Trang chủ Năm Phát Hành2016 ROGUE ONE: A STAR WARS MOVIE

ROGUE ONE: A STAR WARS MOVIE

bởi
476 lượt xem
A+A-
Reset

Trong một năm điện ảnh chán chường như năm nay, Rogue One: A Star Wars Movie là một sự cứu rỗi. Đây là phim tôi yêu thích nhất trong loạt Star Wars, tốt hơn rất nhiều bộ phim copycat The Force Awakens năm ngoái. Rogue One là một phim hoành tráng đúng cách nó hứa hẹn, với các nhân vật có chiều sâu và thuyết phục, được hỗ trợ bởi phần nhạc nền xuất sắc của Michael Giacchino. Hơn tất cả, phim có được sự trọn vẹn đáng quí – vốn đang ngày càng hiếm hoi hơn: Khi phim kết thúc, chúng ta biết rằng nó đã thật sự kết thúc.

Rogue One là bản anh hùng ca của những người hùng vô danh. Những người được số phận lựa chọn để thay đổi hoặc nắm giữ kết cục của một cuộc chiến, nhưng không ai biết đến. Trong phim ảnh và lịch sử, có rất nhiều người như họ. Như chiến công thầm lặng của Alan Turing được miêu tả trong Imitation Game (2014). Nếu không có ông, quân Đồng Minh có thể đã không chiến thắng trong thế chiến II, hoặc tốn thêm rất nhiều thời gian và sinh mạng để chiến thắng. Nhưng cuộc đời về sau của Turing không hề được đối xử xứng đáng với công trạng ấy.

Có một Turing khác trong cuộc chiến ngoài vũ trụ của Star Wars, đó là cô gái trẻ Jyn Erso (Felicity Jones). Trùng hợp là cuộc chiến giữa phe Đế Chế và lực lượng Kháng chiến trong loạt phim cũng được xây dựng từ cảm hứng thế chiến II. Sử dụng thông minh các chi tiết từ các phần phim Star Wars trước, phần ngoại truyện Rogue One khắc họa cuộc phiêu lưu duy nhất của cô gái trẻ Erso, mà nếu không có cô, sẽ không có A New Hope, hay Luke Skywalker, công chúa Lea, hay bất kì chuyện gì xảy ra như cả thế giới đã biết. Vũ trụ Star Wars hẳn sẽ nhàm chán đi rất nhiều, bởi sự thống trị tuyệt đối của Darth Vader.

Lấy thời điểm ngay trước các sự kiện trong A New HopeRogue One kể về giai đoạn Darth Vader đang xây dựng Death Star, thứ vũ khí tối thượng có thể hủy diệt cả hành tinh trong nháy mắt. Erso là con gái của Galen Erso (Mads Mikkelsen), kĩ sư trực tiếp thiết kế nên Death Star. Vốn không muốn phục vụ cái ác, Galen đã cùng gia đình trốn chạy, nhưng không thoát được sự truy lùng của Đế Chế mà trực tiếp là sĩ quan Krennic (Ben Mendelsohn). Gã đã giết chết vợ của Galen để ép ông phải chế tạo Death Star. Cô con gái bé nhỏ Jyn may mắn trốn thoát, nhờ sự giúp đỡ của thủ lĩnh quân Kháng chiến đồng thời là bạn thân của cha Saw Gerrera (Forest Whitaker).

Mở đầu của Rogue One dễ khiến những người khó tính thở dài. Tôi đã nghĩ rằng, dường như cứ lấy một đứa trẻ bị bỏ rơi, rồi đặt vào các mâu thuẫn hoặc quan hệ phức tạp với cha, là có thể bắt đầu bất kì bộ phim Star Wars nào. Một kiểu melodrama vũ trụ. Tất nhiên, phải đưa cho đứa trẻ ấy một nhiệm vụ. Sau nhiều năm bị kìm kẹp, Galen đã tìm cách gửi thông điệp về cách phá hủy Death Star cho một phi công, nhờ chuyển cho Saw. Phi công ấy lọt vào tầm ngắm của cả Đế Chế lẫn một nhánh khác quân Kháng chiến. Một người lính trẻ tên Cassian Andor (Diego Luna) được giao nhiệm vụ tìm kiếm viên phi công ấy. Con đường duy nhất của anh là thông qua Jyn, bởi mối quan hệ giữa cô và Saw. Cùng với người máy đồng hành K-2SO, gần như buộc phải có theo công thức phim, họ lên đường.

Bộ phim sẽ đưa người xem du hành đến rất nhiều địa điểm, nhiều hành tinh trong dải ngân hà. Những khán giả không phải fan Star Wars hoặc chưa từng xem các phần trước, có thể cảm thấy hơi rối loạn. Nhưng khi cốt truyện dẫn đến thánh địa Jedha, mọi thứ trở nên đơn giản hơn nhiều. Cả ba gặp được viên phi công, và biết cách duy nhất để phá hủy Death Star là cho nổ lò phản ứng – nơi Galen đã cài sẵn một điểm yếu. Vấn đề là họ phải có một bản thiết kế của thứ vũ khí này, và nó được bảo vệ cẩn mật ở hành tinh Scarif. Cùng với sự giúp sức của hai thành viên mới là chiến binh mù Chirrut Îmwe (Chân Tử Đan) và sát thủ Baze Malbus (Khương Văn), họ thành lập một đội quân đột nhập đánh cắp bản thiết kế sống còn.

Luôn là phải cho nổ một lò phản ứng nào đó, bạn có thể nghĩ thế. Rogue One quả thật không mới mẻ về nội dung, nói chính xác là giống đến 80% The Force Awakens ở nhiệm vụ chính. Nó cũng sử dụng vài chi tiết để câu kéo tình yêu các fan lâu năm, như sự xuất hiện của bộ đôi robot R2-D2 và C-3PO, hay các nhân vật nổi tiếng khác. Có vài khoảnh khắc, tôi có cảm giác như đang xem một clone của phần 7. Nhưng luôn là như thế: Một bộ phim chỉ nên được đánh giá khi dòng credit hiện lên. Nửa sau Rogue One là phần thưởng tuyệt vời, một trải nghiệm đáng giá. Ở mặt hành động hoành tráng, nó chạm đến tầm mức thỏa mãn của Mad Max: Fury Road năm ngoái, với một hồi thứ ba tuyệt vời. Ở mặt cảm xúc, nó trọn vẹn và đáng nhớ, bởi nhân vật đủ sâu sắc để chúng ta quan tâm đến. Rogue One là bộ phim bi thương bậc nhất trong loạt Star Wars, vì nó dám để những người hùng trở lại mặt đất. Không có ai được chọn hay đặc biệt trong các nhân vật chính, thậm chí họ không có gươm ánh sáng hay thần lực, và họ không chiến đấu để chiến thắng. Họ chiến đấu cho sự cứu rỗi, cả tâm hồn lẫn niềm tin của mình.

Nữ diễn viên người Anh Felicity Jones là linh hồn của phim. Nhưng khi nói “linh hồn” không có nghĩa là cô thay thế hết cho những người khác, hay mọi thứ khác. Sự khác biệt của những diễn viên giỏi là họ tạo ra nhân vật chỉ bằng việc hiện diện, ngay cả khi không có nhiều lớp nền. Jones trong Rogue One là diễn viên như thế. Nhờ đó cô đã cứu được mọi điểm yếu tồn tại trong phim. Phần kịch bản không hoàn hảo đã đặt Jones vào thế khó ở những cảnh lâm li quá sớm, hoặc các bài diễn thuyết quá công thức. Nhưng bất kì lúc nào nhìn vào Jyn, chúng ta đều thấy sự quyết tâm và tinh thần quả cảm của cô, lớn đến mức chạm vào trái tim ta. Từ đó, mọi thứ khập khiễng đều trở thành tự nhiên.

Các nhân vật khác cũng có chỗ của họ. Chàng lính trẻ Andor với quá khứ tội lỗi có đủ không gian cho sự phức tạp nội tâm. Anh chân thực, bởi ta có thể nhìn thấy ở bất kì đâu: Những người lính phải giết chóc vì lý tưởng, và mất lòng tin vào điều họ từng tin. Chiến tranh là một thứ lý tưởng hấp dẫn, nhưng không dành cho người tốt. Con robot K-2SO làm tốt vai trò hài hước của nó, và trong một cốt truyện mọi thứ đều có thể xảy ra, những kẻ hài hước dễ làm mủi lòng nhất. Hai diễn viên đến từ Trung Quốc là Chung Tử Đan và Khương Văn, không hề xuất hiện cho có như các trường hợp trước. Họ có tương tác với nhau, có đất diễn, có vai trò trong đường dây kịch bản, có dấu ấn. Các màn võ thuật được sử dụng hợp lý, không đến mức choáng ngợp nhưng mang đến sự mới mẻ và thú vị cho thế giới Star Wars.

Là một đứa trẻ lớn lên múa may với kiếm ánh sáng, đạo diễn Gareth Edwards đã thực hiện Rogue Onevới tình yêu và sự tôn trọng. Ở những gì lặp lại, như các cảnh chiến đấu bằng phi thuyền, anh cố gắng thực hiện đúng tinh thần Star Wars nhất và chỉnh chu nhất. Cảnh cuối là màn xuất hiện của nhân vật mà mọi fan Star Wars đều muốn xuất hiện, và Edwards làm nó đầy xứng đáng. Tôi có thể tưởng tượng cả phòng chiếu phim ngập đầy những tiếng hú hét và tràng pháo tay, tất nhiên là ở nước ngoài. Còn điều mới mẻ, là Edwards đưa vào Rogue One không khí điện ảnh hiện đại, nghĩa là hiện thực hơn, nghiêm túc hơn, và đáng tin hơn. Chúng ta biết sức mạnh của Death Star, nhưng nó chưa bao giờ đáng sợ hơn trong Rouge One, khi ta được nhìn thấy hàng tấn đất đá khổng lồ dâng lên cao như ngày tận thế. Và làm sao bạn có thể làm một phim chiến tranh hay, nếu không có sự hi sinh? Rogue One có được sức nặng tâm lý cần thiết, mà ngay cả các phần chính cũng hiếm khi có được.

Điện ảnh hiện đại có một hướng phát triển không mấy hay ho, là phim theo phần. Dĩ nhiên, có những nhân vật khán giả sẽ muốn theo dõi hết lần này đến lần khác, và các nhà sản xuất sẵn sàng chiều lòng, miễn là họ có tiền ra rạp. Nhưng điều này đang giết chết một trong những niềm vui thú nhất của điện ảnh, là việc thưởng thức trọn vẹn một bộ phim. Người ta chỉ cho bạn ở mức đủ, không bao giờ ở mức cao nhất, vì phải để dành lần sau. Tại sao ta phải ra rạp chỉ để xem một phim truyền hình chiếu trên màn ảnh rộng? Thứ khiến điện ảnh khác biệt, sức sống cơ bản nhất của nó, là việc người xem có thể hòa mình vào thế giới khác một lần duy nhất, sống cùng các nhân vật một lần duy nhất, không thể tìm lại. Tính duy nhất đó khiến ta có thể yêu một bộ phim mãi mãi.

Rogue One giống như một lời nhắc nhở, rằng việc được thưởng thức trọn vẹn từng khoảnh khắc đẹp đẽ đến thế nào. Nó cũng gần giống cách ta sống cuộc sống này. Và tôi sẽ đáng bị lưu đày nếu không nhắc đến phần nhạc nền của Michael Giacchino. Như mọi khi, một phần nhạc nền xuất sắc phải bắt được đúng không khí phim, đúng cảm xúc của nhân vật. Đó là điều nhà soạn nhạc từng đạt giải Oscar với Up (2009) mang đến cho Rogue One. Ông thổi hồn cho những giai điệu cũ và biến chúng thành ma thuật, trong khi mang đến những bản nhạc mới giàu cảm xúc, bi tráng, nâng tầm cho các cảnh phim. Rất nhiều trái tim sẽ tiếp tục đập mạnh khi bản “The Imperial March” vang lên. Và cuối cùng, chúng ta có một phần ngoại truyện sẽ làm hài lòng những người hiếm hoi  theo dõi loạt phim từ năm 1977 và cả những khán giả không biết Star Wars là gì.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00