Về mặt sinh học, “ký sinh trùng” là loại sinh vật chiếm sinh chất của loài khác để tồn tại và phát triển. Điều đó có xấu không? Nếu ở trong tự nhiên, câu trả lời là không. Tất cả chỉ là sinh tồn và luôn có nhiều hơn một cách để sinh tồn. Nhưng đặt trong xã hội loài người, như ở Hàn Quốc hiện đại trong Parasite, bộ phim vừa thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes chẳng hạn, chuyện không đơn giản như thế. Bởi vì, con người có nhiều thứ tách biệt mình với muôn loài: Luật pháp, đạo đức và cảm xúc.
Gia đình nhà ông Kim Ki-taek (Song Kang-ho), sống trong một căn nhà nằm dưới mặt đường ở Seoul, xuất hiện bằng một cảnh “kí sinh” cấp độ thấp. Cả nhà bốn người bao gồm Kim, vợ Choong Sook (Jang Hye-jin), con trai Ki-woo (Choi Woo-shik) và con gái Ki-jung (Park So-dam) đang… câu trộm wifi từ một quán cafe nào đó. Bố mẹ thất nghiệp, con không đóng nổi học phí, họ sống bằng việc gấp hộp Pizza. Thỉnh thoảng, một gã say xỉn sẽ đến tè bậy trên nhà họ. Một dấu hiệu Chúa trời dành cho Noah.
Trong cơn túng quẫn, vận may đến với nhà Kim khi bạn học cũ của con trai đến tìm. Mang tặng một viên đá cảnh “lấy may” làm cớ, cậu ta nhờ Ki-woo làm gia sư một cô bé nhà giàu hộ mình. Đó là gia đình nhà thiết kế Park (Sun-kyun Lee), có cô vợ xinh đẹp khờ khạo Yeon-kyo (Yeo-jeong Jo), cô con gái thiếu niên khát tình Da-hye (Jung Ziso) và cậu con trai nghịch ngợm Da-song (Jung Hyeon-jun). Một bản phản chiếu tương đồng về số lượng nhưng lệch lạc mọi thứ khác với nhà Kim, mà lệch lạc nhất là khoảng cách giàu nghèo.
Bong Joon Ho vốn nổi tiếng với các phim quái vật như Okja hay The Host, thêm nữa do ảnh hưởng từ anime cùng tên, tôi vào rạp với tâm thế đón chào đám kí sinh kì lạ. Nhưng không, Parasite nối tiếp bằng một cốt truyện thể loại tội phạm, khi Ki-woo lập mưu để em gái, bố và mẹ trở thành người làm nhà ông Park. Sự thiếu thuyết phục về logic, như làm sao nhà Park quá tin người hay Ki-jung nói bừa mà trúng tai nạn của bé Da-song lúc 1 tuổi, được Bong lấp đi bằng lối dẫn truyện nhanh, mạnh và các bản nhạc cổ điển ầm ĩ. Bởi vì, khi cả 4 con kí sinh trùng ma mãnh, thủ đoạn ấy vào được ngôi nhà, bộ phim mới thật sự bắt đầu.
Parasite là tác phẩm mà Bong Joon Ho đạt đến độ chín về mọi mặt, từ kĩ thuật làm phim, xây dựng kịch bản đến nhận thức xã hội. Ông vẫn giữ nguyên phong cách pha trộn nhiều thể loại hài kịch, bi kịch, giật gân… vào làm một mà không bị chông chênh. Giống như người nhạc sĩ đưa cả hip hop, pop, rap… vào một bài hát mà vẫn khiến nó bắt tai, cuốn hút. Một hành trình bão táp khởi đầu từ con đường mòn thanh bình, đầy tiếng cười vui khúc khích. Nhưng ma thuật trong phim ảnh của Bong là ở đó: Khán giả được phép cười cho đến lúc buộc phải im bặt.
Nếu gọi Bong là một thầy phù thủy và Parasite là một cuộc yểm bùa, phần hình ảnh chính là bùa mê đầu tiên. Ông đã rất dụng công để xây dựng bối cảnh từ những chi tiết nhỏ. Hai ngôi nhà của Kim và Park là hai thế giới đối lập, ở số lượng đồ vật, cách bài trí và màu sắc. Tôi rất thích cách Bong đặt ngôi nhà Kim lưng chừng con đường, nửa trên nửa dưới: Gia đình họ thậm chí không phải ở đáy xã hội, mà còn thấp hơn. Khoảng cách với ngôi nhà sang trọng, bày biện đơn giản nhưng đầy các vật dụng xa hoa kia là không thể san lấp. Ở nửa sau, có một cảnh xuống cầu thang giữa trời mưa, cho thấy bao xa. Hai ngôi nhà luôn hiện diện trong tâm trí người xem, như dấu mốc để nhắc nhở các nhân vật thuộc về đâu.
Khi câu chuyện diễn ra trong ngôi nhà của ông Park, phần hình ảnh trở thành một phần câu chuyện. Camera của Kyung-pyo Hong, người cộng tác lâu năm với Bong trong Snowpiece (2013), Mother (2009)… sục sạo từng ngóc ngách ngôi nhà như một con kí sinh trùng khác. Các cú máy dài chuẩn bị cho tâm lí người xem về mặt không gian. Chúng ta dễ dàng mường tượng được khoảng cách giữa các phòng, lối đi nối giữa các nơi, cấu trúc ngôi nhà – điều tối quan trọng khi lấy bối cảnh đặt trong không gian hẹp. Điều mà các đạo diễn yếu nghề không để ý hoặc không thể làm được. Người Vợ Ba của Nguyễn Phương Anh vừa rồi là một ví dụ. Từ đó, Bong đặt hai thực tại lên cùng một không gian. Nhà Kim và nhà Park ở cùng nhau, nhưng không chia sẻ cùng thực tại với nhau.
Chất châm biếm là điểm sáng của Parasite, đôi lúc khiến tôi có cảm giác như đọc truyện của Vũ Trọng Phụng. Một chất nhầy bao phủ lên toàn bộ phim, từ đầu đến cuối, được thể hiện tuyệt nhất ở các khung hình ấn tượng và giàu dụng ý. Parasite có một ý tưởng, và Bong tìm thấy hình tượng hoàn hảo để hiện thực hóa ý tưởng ấy: Kí sinh trùng. Có một cảnh đánh nhau trong căn phòng, nhìn từ ngoài sân, mà các nhân vật lúc nhúc như đám trùn. Họ bò trườn trên sàn nhà, lên cầu thang, và phải đạp lên nhau vì miếng ăn. Tương tự là ông bố Kim trườn ra khỏi gầm bàn, hai bàn chân lật ngửa dính lại, lết đi như một con gián hèn kém. “Khi gặp chuyện, ông sẽ chạy đi như con gián,” bà vợ nói, chỉ dẫn đến đoạn kết.
Tuy vậy, trọng tâm phim không phải là về khoảng cách giàu nghèo, vốn tồn tại ở bất kì quốc gia nào. Điều Bong muốn khai thác, với đầu óc của một nhà xã hội học, là bản chất mối quan hệ ấy ở Hàn Quốc. Kí sinh trùng có nhiều loại, có loại bòn rút, cũng có loại cộng sinh với vật chủ. Chúng biết trả ơn bằng cách đánh đuổi kẻ thù hoặc các loài ăn bám khác. Trong Parasite có một nhân vật như thế, gần như thần phục ông chủ. Và người giàu, thoạt nhìn có vẻ ngây thơ và tốt bụng, nhưng luôn nhận thức rõ vị trí, cấp bậc của họ. Luôn có một làn ranh vô hình gọi là “không vượt qua giới hạn”, như ông Park thường nói về phẩm chất người làm. “Mùi” là một chi tiết hay và quan trọng khác, mùi của thuốc diệt côn trùng, xà bông rẻ tiền… Mùi của người nghèo. Hàn Quốc là quốc gia có sự phân cấp rất rõ rệt. Bi kịch là khi người nghèo rằng có thể khỏa lấp ranh giới ấy khi đứng chung không gian với họ.
Một người bạn của tôi kể rằng, ở các con đường dốc cao Hàn Quốc, mỗi khi mưa đến nước đều chảy xối xả. Khách du lịch sẽ nghĩ rằng họ có cách xử lí những dòng nước ấy tốt nhất. Nhưng trong Parasite, chúng ta biết không phải mọi dòng nước đều được xử lí và có những người phải hứng chịu. Bong cũng rất tinh tế khi luôn đặt góc quay nhà ông Park từ phía dưới con dốc. Không cần diễn tả, người xem vẫn tưởng tượng được nước từ đâu chảy xuống. Đó là trường đoạn ấn tượng nhất với tôi, gần gũi bởi vì xảy ra không chỉ ở Hàn Quốc.
Như các tác phẩm xuất sắc trước đây, Bong Joon Ho biết cách để cân bằng giữa các thể loại, chạm đến tận cùng cảm xúc người xem. Người ta vẫn nói về “phong cách của Bong” vì không biết phải xếp vào đâu. Có thể xem đó là phong cách điển hình cho điện ảnh Hàn hiện đại: Kết hợp nhuần nhuyễn kĩ thuật phương Tây và văn hóa phương Đông. Parasite có chất giải trí của Hollywood, nhưng mang cấu trúc của các vở opera châu Âu, với các nhân vật di chuyển cường điệu như trên sân khấu và đẩy cao trào bằng một bữa tiệc (feast). Nơi mọi thứ được giải quyết trong hỗn loạn, và càng hỗn loạn thì “sự thật” càng hiện rõ. Trong khi đó, các yếu tố của tôn giáo, ở đây là Phật giáo, được khai thác như điềm báo (sấm chớp, ánh đèn chớt tắt… mỗi khi nhân vật chuyển từ thiện sang ác), luật nhân quả và hình tượng tảng đá cuối cùng được trả lại dòng suối. Dĩ nhiên, có một cảnh vui nhộn mang tính giễu nhại chính trị về Triều Tiên, mà phần phụ đề Việt dịch khác đi.
Tuy vậy, tất cả những điều đó chỉ hiệu quả khi đặt vào các nhân vật đáng quan tâm. Trái tim của Parasite là một câu chuyện gia đình cảm động, như bất kì gia đình thật sự nào khác, phải dựa vào nhau, đoàn kết, phối hợp với nhau để sinh tồn. Hai đứa trẻ của ông Kim, khôn ngoan và xảo quyệt, nhưng không khiến ta ghét bỏ. Cả Ki-woo và Ki-jung đều có tài, biết thương yêu bố mẹ và sẵn sàng hi sinh nếu cần thiết (Ki-woo). Tội duy nhất của chúng là nghèo. Sinh ra nghèo khó đồng nghĩa với mang sẵn hòn đá tảng trên người, không tự do ngay ở nhu cầu cơ bản là học tập. Cuộc sống đúng nghĩa là một cuộc chiến và xuyên suốt hành trình, khi hoàn cảnh xô đẩy, tất cả thành viên nhà Kim đều có những khoảnh khắc để làm điều đúng. Nhưng như một câu thoại của bà mẹ Chung Sook, “tôi sẽ tốt nếu tôi có chừng này tiền.” Và họ đều đi vào bóng tối.
Diễn xuất của dàn diễn viên khó gọi là xuất thần, nhưng hoàn hảo với tác phẩm này. Lối diễn cường điệu của Hàn Quốc phù hợp với chất giật gân và không gian kịch nghệ mà Bong hướng đến. Chủ đạo là gia đình nhà Kim. Nam diễn viên kì cựu Song Kang-ho, từng đóng chính trong Memories of Murder, là người được chuẩn bị kĩ càng nhất về tâm lí để bùng nổ. Choi Woo-shik và Park So-dam trong vai hai người con đều có khoảnh khắc riêng để tỏa sáng, So-dam khá ấn tượng khi chuyển “thần thái” một cách đáng ngạc nhiên. Và trong một thế giới đầy cường điệu, người mẹ của Jang Hye-jin chính là chiếc mỏ neo giữ lấy sự chân thật, đáng tin bằng sự trung dung.
Parasite có một đoạn kết hơi rườm rà, điểm trừ duy nhất của phim. Tôi đã chờ đợi một cú đấm gây choáng váng, hoặc một chi tiết khơi gợi khi sử dụng mã Morse (như Let the Right One in, 2008), nhưng không. Bong giải thích nhiều hơn cần thiết, dù vẫn tạo ra không khí huyền hoặc mênh mang của một truyện cổ tích đô thị đen tối. Tuy vậy, sự đầy đặn về chi tiết giúp phim để lại dư vị, như ánh nắng đẹp đẽ ở khu vườn mà Ki-woo từng nằm đọc sách. Ánh nắng của hi vọng. Ngay cả kí sinh trùng cũng có quyền được sống và ước mơ. Dù rằng, đó có thể là một giấc mơ hoang đường.