The Haunting of Hill House (Chuyện ma ám ngôi nhà họ Hill) là loạt truyền hình kinh dị, nhưng sẽ khiến ta buồn bã nhiều hơn sợ hãi. Một thành tựu của cả Netflix và đạo diễn Mike Flanagan, ở cả mặt sản xuất lẫn chất lượng. Phim mang đến một không gian riêng biệt, ám ảnh, lưu lại trong tâm trí ta rất lâu sau khi tập cuối kết thúc – như một bóng ma lởn vởn.
Sợ hãi là cảm xúc nguyên thủy, có lẽ còn xuất hiện trước cả tình yêu và tiến hóa ngày càng phức tạp theo xã hội loài người. Từ lâu, trong điện ảnh nói chung, thể loại kinh dị đã vượt ra khỏi ranh giới câu khách bằng hù dọa. Đây là địa hạt mà nếu khai thác đủ sâu sắc, như cách nhà văn Stephen King đã làm, có thể khai mở và khám phá những ngóc ngách sâu kín nhất của tâm lý người. “Hiểu được nỗi sợ hãi chính là hiểu bản thân ta,” lời giới thiệu quyển sách Hill House của NXB Penguin.
Hill House được lấy cảm hứng dựa vào quyển sách cùng tên của nữ văn sĩ Shirley Jackson, xuất bản năm 1959. Quyển sách được đánh giá là một trong những tác phẩm viết về ma quỉ hay nhất thế kỉ 20. Chuyện phim có hơi khác với sách, không còn là vị tiến sĩ Montague tìm bằng chứng ma quỉ trong nhà, mà là về các thành viên của gia đình nhà Crain. Phim xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, khi 5 đứa trẻ nhà Hill nay đã trưởng thành, bao gồm anh cả Steve (Michiel Huisman), chị hai Shirley (Elizabeth Reaser), chị ba Theo (Kate Siegel), hai đứa trẻ sinh đôi Luke ( Oliver Jackson-Cohen) và Nell (Victoria Pedretti) buộc phải trở lại ngôi nhà đáng sợ bé thơ bởi một sự kiện bi thương.
Thể loại truyền hình ngày càng đang cho thấy nhiều lợi thế so với điện ảnh. Ranh giới về kĩ thuật đã bị xóa mờ, thời lượng dài hơn cho phép truyền hình khai thác sâu về nhân vật và thử nghiệm các lối kể mới mẻ. Hill House là một minh chứng rõ rệt. Mỗi tập phim được kể theo góc nhìn của từng thành viên nhà Crain, bắt đầu từ anh cả Steve đến cô con gái út Nell, rồi đến ông bố Hugh (Henry Thomas) và mẹ Oliva (Carla Gugino). Người xem có cơ hội hiểu rõ về họ, đến từng chi tiết nhỏ, từng mảnh của bức tranh trước khi được xem tổng thể. Đạo diễn Mike Flanagan tận dụng cấu trúc này cho các thử nghiệm về kĩ thuật, mà đỉnh cao là tập 6 Two Storms (Hai cơn bão). Chúng ta sẽ bắt gặp lại cảm giác choáng ngợp như lúc xem đoạn kết tập 4 Who Goes There (Ai đến đó) của loạt True Detective (Thám tử chân chính, 2014). Chỉ có điều, thay vì 4 phút thần thánh, giờ đây là cả một tập phim.
Tôi thường ngại xem phim truyền hình vì độ dài của chúng. Giờ đây, những mini serie khoảng 10 tập một mùa đang dần trở thành chuẩn mực, phù hợp để theo dõi. Tôi dành một ngày dài ở một tiệm café HD trên đường CMT8, xem hết 10 tập phim, và có một trong những trải nghiệm phim ảnh tuyệt vời nhất. Giống như lần thưởng thức bộ phim dài 6 giờ của Ý The Best of Youth (2003). Trong bốn bức tường, ngập trong hình ảnh và âm thanh, tôi được đưa đến một chiều không gian khác, nơi chốn khác, hoàn toàn chìm đắm trong câu chuyện ma ám nhà Hill.
Hill House hấp dẫn từ những phút đầu tiên cho đến phút cuối cùng, nhưng không phải bởi các màn hù dọa. Không có nhiều cảnh giật gân trong phim (nhưng có thì rất hiệu quả), đạo diễn Mike Flanagan cuốn hút người xem bằng yếu tố tâm lí, tâm linh lồng ghép và đặc biệt, ở không khí ma quái đậm đặc được xây dựng kì công. Flanagan tạo ra ngôi nhà như một thực thể biết “sống, thở và ăn” bằng nhiều kĩ thuật khác nhau. Ở thiết kế ngôi nhà nhiều phòng ốc, ngóc ngách, tưởng như rộng mênh mông với nhiều chi tiết gây ấn tượng thị giác như các bức tượng. Ở việc sắp xếp nhiều con ma ở hậu cảnh, dẫn đến một cuộc “soi ma” trên các diễn đàn. Ở lối dùng màu sắc, ánh sáng phù hợp. Ở các chi tiết rùng rợn điểm xuyết khéo léo… Ngôi nhà Hill trở thành một biểu tượng cho các góc tối trong tâm hồn các thành viên nhà Crain, cả thời ấu thơ lẫn tuổi trưởng thành, giống như hình ảnh mê cung trong đoạn giới thiệu đầu phim.
Ngôi nhà ma ám là chủ đề không mới, có lẽ đã dùng cả tỉ lần trong phim kinh dị. Nhưng chính vì thế, Flanagan làm được điều khó khăn, là tách biệt nhà Hill ra khỏi các ngôi nhà trước đó. Không phải bằng cách cho thấy ngôi nhà đáng sợ thế nào, mà là cách nó tác động đến cuộc đời những người sống trong đó ra sao. Ngôi nhà không “ăn” các thành viên như nuốt từ bên ngoài vào trong, mà từ bên trong ra ngoài. Nó gặm nhấm từng người theo cách riêng, biến những đứa trẻ trong veo, tốt đẹp, thành những con người đau khổ và phần nào đó, xấu xa. Steve từ một cậu anh trai trách nhiệm, quan tâm mọi người, thành một gã thờ ơ và lợi dụng. Shirley chân thật và giàu yêu thương thành giả dối. Theo mạnh mẽ trở nên sợ hãi và giấu mình. Luke và Nell là hai người chịu nhiều bi kịch nhất, mất đi cả tương lai. Đặc biệt là Nell, với một cú twist không mới nhưng không nhiều người đoán ra ở tập 5.
Không một tác phẩm kinh dị nào thành công nếu chỉ đơn thuần là kinh dị. Sức thuyết phục của Hill House nằm ở việc lồng ghép các thông điệp về nguy cơ các bệnh tâm lý, như trầm cảm và tự hại, hủy hoại hạnh phúc gia đình. Khi bỏ hết lớp áo kì bí, quá khứ ma ám, ngôi nhà Hill có thể là bất kì ngôi nhà nào có người thân tự tử. Sự ám ảnh ở đây chính là nỗi đau sẽ theo những đứa trẻ suốt cuộc đời, hủy hoại chúng và cả người thân của chúng sau này. Gần như tất cả những ai gắn bó với đám trẻ nhà Crain đều chịu bất hạnh tương tự, như vợ của Steve, chồng của Shirley, bạn gái của Theo, chồng của Nell. Kể cả cô bạn gái của Luke – lòng tốt của anh đã làm hại cô. Đó là lí do vì sao tự tự là một tội, thậm chí là tội rất nặng, trong Phật giáo. Bởi tác động của nó không chỉ dừng lại ở bản thân người tự tử.
Nếu trái tim, hay dạ dày của ngôi nhà là căn phòng đỏ, thì trái tim của bộ phim này là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi dành cho khán giả chỉ là một phần nhỏ, bởi phim không theo trường phái giật gân, hù dọa. Tất nhiên, phim vẫn gây ám ảnh ở hình tượng Quí cô gãy cô hay Ông già lơ lửng, nhưng sẽ dần mất đi trong tâm trí, khi chất tâm lí bắt đầu tỏa sáng. Cái hay của Hill House là lột tả được những nỗi sợ mơ hồ, khó gọi tên, khiến nó hiện hình. Nỗi sợ bản năng từ tình yêu thương người mẹ dành cho con cái, muốn bảo vệ chúng trước thế giới tàn khốc nhưng bất lực. Nỗi sợ xuất phát từ nỗi cô đơn của mỗi đứa trẻ, vốn yếu đuối và nhỏ nhoi. “Người ta không nhớ rằng làm một đứa trẻ thì cô đơn đến thế nào,” Clem từng nói trong Eternal Sunshine. Ngôi nhà Hill là con quái vật sống nhờ gặm nhấm nỗi cô đơn. Và nỗi sợ hãi về việc phải lớn lên, mất đi sự ngây thơ quí giá để rồi lấm bẩn bụi trần.
Dàn diễn viên trong phim đồng đều, mỗi người đều có khoảnh khắc riêng để tỏa sáng. Mỗi người đều có một màu sắc để chúng ta phải nhớ đến, tất nhiên, nhờ vào phần kịch bản dày dặn về chi tiết và đào sâu được tâm lý. Truyền hình có lợi thế về dung lượng, nhờ đó diễn viên có không gian để hoàn thiện cho nhân vật, che lấp được các điểm yếu nếu có. Vì thế, ta thấy dường như diễn viên truyền hình diễn tốt hơn điện ảnh – vốn đòi hỏi sự sắc ngọt và cô đọng hơn. Nếu phải chọn ra khoảnh khắc diễn xuất ấn tượng nhất, với tôi đó là Theo của Kate Siegel ở tập 8 Witness Marks. Một trường đoạn hoàn hảo, chuyển từ kinh dị sang tâm lý mượt mà, kết lại với màn monologue lấy nước mắt của Siegel. Ngoài ra, phải có lời khen cho tất cả ở tập 6, bởi sẽ chẳng thể nào hoàn thành nổi nếu chỉ cần một người yếu kém thôi, ở cả dàn người lớn lẫn trẻ em.
Dù vậy, Hill House vẫn chưa phải làm phim đạt điểm 10 tuyệt đối, bởi có một đoạn kết chưa xứng tầm. Dù biết rằng đây là thể loại trọng hành trình hơn kết thúc, nhưng lựa chọn của Mike Flanagan có phần dễ dãi. Khi mở đầu tập với hé lộ về bí mật ngôi nhà đỏ, tôi đã thật sự kinh ngạc, bởi nghĩ rằng bí ẩn sẽ liên quan đến khoa học, thay vì tâm linh đơn thuần. Hill House sử dụng khá nhiều yếu tố khoa học, như điểm kì dị về không gian và sự hội tụ thời gian – thời gian theo góc nhìn khoa học là một điểm, không phải đường thẳng. Thế nhưng cuối cùng, tập 10 Silence Lay Steadily lại chỉ toàn những đoạn đối thoại giải thích, thay vì chi tiết, và có chút ủy mị, dễ chịu. Flanagan từng úp mở về một đoạn kết bi thương đã bị loại đi, và tôi thật sự muốn biết nó là gì, hơn là đoạn kết hiện tại vốn biến nhà Hill thành thiên đường thay vì địa ngục. Bởi nếu lộ ra, hẳn cả thế giới sẽ muốn đổ về đó, với người mình yêu thương nhất vào cuối đời.
The Hauting of Hill House vẫn là một thành tựu đáng nhớ ở thể loại truyền hình nói chung, và kinh dị nói riêng. Một tác phẩm khiến người xem bỏ quên cuộc sống thật, để chìm vào không gian huyền hoặc của ngôi nhà ma ám. Cùng với ngôi nhà mô hình trong Hereditary, Hill House sẽ là một trong hai ngôi nhà đáng sợ nhất màn ảnh năm 2018. Nhưng khoảnh khắc cả hai bộ phim khiến khán giả giật mình nhất, lại không nằm trên màn ảnh, mà khi phim đã kết thúc và họ tự hỏi: Liệu có ai thân thiết xung quanh mình đang cần được lắng nghe?