Có những bộ phim tuyệt hay khiến bạn muốn xem đi xem lại nhiều lần. Cũng có những bộ phim bạn không thể xem lần thứ hai, dù xuất sắc không kém. The Florida Project là một tác phẩm kì lạ như thế.

Hỏi bất kì đứa trẻ nào ở Mỹ “Đâu là nơi các cháu muốn đến nhất”, có lẽ hều hết câu trả lời đều chung một địa chỉ: Disney Land. Công viên giải trí của Nhà Chuột giống như một xứ sở diệu kì, màu nhiệm, nơi mọi đứa trẻ đều trở thành hoàng tử, công chúa. Tất nhiên, sự màu nhiệm cũng có phân cấp rõ ràng. Nếu muốn tận hưởng các dịch vụ cao cấp nhất, đúng chuẩn hoàng gia, Disney World ở Florida là lựa chọn hàng đầu.

Đáng tiếc rằng, không phải đứa trẻ nào cũng là hoàng tử, công chúa. Trên đường đến Disney World, nếu để ý, du khách có thể thoáng thấy nhà trọ Magic Castle nằm lẩn khuất sau hàng cọ. Nhưng ngược với tên gọi ăn theo công trình lớn trong công viên, đây là khu trọ tồi tàn dành cho dân nghèo tứ xứ. Một nơi hổ lốn với phòng ốc hạng bét, dân cư đa chủng tộc sống bừa bãi, thậm chí có cả tiệm bán súng. Thỉnh thoảng, nó “bẫy” được vài khách du lịch ngây ngô như cảnh hài hước về cặp vợ chồng hưởng tuần trăng mật.

Cô bé Moonee (Brooklynn Prince) sống tại đây với người mẹ thất nghiệp Halley (Bria Vinaite), dĩ nhiên không thể đến được Disney World. Cùng với những đứa trẻ khác, Moonee chỉ có thể nhìn ngắm thế giới xa hoa kia từ phía xa, trong khi bày các trò chơi con trẻ. Trong khi đó, người mẹ Halley kiếm sống bằng đủ thứ nghề du mục, từ bán nước hoa đến vé chợ đen vào cổng Disney. Tất cả chỉ để mua thêm một tuần ở lại Magic Castle, và vài que kem cho con. Trong thời điểm khốn khó, Halley sẵn sàng cho con đến ăn chực ở tiệm đồ ăn nhanh hay giả làm khách dùng búp-phê ở khách sạn khác.

Quản lí khu nhà nghỉ là Bobby (Willem Dafoe), một ông lão tận tụy và nghiêm khắc. Theo chân ông, chúng ta như được thưởng thức các tập Trong nhà ngoài phố, chỉ khác là bối cảnh Mỹ. Bobby phải giải quyết các sự vụ như một bà già thích để lộ nhũ hoa ở hồ bơi, bọn nhóc quậy phá cắt cầu dao điện, các khách trọ đập nhau bể trán… Một thế giới tương phản hoàn toàn với những lâu đài khổng lồ hào nhoáng luôn hiện lên ở phía xa.

Tựa phim The Florida Project được đạo diễn Sean Baker đặt theo tên của chính dự án xây dựng Disney World vào thập kỉ 60. Tất nhiên, ở thời điểm bộ phim diễn ra, công viên này đã hoàn thành và hoạt động từ lâu. Nhưng giống như những ngày cũ, dường như dự án này vẫn chưa kết thúc. Walt Disney từng nói khá văn hoa “Disneyland sẽ không bao giờ hoàn thành. Nó sẽ tiếp tục mở rộng miễn là còn sự tưởng tượng trên thế giới.” Điều đáng buồn là, sự tưởng tượng sẽ còn mãi, bởi luôn có những đứa trẻ như Moonee.

Đạo diễn Baker dẫn dắt bộ phim theo cả hai góc nhìn người lớn và trẻ em, người mẹ Harley và cô con gái Moonee. Góc nhìn nào cũng đầy đặn và đáng giá, nhờ sự thấu hiểu và chăm chút của Baker. Những trò nghịch ngợm của Moonee và đám bạn dễ dàng khơi gợi tuổi thơ của bất kì ai lớn lên ở các khu phố nghèo. Không có tiền vào công viên, chúng lang thang nơi đồng ruộng và xem các con bò, dê thay cho rồng, kì lân. Ngôi nhà hoang trở thành lâu đài Lọ Lem… Trong khi đó, một ngày của những người mẹ là lao động và tranh đấu, có khi chỉ vì 10 đôla chênh lệch tiền phòng. Những khung hình bình thản của Baker, như thể phim tài liệu, lại gây xúc động mạnh mẽ.

Florida Project là một phim phản ánh hiện thực. Nhưng thay vì lựa chọn các xung đột hay hình ảnh nặng nề, đạo diễn kiêm biên kịch Baker đi theo hướng khác thác những chi tiết sinh hoạt đời sống chân thực, giản dị. Gần gũi đến mức đôi lúc khiến ta cảm thấy như đó là những con người nhà bên, bất chấp khác biệt về chủng tộc, văn hóa. Cuộc sống người giàu có thể khác nhau, nhưng người nghèo thì như nhau, là cuộc chiến sinh tồn. Thế giới thu nhỏ trong Florida Project có thể phóng chiếu ra bất kì nơi nào khác, dù trong hay ngoài nước Mỹ.

Thoạt tiên, bộ phim có thể gây nhầm lẫn với tông màu sặc sỡ, ở cả trang phục nhân vật lẫn cảnh trí. Những căn phòng ở Magic Castle đều sơn phết một màu tím chói mắt. Những chiếc áo của Moonee hay các hình xăm của Harley cũng đều thuộc tông nóng như vàng hay cam. Nhưng chúng không hòa quyện được với thế giới tươi vui bên trong các bức tường Disney, mà tạo ấn tượng nhớp nháp và hỗn độn như hội chợ. Ngay bên ngoài thế giới cổ tích là hiện thực chán chường, một bản nhái đáng thương.

The Florida Project có lẽ là bộ phim bạn sẽ không muốn xem lại lần thứ hai. Dù rằng, những cảm xúc tác phẩm này mang đến là rất mạnh mẽ. Bộ phim mang đến một hiện thực theo đúng nghĩa hiện thực, không phán xét hay châm biếm, về một góc khác của nước Mỹ giàu có. Đoạn kết của phim là một cảnh heart-bearking đúng nghĩa, dù không khó đoán trước. Có lẽ, tình cảnh của mẹ con Harley sẽ khiến nhiều người nhớ đến bộ phim Việt cách đây không lâu Vòng Eo 56. Cuộc đời thật sẽ giống như Florida Project, chứ không phải Vòng Eo. Nó khắc nghiệt đến mức đôi khi không cho con người lựa chọn, hay chỉ được chọn một trong hai: Làm bất cứ điều gì để sống, hoặc chết.

Màn trình diễn của nữ chính Bria Vinaite, trước đó chỉ được biết đến qua phim truyền hình The OA (Hội chứng bí ẩn, 2016), là linh hồn của phim. Chúng ta biết đó là vai diễn tuyệt vời khi nhận ra rằng, mình không hề yêu thích nhân vật Harley. Đôi lúc, ta còn cảm thấy căm ghét Harley, với tính khí điên loạn và sự vô trách nhiệm. Lúc khác, ta lại mủi lòng trước tình yêu cô dành cho con gái. Giới bình luận có một thuật ngữ dùng để chỉ những nhân vật như Harley, là “nhân vật 3 chiều”. Nghĩa là một nhân vật với đầy đủ góc cạnh, lớp lang, dáng hình… như con người thật sự.

Bên cạnh đó, Vinaite còn nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của nam diễn viên kì cựu Wiliem Dafoe. Người xem sẽ hoàn toàn quên mất những nhân vật nổi bật khác trong sự nghiệp Dafoe. Trên màn ảnh chỉ có một ông quản lí Bobby trải đời, đủ để có cả lòng trắc ẩn lẫn sự lạnh lùng khi cần thiết. Ông đã chứng kiến vô vàn số phận như mẹ con Harley trước đây. Ông gắn bó với họ nhưng biết rằng không thể giúp họ. Điều Bobby làm được là đuổi đi một tay quấy phá, thương lượng giảm chút giá phòng, trì hoãn thu tiền…  Nếu nhìn quanh, có thể ta sẽ thấy một “Bobby” ở đâu đó, trong phòng bảo vệ, nhà giữ xe, tiệm ăn, công sở.

Khi ra mắt, The Florida Project có bị chỉ trích đôi chút vì sự khắc nghiệt. Nhiều người nói rằng họ bị ám ảnh bởi các nhân vật, và không thể nhìn vào những nhà nghỉ bên đường với sự vô tư như cũ. Nhưng không phải, giá trị lớn nhất của điện ảnh nói riêng, và nghệ thuật nói chung, là khiến chúng ta quan tâm đến tha nhân hơn? Hiểu về những số phận khác và biết cảm thông hơn? Và Florida Project cũng không chỉ có tàn nhẫn. Dù khốn khó, những nhân vật trong phim đều cố tìm kiếm niềm vui, dù chỉ là bữa ăn ngon hay ngắm pháo bông ngày sinh nhật. Trong một cảnh, Moonee và cô bé bạn thân ngồi trên một cây cổ thụ và nói: “Tớ thích cái cây này, vì dù đã ngã, nó vẫn tiếp tục mọc.” Chúng ta biết rằng bất kể điều gì xảy ra, họ sẽ không bao giờ đầu hàng cuộc sống.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00