Chúng ta có thể gọi Robert McCall, nhân vật của Denzel Washington trong The Equalizer 2 (Thiện ác đối đầu 2), là Lục Vân Tiên hoặc John Wick của người da màu. Chuyển thể từ bộ phim truyền hình cùng tên thập niên 80, McCall tấn công màn ảnh rộng và thắng lợi ở phần đầu năm 2014. Trong thời đại này, khi một phim thành công đồng nghĩa với một franchise ra đời. Kể cả những phim không thể làm franchise như Sicario.
Dù vậy, Equalizer 2 là một phim ổn hơn chờ đợi khá nhiều. Một cốt truyện không mới mẻ thuộc dòng “vigilante”, hiểu đơn giản là về các nhân vật thực thi công lí của riêng mình, nhưng được thực hiện đầy nỗ lực, kĩ năng cao, bởi cặp bài trùng Denzel Washington và đạo diễn Antoine Fuqua. Phim có những ưu và khuyết điểm, và đến cuối cùng, tôi nhận thấy những trải nghiệm dễ chịu hoàn toàn lấn át. Equalizer 2gợi tôi nhớ đến Run All Night của Liam Nelson, đều là những phim hành động có không khí riêng biệt, đáng nhớ.
Tôi chưa xem phần đầu tiên, và chắc chắn sẽ tìm xem lại sớm, nhưng có thể mường tượng ra các sự kiện từng xảy đến với McCall. Chạy trốn khỏi bi kịch quá khứ, cựu quân nhân giờ là một tài xế ở thành phố Massachusetts. Ông dành thời gian rảnh rỗi để… chẳng tha việc bất bình. Cảnh đầu tiên không tạo tạo thiện cảm lắm, McCall giả dạng làm một người Hồi Giáo, giải cứu một cô bé bị chính cha mình bắt cóc. Ông hạ sát ít nhất một người trên chuyến tàu đó. Thay thế một vụ bắt cóc bằng vụ giết người là không ngang giá, và khiến tôi khó chịu.
Khởi đầu của Equalizer 2 càng không hứa hẹn khi Antoine Fuqua tiếp tục dùng đến một cảnh đánh đấm ở khách sạn. Nạn nhân lần này là một đám công tử nhà giàu. Đây là trường đoạn dư thừa, bởi người xem đã hiểu McCall thích tự thực thi công lý từ chuyến tàu kia. Dù các màn hành động bạo lực khá mãn nhãn, chân thực, thì mục đích của nó có lẽ để quảng cáo cho Lyft, một ứng dụng đặt xe giống với Grab ở Việt Nam. Tương tự là các cảnh phim sến súa khi McCall lắng nghe câu chuyện các hành khách (trong đó có một cậu tân binh chuẩn bị đến Iraq, đã bao lần rồi?)
May mắn, phim tốt dần lên khi các tuyến truyện phụ xuất hiện. Một ông lão cố gắng giành lại bức tranh vẽ chị gái thất lạc từ hồi thế chiến. Một thanh niên da màu có tài vẽ tranh phải lựa chọn bước vào con đường găng-xtơ. Tôi không rõ các nhân vật này từng xuất hiện trong bản truyền hình hay chưa, nhưng luôn thật tuyệt khi theo dõi kịch bản chịu khó chăm chút cho các tuyến phụ – điều hay bị các biên kịch phim hành động hiện nay hay bỏ quên. Thậm chí, tôi quan tâm họ còn nhiều hơn McCall, vốn được xây dựng như một siêu anh hùng thứ thiệt. Lối diễn tả của Fuqua như thể McCall có năng lực đoán trước hành động đối phương và ngoại cảm. Chúng ta sẽ chẳng lo lắng cho ông một chút nào, ngay cả khi bị bao vây bởi các sát thủ thứ thiệt, vì McCall quá mạnh.
Denzel Washington có một vai diễn đúng tông điệu của một người hùng phim noir thập niên 80. Ông toát ra sức hút của một chiến binh dày dạn, và một tâm hồn từng ngấm nỗi đau. McCall gợi tôi nhớ đến nhân vật chính trong bộ phim truyền hình châu Á Người đàn ông 100 điểm. Cả hai đều tin vào chính nghĩa, theo cách riêng, và cố gắng tuân thủ nguyên tắc. McCall dễ mến vì luôn quan tâm đến xung quanh, một cách để “tập trung vào thứ gì đó”, như lời thoại trong phim. Dù có đồng tình với các hành động can thiệp của McCall hay không, ta cảm thấy rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có những người như ông tồn tại. Dù là phim hành động, Washington vẫn thể hiện các phẩm chất diễn xuất, đặc biệt là cảnh với cậu họa sĩ trước thang máy. Đó là kiểu đoạn phim sẽ chiếu lên màn hình khi đọc đề cử Oscar.
Cốt truyện chính của Equalizer 2 quen thuộc, dễ đoán, nhưng được nâng tầm nhờ sự chăm chút của đạo diễn Antoine Fuqua. Một cơn bão được lồng ghép vào để tạo không khí cho cao trào. Fuqua, nổi danh với các phim hình sự như Training Day, đưa phần hành động lên một đẳng cấp khác với mặt bằng giải trí hè. Chất bạo lực, máu me của phim khiến chúng ta phải nhăn mặt nhăn mũi, nhưng thỏa mãn. Chắc chắn không phải là kiểu bạo lực nửa mùa của các đạo diễn tay mơ. Các chi tiết nhỏ về kĩ thuật sát thủ làm tăng tính chân thực, cho thấy sự đầu tư của Fuqua, đôi chút gợi đến Sicario phần đầu tiên. Đó đều là thế giới của những tay chuyên nghiệp. Hãy nhìn vào cảnh dàn xếp hiện trường đầu tiên của cặp vợ chồng. “Bình tĩnh lại, đây là chuyện đang xảy ra,” một kẻ nói, trong khi vỗ vào mặt nạn nhân. Tôi biết rằng mình không thể xem một phim tồi.
Tương tự là những lời thoại của biên kịch Richard Wenk. Tôi có cảm giác như nếu đi theo một hướng khác, Equalizer 2 hoàn toàn có khả năng trở thành một phim hình sự tâm lí hay, với các lớp lang nhân vật có sẵn. Như nhân vật cộng sự Dave của nam diễn viên Pedro Pascal. Các chi tiết được đưa ra và sử dụng đầy đủ, không dư thừa hay thiếu hụt. Chỉ tiếc rằng, đôi lúc phim lại sa đà vào các cảnh cảm xúc có phần cũ kĩ lối mòn và… buồn cười. Như khi McCall bảo cậu trai da màu ngồi xuống ngắm biển, khi cậu ta vừa bị bắn. Chúng mang tính truyền hình hơn là điện ảnh.
Bước vào rạp chỉ để hoàn thành nghĩa vụ viết bài, không trông chờ gì, nhưng tôi đã có được một khoảng thời gian giải trí thoải mái. Tôi nhớ cách đây không lâu, một đàn anh tuổi trung niên có nhắc đến bộ phim này với sự háo hức. The Equalizer 2 sẽ phù hợp nhất với những khán giả đứng tuổi, vốn yêu thích kiểu mẫu hành động các anh già thập niên cũ. Họ sẽ gắn bó với McCall, phần này và phần kế tiếp, như khán giả trẻ gắn bó với các siêu anh hùng Marvel hoặc DC.