Gone Baby Gone (Đứa bé mất tích, 2007), đạt đến tầm mức mới bằng diễn xuất nội lực tuyệt vời. Không chỉ thuyết phục người xem ở nhân vật Lee, vốn bi thương đến mức phải chọn đau đớn thân xác để làm dịu đi tinh thần, Casey còn tạo ra cả bầu không khí u ám bao quanh anh. Cùng lúc đó, anh vẫn rất nam tính và cuốn hút. Lucas Hedges phối hợp hoàn hảo với Casey trong vai Patrick, cậu cháu trai ương bướng nhưng mạnh mẽ, đầy sức sống. Michelle Williams dù xuất hiện không nhiều, vẫn có một cảnh cao trào đáng giá. Cô không phải là kiểu diễn viên duy trì được phong độ trong một phim dài, nhưng khi tập trung toàn lực cho một cảnh duy nhất, cô thật sự chạm đến trái tim ta. Phải nói thêm, đó là một cảnh chỉ đạo xuất sắc của Lonergan. Trong phim, rất nhiều cảnh kí ức. Nhưng ngay lúc ấy, ông lại không cho thấy cảnh quá khứ của họ. Chúng ta có thể tự hình dung những lời nói của Randi ngày xưa độc ác thế nào, chỉ bằng chứng kiến sự hối hận cùng cực của cô ở hiện tại.
Manchester by the Sea là một bộ phim đẹp đẽ, xúc động, sẽ lưu lại trong kí ức ta rất lâu. Nó phức tạp hơn nhiều so với những gì thể hiện, là kết quả của rất nhiều tài năng và kinh nghiệm. Tôi đọc được ở đâu đó, ai đó đã nói rằng đây là kiểu phim mà điện ảnh Việt Nam có thể hướng tới. Thật sai lầm. Đây là kiểu phim khó làm bậc nhất trong điện ảnh. Nó biến được câu chuyện cá nhân thành giá trị phổ quát của nhân loại, là điều chỉ xảy ra ở những tuyệt tác. Con người chết đi, và con người tiếp tục sống, bất kể ra sao. Một nhân vật phụ khác nói ở cuối phim rằng, bố ông ta mất tích khi ông còn nhỏ. Không chỉ Lee, ai cũng phải đối mặt với mất mát, trong những thời điểm nhất định. Nhưng khi mùa đông lạnh giá qua đi, ngoài cửa sổ, cây sẽ nở hoa.