Nắng là bộ phim chỉ xem được ở một phần ba thời lượng đầu. Khi câu chuyện xoay quanh hai mẹ con nghèo khổ: Mẹ là Mưa (Thu Trang), bị thiểu năng, làm nghề nhặt ve chai và bán vé số; con là Nắng (Kim Thư), mũm mĩm, đáng yêu, là ánh sáng xua tan nhọc nhằn đời mẹ. Nhưng tất cả bị phá hỏng bởi sự yếu kém ở phần kịch bản, trong hai phần ba thời lượng cuối.
Có những công thức đang trở nên cũ kĩ và nhàm chán ở phim Việt, cần phải thay đổi. Đó là cách sử dụng các cảnh hồi tưởng theo kiểu MV ở cuối phim. Gần như 100% đạo diễn đều sử dụng cách này để lấy nước mắt. Đó là cách dùng công an để thuyết giáo, theo kiểu bài học trong sách đạo đức. Đó còn là cách tạo kịch tính bằng cách gán ghép vào các băng đảng xã hội đen, như thể không còn cách nào khác. Nếu muốn học cách đẩy cao trào từ những chi tiết chân thật và bình dị, hãy xem lại các phim TFS ngày xưa. Những mánh khóe nên trở thành kĩ thuật, không phải công thức.
Nắng gần như khiến tối bất ngờ ở những phút đầu, khi dẫn truyện một cách dễ chịu và giản dị. Không có gì nhiều ngoài cảnh nghèo và sinh hoạt thường nhật của hai mẹ con Mưa Nắng, cũng như màn “đụng độ” với hai thanh niên lang thang cơ nhỡ là Lâm (Trấn Thành) và Tuấn ( Kiều Minh Tuấn). Nhưng vàng bạc là ở đó. Phải nói rằng những phân cảnh này đã xóa đi định kiến của tôi với trailer – vốn tạo ấn tượng cố moi móc lòng thương cảm bằng trẻ em và người tàn tật. Thực chất, tứ này không mới, từ Mỹ cho đến Hàn, từ I Am Sam (2001) cho đến Miracle In Cell No.7 (2013). Nhưng để khiến bộ phim vượt lên khỏi câu nước mắt rẻ tiền, là cả một vấn đề.
Cách giải quyết duy nhất, là ở diễn xuất và tương tác của các nhân vật. Khó có thể gọi ai trong số bốn diễn viên chính của Nắng là xuất sắc, nhưng “ổn” một cách cần thiết. Và khi đặt cạnh nhau, họ tôn nhau lên. Những mối liên hệ là cảm nhận được. Các màn hài hước vẫn là điều biên kịch Việt làm tốt nhất, và đặt trong bối cảnh ngôi nhà hoang tồi tàn nhưng ấm áp tình người, gần như trở thành một cảm xúc đẹp.
Bé Kim Thư nổi trội hơn cả. Không phải nhờ vẻ ngoài mũm mĩm đáng yêu, mà ở mỗi biểu hiện, cử chỉ, đều chân thật và tự nhiên. Bé tỏ ra thoải mái ở giữa các khung hình, điều rất khó đạt được ngay cả với các diễn viên người lớn (hay do bé là trẻ con?), đóng vai trò kết nối các nhân vật. Thu Trang không mấy đột phá ở vai diễn người mẹ thiểu năng, vốn cần nhiều hơn chỉ là lối nói chuyện cà lăm và thái độ cam chịu. Nhưng ở cạnh Kim Thư, dường như diễn xuất ấy có thêm sức nặng. Trấn Thành và Kiều Minh Tuấn làm tốt việc của họ, gây hài và đôi chút phản ánh hiện thực. Chỉ có chút vấn đề với Trấn Thành, rằng anh nên từ bỏ cách cố tạo ra các truyền ngôn theo kiểu Lý Hải, kiểu “vi diệu” trong Trùm Cỏ. Anh đã cố từ Bệnh Viện Ma và đến Nắng, thật sự trở thành việc mệt mỏi và gây hại cho phim.
Trong phim, có một cảnh bị giật vé số rất đáng giá, làm được điều mà hầu hết phim Việt chưa làm được, là sử dụng chi tiết một cách hợp lý. Đó là bài học cơ bản của điện ảnh: Dùng chi tiết để nói lên nhân vật. Mưa dù bị giật vé số, vẫn quyết không nhận tiền của những người xung quanh giúp đỡ. Cô có lòng tự trọng, và bỗng nhiên, đáng quan tâm hơn rất nhiều việc bị thiểu năng hay nghèo khổ. Những bất hạnh ấy lại càng làm cho nhân cách Mưa đẹp đẽ hơn. Đặt trong thực tế có những người giả bộ tàn tật hoặc gặp tai nạn để xin tiền người đi đường, chi tiết này càng có giá trị xã hội.
Tôi ước gì những điều bình dị ấy cứ kéo dài mãi. Nhưng rồi, cơn ác mộng ập đến với câu chuyện cuối phim về ma túy, xã hội đen, âm mưu, bài học… đầy rẫy các lỗ hổng về nội dung và kịch tính một cách kệch cỡm. Một tay anh chị ở đâu xuất hiện, bỗng trở thành cha của Nắng. Một ông trùm kiểu Hồng Kông thập niên 90 ngớ ngẩn như trong phim hài nhảm. Công an cho phép hắn vào thăm một nghi phạm trong thời gian điều tra? Hội đồng xét xử và thi hành án có thể “giả vờ” theo một kế hoạch cực kì trẻ con và đầy rẫy nguy cơ? Là phim ảnh, nhưng luôn có một giới hạn cho tính thực tế. Ngoài giới hạn đó, mọi thứ chỉ là một mớ hỗn độn đáng quên. Mở đầu rất ổn, nhưng đáng tiếc dần về cuối, bộ phim trở lại đúng điều mà nó đe dọa mang đến ở trailer.
Ngoài ra, các vai diễn của Hoài Linh hay Ninh Dương Lan Ngọc là không cần thiết. Vì thế, không cần thiết phải là Hoài Linh hay Ninh Dương Lan Ngọc. Tất nhiên, trừ giá trị quảng bá. Có chi tiết về người con của nhân vật Hoài Linh thủ vai bị bỏ quên. Các mối liên hệ lãng mạn hay gia đình ở cốt truyện phụ bị bỏ qua rất nhanh. Đạo diễn Đồng Đăng Giao cũng chưa khắc phục được điểm yếu dựng phim, chuyển cảnh cố hữu. Nắng dừng lại ở một tác phẩm có điểm sáng đáng khen ngợi, nhưng tựu trung, còn rất nhiều “mưa” khiến ta khó chịu và cần khắc phục, để có được một ngày đẹp trời trọn vẹn.