Khá trùng hợp là năm 2015 có đến 3 người phụ nữ tên Joy trên màn ảnh. Trừ nhân vật cảm xúc trong bộ phim hoạt hình Inside Out của Pixar, hai người còn lại khó có thể gọi cảm thấy nhiều “niềm vui” trong cuộc đời. Nhất là Joy (Brie Larson), người phụ nữ bị nhốt trong một căn phòng suốt 7 năm trời của Room, bộ phim bất ngờ lọt vào danh sách Phim hay nhất Oscar 2016.
Cô không ở một mình, mà với cậu con trai Jack (Jacob Tremblay) có mái tóc dài như con gái. Có lẽ nhiều người sẽ nhầm cậu với một bé gái, bởi gương mặt xinh xắn với nước da trắng mịn và đôi môi đỏ chót. Mở đầu phim, dường như là một ngày bình thường với hai mẹ con. Chỉ là một căn phòng bình thường với các đồ đạc quen thuộc, giường ngủ, tivi, bồn rửa mặt… Họ thức giấc, tập thể dục, ăn sáng, Joy chỉ cho Jack học chữ và cùng chơi trò chơi.
Điều bất thường đầu tiên xuất hiện, Joy bị sâu răng và tỏ ra khá đau đớn. Nhưng thay vì gọi bác sĩ, cô chỉ nói với con trai rằng: “Ý chí mạnh mẽ thì không sợ gì cả” và cậu bé nhắc lại với vẻ phấn khích. Vì sao cô không đi nha sĩ? Vì cô không thể. Kể từ năm 17 tuổi, khi bị một gã lạ mặt có tên Nick Già bắc cóc và nhốt vào căn phòng này. Hắn nuôi Joy và sử dụng cô như nô lệ tình dục. Jack có thể là kết quả một lần bất cẩn của Nick vào năm thứ hai, vì cậu bé vừa ăn mừng sinh nhật 5 tuổi.
Room không giấu diếm ý đồ đưa người xem vào thế giới qua đôi mắt Jack. Cậu sẽ nhìn mọi thứ xung quanh như thế nào, nếu từ lúc sinh ra đã bị giới hạn bởi 4 bức tường? Sự tồn tại đối với cậu chỉ là những thứ nhìn thấy được và chạm vào được hàng ngày. Nửa thời lượng đầu, đạo diễn Lenny Abrahamson, người từng chỉ đạo Frank (2014) và Garage (2007), cố gắng thuyết phục người xem tin vào thế giới ấy. Và ông làm được, nhờ vào sự xuất sắc của tài năng nhí Tremblay. Nét trẻ con và các cử chỉ đáng yêu của cậu bé, những câu nói ngây ngô khiến ta phì cười (khi thở ra khói vì nhiệt độ xuống thấp cậu nói “Nhìn này, con là rồng!”) và cách cậu thoải mái trong thế giới nhỏ bé này khiến chúng ta tin tưởng.
Joy nuôi dạy Jack theo hướng cô nghĩ có lợi cho Jack, là phủ định hoàn toàn thế giới ngoài kia. Chó không tồn tại, những con người trên tivi không tồn tại, biển hay núi không tồn tại, người ngoài tinh chắc chắn không tồn tại… Chúng có ích gì nếu hai mẹ con không bao giờ thoát khỏi căn phòng? Do đó khi cô quyết định thay đổi, Jack phản ứng dữ dội một cách dễ hiểu. Có vài khoảnh khắc khiến tôi nghĩ rằng, Jack là hình tượng ẩn dụ cho rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Con người từng không tin có vũ trụ ngoài kia, vì chưa được nhìn thấy nó. Con người cũng từng không tin trái đất hình tròn, hay có những thứ vẫn tồn tại nằm ngoài nhận thức của họ. “Sự thật” chỉ gói gọn trong nhận thức cảm giác ở mức cơ bản nhất, không phải tri thức. Chúng ta cũng từng là một đứa trẻ bị cầm tù trong các bức tường giác quan ấy.
Cốt truyện thay đổi khi Joy quyết định dùng Jack để thoát thân. Và bộ phim xoay chuyển sang thể loại tâm lý hậu sang chấn. Hai mẹ con trở về thế giới thật, gặp lại người thân, và đối mặt với những hậu quả tàn khốc mà “căn phòng” ấy để lại. Họ không thật sự thoát khỏi nó, trong tâm trí, chủ yếu là Joy. Với cô, đó là một thế giới quen thuộc nhưng không cần đến sự có mặt của cô nữa. Như thể một phần đời cô đã bị đánh cắp, và giờ những mối nối đã không còn ăn khớp với nhau. Với Jack, đó lại là một nơi xa lạ không còn chỉ có hai mẹ con.
Vấn đề của Room chính là lúc diễn ra sự đổi thay này. Lẽ ra không phải là trọng tâm và không đáng quan tâm đến, nhưng tôi rất khó chịu khi cánh cửa mở ra và hóa ra căn phòng nằm giữa khu dân cư đông đúc. Vì sao không phải là một nơi hoang vu giữa rừng rậm? Và có khả thi không khi bắt cóc một người suốt nhiều năm trời ở sân sau mà không bị phát hiện? Kế hoạch trốn thoát cũng không thuyết phục ,và phải rất may mắn mới có thể thành công. Nick Già phải là một gã khờ đến đâu để chở xác một đứa trẻ bằng xe thùng, và đi ngay giữa ban ngày ban mặt? Khi Jack ngồi dậy phía sau, vì sao hắn ta không nhìn thấy qua kính chiếu hậu trước mặt? Vì sao hắn ta dễ dàng thả Jack ngay cả khi chưa có mối đe dọa nào? Phần kịch bản được xử lý bởi Emma Donoghue, chính là tác giả tiểu thuyết cùng tên bộ phim chuyển thể, rõ ràng thiếu chăm chút về tính lôgic của các sự kiện.
Tôi biết rằng bàn cãi về tính “thực tế” trong phim ảnh là điều ngớ ngẩn, và điểm chính yếu không phải họ trốn thoát như thế nào, nhưng quá dễ dãi về chi tiết có thể ảnh hưởng đến cảm xúc phim. Với tôi, Room thuộc trường hợp đó.
Nửa sau bộ phim không được vững vàng và chắc tay như nửa đầu, khi đạo diễn Abrahamson bắt đầu bị phân tâm giữa hai nhân vật chính. Ông vẫn cố để duy trì thế giới trong mắt Jack, nhưng lại cố san sẻ cho quá trình hồi phục của Joy. Không có đủ thời lượng cho cả hai người, hậu quả là thiếu hụt đủ đường. Brie Larson, vốn có kinh nghiệm đóng phim với trẻ em từ Short Term 12 (2013), nhanh chóng xây dựng mối liên kết tốt với Jacob Tremblay trên màn ảnh. Cô rất nỗ lực để thể hiện các vấn đề Joy mắc phải, từ tâm lý cho đến bề ngoài tiều tụy xanh xao, nhưng không đủ.
Có những khoảng trống lớn chưa được khai thác để làm nền cho Joy, ví dụ nhân vật Nick Già. Ông ta là ai? Mối quan hệ giữa Nick và Joy là gì? Vì có kẻ nào điên rồ đến mức bỗng nhiên phạm tội bắt cóc chỉ để “lãnh khổ” phải chu cấp cho một gia đình? Ông ta có yêu Joy, hay là một kẻ bệnh hoạn tình dục? Vì sao mỗi lần quan hệ xong Nick đều ngủ lại với Joy như một người chồng? Ông ta có yêu thương Jack khi mua quà cho cậu? Dù có to tiếng, phần lớn thời gian chúng ta thấy Nick không hẳn là con quái vật. Hay ông ta chỉ là một kẻ thất bại ngoài đời thực và không có cách nào khác để được làm chồng, làm cha, ngoài việc phạm tội? Chúng ta không thể biết.
Nick Già xuất hiện và biến mất quá nhanh, cũng như một nhân vật khác là cha của Joy (William H. Macy). Có một chi tiết trong bữa ăn, người cha không thể nhìn mặt cháu vì gợi đến kẻ bắt cóc, sau đó bỏ đi. Rồi sao nữa? Không có gì xảy đến để giải quyết mâu thuẫn rất hay đó. Cả việc ông và vợ ly dị, nhiều khả năng là do không thể chịu đựng cú sốc vì mất con gái. Cảm xúc của họ thế nào, họ có suy nghĩ gì khi gặp lại cô, và nhất là có thêm một đứa cháu? Những người bạn trong bức hình của Joy vì sao không xuất hiện khi biết tin cô còn sống? Cuộc sống cũ cô đã mất đi là gì? Tôi luôn có cảm giác rằng câu chuyện này, nếu xảy ra ngoài đời thật, sẽ phức tạp gấp 10 lần những gì được thể hiện trong Room. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và có chút khiên cưỡng, như khi Joy to tiếng cãi lại người mẹ, cảm giác chung không phải là sự cảm thông, mà là ác cảm dành cho cô.
Một thất bại lớn khác của phim là không truyền tải được chất tình cảm ấm áp ở thông điệp quan trọng nhất của nó: tình mẫu tử. Khoảnh khắc Joy sử dụng Jack làm công cụ thoát thân và đặt cậu bé vào vòng nguy hiểm, cô đã đánh mất ánh hào quang tình mẹ lẽ ra phải rực rỡ hơn trong cảnh khốn cùng. Tình huống sẽ dễ chịu hơn nếu cô hy sinh bản thân mình để cứu con. Cả khi Joy quyết định rời bỏ Jack, ở thời điểm cơn ác mộng đã rời xa, không có lý do nào hiện hữu trong phim đủ xứng đáng để tha thứ.
Đạo diễn Lenny Abrahamson đã làm rất tốt phần việc của ông khi còn ở trong “căn phòng”. Ông dùng các góc quay tập trung vào nhân vật, che mờ ngoại cảnh, khiến không gian trở nên rộng lớn hơn. Để khi hai mẹ con trở lại, người xem cảm nhận đúng cảm giác mà Jack miêu tả: căn phòng nhỏ lại và không còn như trước nữa. Thế giới cũ đã hoàn toàn biến mất, và họ phải nói lời tạm biệt. Ngoài ra, những cảnh phim đẹp đẽ sáng trong về thế giới qua lăng kính trẻ thơ, là rất phù hợp. Ông chỉ lầm lỗi ở cảnh quay chậm trong buổi phỏng vấn, khi Joy đang vuốt tóc mình. Nó mang đến cảm giác giả tạo không đáng cho câu trả lời cô nói, vốn có thể tránh được. Âm nhạc và tông điệu sử dụng trong phim gợi đến Short Term 12, cùng cách tiếp cận những đề tài nặng ký bằng không khí nhẹ nhàng lắng đọng.
Dù mắc khá nhiều lỗi và điểm yếu, Room vẫn là một phim đáng xem vì lý do duy nhất: Jacob Tremblay. Khá lâu rồi mới có một diễn viên nhí (Tremblay chỉ mới 7 tuổi khi đóng Room) tỏa sáng rực rỡ đến vậy trên màn ảnh. Gần nhất có lẽ là cô bé Onata Aprile trong What Masie Knew (2012). Cậu diễn xuất rất tự nhiên, thuyết phục, thể hiện đúng sự ngây thơ trong sáng của lứa tuổi, và chạm thẳng vào trái tim người xem bằng sự mong manh đến nhói lòng. Cậu khiến chúng ta cảm nhận được rằng, một đứa trẻ dù có sinh ra trong hoàn cảnh nào đi nữa, đều là một món quà và cần được nâng niu. Tremblay giống như một phiên bản ngược của cô bé Tatum O’Neal trong Paper Moon (1973), người đã thắng giải Oscar năm đó. Nếu như O’Neal là bé gái có tính cách bụi bặm con trai, thì Tremblay là bé trai với vẻ dịu dàng con gái. Cả hai đều rất xuất sắc.
Và một đề cử dành cho Tremblay có lẽ sẽ xứng đáng hơn Brie Larson trong Room – gần như chắc chắn sẽ là bộ phim yếu nhất tại Oscar năm nay, đối với tôi.