Trong Song Lang, có cảnh mà Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) nhìn lên bầu trời, một vài cánh chim đang bay lượn bỗng nhiên biến mất. Những cánh chim tượng trưng cho tự do, điều mà gã đòi nợ thuê luôn khát khao. Có thể là một lỗi kĩ thuật, hoặc không, nhưng lạ lùng là ở cả hai trường hợp, ta đều thấy ổn thỏa. Bởi thế giới trong tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê không phải là thế giới thật. Không chỉ thế giới cải lương hào nhoáng, cũng không hẳn Sài Gòn của thập niên 80, mà là một thế giới tâm tưởng của điện ảnh, được dụng công gầy dựng và có đôi chút cầu kì.
Sự dụng công được thể hiện ngay ở việc sử dụng cỡ hình hẹp hơn tiêu chuẩn chiếu rạp hiện nay. Việc co hẹp khung hình thường được dùng để tạo cảm giác bức bối và tăng độ tập trung vào nhân vật. Đạo diễn “thần đồng” Canada Xavier Dolan từng làm cách mạng với khung hình 1:1 trong Mommy (2014). Tuy nhiên, sự cầu kì cũng nằm ở đó. Song Lang có lợi thế là đặc tả được gương mặt góc cạnh hút ảnh của Dũng “thiên lôi”, nét ngây thơ của Linh Phụng (Issac), các lớp hóa trang trên gương mặt những nghệ sĩ, nhưng lại làm bó hẹp không gian sân khấu, và cả những cảnh quay mênh mang trên sân thượng hoặc đường phố xưa. Sự chăm chút đến mức cầu toàn của Leon Lê, được biết đến qua bài Pr sớm của Ngô Thanh Vân trên Facebook, có cả lợi và hại. Đây chính là minh chứng rõ nét đầu tiên.
“Song lang”, hay “song loan”, là một nhạc cụ họ gõ đặc trưng của cải lương, dùng để giữ nhịp. Như lời giới thiệu của Dũng, song lang cũng chính là lời nhắc nhở các nghệ sĩ sống không trệch khỏi lương tâm. Một lối chơi chữ khơi gợi nhiều hình ảnh, bởi “lang” còn có nghĩa là “chồng”. Thế nhưng, Dũng thì đã bước lạc khỏi tổ nghiệp đàn xướng từ lâu, sa vào giới giang hồ. Biệt danh “thiên lôi” nghĩa là “chỉ đâu đánh đó”. Trong khi đòi nợ, Dũng tình cờ gặp gỡ Linh Phụng, kép chánh của đoàn cải lương đang gặp rắc rối đưa cảm xúc thật vào vai diễn. Cả hai như những hình mẫu tương phản, Dũng trải đời gai góc, Phụng ngoan ngoãn thư sinh. Một sự kiện bất ngờ khiến cả hai gắn bó với nhau trong một đêm lạ lùng.
Song Lang có lẽ là phim Việt có chất lượng tốt bậc nhất trong vài năm trở lại đây. Nó tránh được, hoặc vượt khỏi, những điểm yếu cố hữu của phim trong nước. Trước hết, đây chắc chắn là một điện ảnh thực thụ, không phải cải lương, cũng không phải kịch. Không còn những chuyển cảnh vụng về, những lời thoại như dịch từ tiếng Anh, những tâm lí ngớ ngẩn. Cũng không tạo cảm giác là một “vở kịch màn ảnh rộng” bởi lối diễn hình thể khoa trương của các diễn viên như thường lệ. Mọi thứ trong Song Lang đều thuộc về điện ảnh, và dù nghe có vẻ mỉa mai, nhưng là điều đáng giá trong bối cảnh phim nội hiện nay.
Một điều đáng giá khác là bộ phim này không ngại làm việc khó, là tái hiện lại một thời đại cũ. Điều mà Ngô Thanh Vân từng sử dụng chỉ để quảng bá trong Cô Ba Sài Gòn. Leon Lê ngược lại, tỉ mẩn dệt nên các chi tiết bối cảnh đầy hoài niệm. Đó là quang cảnh đường phố, các cửa hiệu, hàng quán, cách bài trí phòng ốc, trang phục, áp phích, trò chơi trẻ con… và cả âm thanh. Âm thanh trong phim có tác dụng đắp thêm lớp lang vào tiềm thức người xem. Tiếng loa phường văng vẳng, các bài hát xưa cũ, tiếng radio, tiếng rao đêm… dường như không lúc nào ngớt. Lối sử dụng ánh sáng, màu sắc của Leon Lê rõ ràng chịu ảnh hưởng các phim của Vương Gia Vệ, và có lẽ đôi chút Bá Vương Biệt Cơ của Trần Khải Ca, nhưng không gây cảm giác ngượng ngùng. Mọi thứ hòa quyện với nhau tự nhiên và dễ chịu.
Dù vậy, việc quá đầu tư vào bối cảnh và hình ảnh cuối cùng khiến Song Lang giống như một sân khấu quá hoành tráng cho chuyện phim vốn không quá đặc sắc. Kịch bản vừa muốn phát triển một tình yêu đồng tính, vừa khai thác một yếu tố nghề nghiệp trong cải lương nói riêng và nghệ thuật nói chung: Sự thăng hoa của nghệ sĩ nhờ vào trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, lựa chọn để Dũng và Phụng chỉ gặp gỡ một đêm theo thời gian thực, tỏ ra không hợp lí. Một tình cảm vừa chớm nở, dù được diễn tả chậm rãi và tạm gọi là tinh tế, chưa đủ để mang đến khoảnh khắc xuất thần cho vai diễn Trọng Thủy của Phụng. Sự sẻ chia của họ chỉ mới hơn tình bạn một chút, chưa phải tình yêu, và thiếu vắng một khoảnh khắc quyết định, một bước nhảy về nội tâm, để từ đó hai người trở nên đồng điệu. Nói cách khác, chuyện tình này thiếu đi sự mãnh liệt cần có, ở cả tình cảm cá nhân lẫn nghệ thuật.
Một người bạn của tôi nói rằng, nếu là cô, cô sẽ để Dũng là một người hai mặt ngay từ đầu. Ban ngày anh vẫn đâm thuê chém mướn, và ban đêm vẫn gảy đàn trong gánh cải lương của Phụng. Hai người vẫn gặp nhau hàng ngày, nhưng không hề biết gì về nhau. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho nghệ thuật chân chính: Gần ngay trước mắt, nhưng cần rất nhiều thời gian để nhận ra. Tôi thì nghĩ rằng có rất nhiều hướng xử lí cho chủ đề này, và Leon Lê đã chọn một cách kém hiệu quả. Song Lang giống như tập đầu tiên của bộ phim truyền hình, nhưng khi ta háo hức chờ đợi xem chuyện xảy ra kế tiếp, thì bỗng nhiên đoạn kết hiện ra.
Liên Bỉnh Phát có một màn debut khá ấn tượng với gương mặt góc cạnh, đôi mắt hút hồn theo kiểu tài tử Hồng Kông thập niên 80. Nhân vật Dũng không nói nhiều thoại, thể hiện mọi thứ bằng gương mặt và cơ thể mình. Ngay cả dáng đi cũng cho thấy sự cô độc và tội nghiệp của Dũng. Issac từng khiến nhiều người nghi ngờ khi phải học ca cải lương thật sự, tuy nhiên chàng ca sĩ lại làm điều này khá tốt, kể cả việc thể hiện sự vụng về ở đoạn đầu và mùi mẫn ở đoạn kết. Sự tương phản từ ngoại hình và tính cách của hai nhân vật, giống như những cục nam châm trái dấu, hút lấy nhau và cả sự chú ý của người xem.
Các nhân vật phụ đều vững vàng với vai của mình, đôi lúc khá thú vị, như kép phụ đồng bóng của Hữu Quốc, hay bà chủ tiệm cầm đồ của Minh Phượng. Tuy nhiên, các tuyến truyện phụ về cô người yêu hờ của Dũng cùng cậu em trai quậy phá, bà mẹ của Phụng và chuyện gồng gánh đoàn cải lương… không được đầy đặn và hiệu quả. Đó chỉ là một nét chấm phá thoáng qua, thay vì phải làm đậm nét cho câu chuyện chính. Tình cảm của cô gái kia đối với Dũng là gì? Duy trì đoàn cải lương phải vất vả đến mức nào để phải vay mượn? Và cả người thầy của Phụng cùng cô bạn diễn, họ là ai và suy nghĩ gì về nghề, nhất là trong bối cảnh thời cuộc? Chưa kể đến “song lang”, chi tiết về nhạc cụ mà bộ phim lấy làm tựa đề, cũng không được khai thác trong phim, ngoài việc nhắc đến một lần duy nhất ở đoạn đầu. Khi khơi ra được những tuyến phụ hay chi tiết mà không giải quyết, ấy là sự sơ sài đáng trách của kịch bản.
Dù dẫn dắt khá tốt ở hầu hết thời lượng, Leon Lê cũng không tránh được vài chỗ vụng về. Đó là khi anh tiếp tục kể về quá khứ người mẹ của Dũng, ngay cả khi thời khắc chia sẻ đã qua, tạo cảm giác dư thừa. Đôi khi, không cần hình ảnh minh họa sẽ tốt hơn. Là khi anh kéo dài đoạn kết thêm một vài phút với chi tiết về quyển sách tuổi thơ, đọc lên những trích dẫn khá giáo điều và kiểu mẫu. Một đạo diễn nhạy cảm hơn sẽ kết phim ngay khi tấm rèm đóng lại, vở diễn đã hết rồi, chuyện tình đã khép rồi, cả sân khấu lẫn đời thật. Chưa kể, cấu trúc của phim cũng hơi khập khiễng, khi nửa đầu vẫn theo lối dàn trải chi tiết, nhưng nửa sau lại trở thành thời gian thực. Lẽ ra, anh nên lựa chọn một trong hai, theo cách phù hợp với chủ đề phim nhất. Nhưng dẫu sao, tư duy điện ảnh và lòng nhiệt thành của Leon Lê vẫn mang đến nhiều kì vọng cho tương lai.
Song Lang có lẽ không phải là phim về cải lương đúng nghĩa, bởi không đi sâu vào làm nghề hay mở ra thế giới đặc trưng của các nghệ sĩ. Thực chất, nếu thay bối cảnh là thời hiện đại, và thay cải lương bằng bất kì môn nghệ thuật truyền thống nào khác, như chèo hay kịch… mọi thứ sẽ không có gì thay đổi. Một phim thật sự về cải lương sẽ cho thấy cả vẻ đẹp lẫn mặt tối của bộ môn này, và phân biệt rõ ràng với các môn khác. Tuy vậy, Song Lang khơi gợi lại trong tôi, và cả có thể là nhiều người khác, những kí ức xưa cũ khi cùng bố mẹ xem những vở mùi mẫn trên truyền hình, với Vũ Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long… Có lẽ vài người sẽ tìm đến các sân khấu hoặc phòng trà để thưởng thức lại đôi vở diễn. Nếu được như thế, bộ phim này đã thành công.