Ngay cả ở mặt hành động, Taken 3 mang đến không phải là sự mãn nhãn, mà vẫn là cảm giác khó chịu với rất nhiều chi tiết vô lý. Liam Neeson, dù còn phong độ và tiếp tục thể hiện sức hút là một người hùng hành động trung niên đáng xem, vai diễn được “đóng đinh” cho ông từ chính Taken 1, cũng không thể gồng gánh cho tất cả.
Khoảnh khắc chấm dứt hi vọng và niềm hứng thú của tôi đối với Taken 3, là khi nhân vật Bryan Mills của Liam Neeson nhìn thấy vụ án mạng và nạn nhân. Cảm xúc của ông là quá nghèo nàn, dù ngay sau đó được hỗ trợ bằng một trường đoạn lồng âm nhạc. Nỗi đau chỉ như thế thôi sao? Neeson không bắt được sợi dây tình cảm, điều khiến phần 1 của loạt phim này rất đáng xem. Còn đạo diễn Olivier Megaton cùng đội ngũ biên kịch thì không “bắt” được một kịch bản trinh thám ra hồn, dù chỉ ở mức tạm chấp nhận được.
Tôi đã không xem phần 2 của loạt phim này (cùng đạo diễn Megaton), dù rất thích phần đầu. Một số phim đem lại cảm giác nó đã kết thúc rồi, đã trọn vẹn rồi, mọi sự vẽ vời để kiếm thêm tiền của nhà sản xuất, chỉ mang lại thất vọng cho những người yêu mến. Taken là một loạt phim như thế. Ở phần 3, Bryan Mills, người bị “cướp đoạt” (Taken) khỏi ông không còn là cô con gái, mà là mạng sống của một người khác ông yêu thương. Trong khi ông bị “gài” để trở thành hung thủ. Mills vừa phải cố gắng trốn chạy khỏi cảnh sát, vừa tìm kiếm manh mối kẻ chủ mưu.
Việc xây dựng tình cảm đã tỏ ra khiên cưỡng và hời hợt ngay từ đầu, khi ông tặng quà sinh nhật cho con gái và đối mặt với việc cô đã trưởng thành. Suốt bộ phim, Megaton đã cố gắng nhồi nhét tình cảm cha và con gái vào để phù hợp với chủ đề chính của loạt phim, nhưng không thành công. Những mối liên kết cứ đứt gãy dần, cho đến khi không còn đủ sức để khiến người xem quan tâm đến.
Ở mặt trinh thám, phim ngập đầy những chi tiết ngớ ngẩn, và tạo cảm giác như được viết nên bởi những người chưa bao giờ viết phim trinh thám. Chứ không phải có sự tham gia của Luc Besson, người đã viết nên phần 1.
Mills vừa phải truy tìm hung thủ, vừa phải đối phó với một thanh tra thanh tra “thông minh”, như lời ông miêu tả, do Forrest Whitaker thủ vai. Nhưng ông có thông minh không?
Không có thanh tra nào lại “quên” điều tra về bảo hiểm của nạn nhân ngay từ đầu, thay vì chăm chú vào các dữ liệu di động. Không thanh tra nào lại không kết nối được vụ án với một vụ án trước ở đầu phim, khi một người kế toán bị giết và hoàn toàn bị lãng quên. Không thanh tra nào sau khi đã xem băng hình, và nhìn thấy nạn nhân bị bắt cóc, lại vẫn khăng khăng bắt giữ Mills mà không điều tra xem những kẻ đó là ai (gọi người “phù phép” video đến, và làm gì?). Không thanh tra nào lại cho phép chồng nạn nhân thoải mái đi khắp nơi, mà lại không đặt bất kỳ nghi vấn nào.
Tất cả những gì ông làm là ngồi ăn bánh vòng, có hiệu “Bangles”, xuất hiện 3 lần.
Và cả hộp sữa có dòng chữ “uống ngay bây giờ”. Tôi vẫn không hiểu sao không đơn giản là ghi địa điểm gặp, và giữ lấy tờ giấy ấy, thay vì phải dùng đến thuốc này nọ.
Và cả trên trùm cầm súng và nói “đứng lên”, sau khi xả hết băng đạn chỉ mong giết được đối phương. Tại sao giết một kẻ thù nguy hiểm mà cần hắn ta đứng lên?
Và ngay cả khi kẻ hung thủ lộ mặt, không ai bất ngờ, bởi đó là một mô típ rất quen thuộc. Điều khiến tôi thất vọng, là ở quá trình dẫn đến đoạn “twist” đó.
Ngay cả ở mặt hành động, Taken 3 mang đến không phải là sự mãn nhãn, mà vẫn là cảm giác khó chịu với rất nhiều chi tiết vô lý. Liam Neeson, dù còn phong độ và tiếp tục thể hiện sức hút là một người hùng hành động trung niên đáng xem, vai diễn được “đóng đinh” cho ông từ chính Taken 1, cũng không thể gồng gánh cho tất cả. Tôi nhớ phần đầu tiên có những màn đối kháng rất đã, đầy kỹ thuật và tính thực tế, cũng như độ khốc liệt. Nhưng ở phần này, tôi có thể gọi là lỗi “siêu nhân hóa” thường gặp ở những phim hành động, ông trở thành bất khả xâm phạm, thoát hiểm thần kỳ mà không vết trầy xước. Ví dụ như hai cảnh nổ xe, ở tòa nhà và ở khe vực. Dù biết rằng không thể lấy qui chuẩn thực tế để so với phim ảnh, nhưng vẫn không thể chấp nhận được. Mặt võ thuật và đánh đấm cũng tồi hệt như tất cả các mặt khác. Và cảnh sát thì còn ngớ ngẩn hơn mọi khi.
Tôi không tìm thấy một điểm sáng nào, nếu phải chọn, có lẽ là một vài bản nhạc lồng ghép khá hay, và cảnh đầu tiên tên trùm xuất hiện với giọng nói đáng sợ rất ấn tượng (Sam Spruell).
Cuối cùng là một kết thúc rất thiếu sức nặng, và đi ngược lại tính cách nhân vật. Tôi đã nghĩ rằng Mills sẽ làm điều gì đó hợp với ông hơn, nếu như ông còn là người như ở phần đầu tiên. Nhưng không. Điều duy nhất ông có là sự vô tội.
Nhưng ông có thật sự vô tội không? Vậy còn những người bị chiếc xe công-tơ-nơ cán chết (rõ ràng, với cách trường đoạn này diễn ra), vì truy đuổi ông thì sao?
Tôi thật sự mong rằng mọi thứ sẽ đúng với dòng chữ “It Ends Here” đăng trên Poster, và không còn phần 4 nào nữa.