The Little Prince có được phần hoạt họa theo phong cách stop-motion rất đẹp, dùng để kể lại câu chuyện gốc trong quyển sách của Saint Exupéry. Nó đánh đổ sự nghi ngờ trong tôi rằng, sẽ chẳng có hình thức nào đủ sức để truyền tải không gian kỳ diệu được tạo ra bằng câu chữ của nhà văn/phi công người Pháp, người đã viết tác phẩm nổi tiếng này vào năm 1943.
Tôi thật sự ước rằng, đạo diễn Mark Osborne chỉ đơn giản là chuyển thể Hoàng Tử Bé bằng chất liệu hình ảnh ấy. Dù là một phim ngắn hay cực ngắn, hay một clip âm nhạc, sẽ tuyệt biết bao nhiêu.
Nhưng ở đây, trong một bộ phim Pháp lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển Pháp, lại được thực hiện bởi dàn đạo diễn, biên kịch, diễn viên gần như đều là người Mỹ (trừ Marion Cotillard), thứ lẽ ra phải là điều kỳ diệu bỗng trở thành niềm an ủi. Với tôi, The Little Prince là một sản phẩm công nghiệp dán mác Hollywood, chứ không phải một tác phẩm chạm đến trái tim và sâu sắc như chờ đợi. Nó đi trật khỏi tinh thần chung của câu chuyện, tránh né những thử thách, và có lẽ, sẽ thất bại trong việc lôi kéo cả khán giả cũ lẫn mới.
Với cốt truyện gốc rất khó để kéo dài 90 phút, bộ đôi biên kịch Irena Brignull và Bob Persichetti đã lồng ghép vào câu chuyện về một cô bé thời hiện đại. Chúng ta không biết tên cô, cũng như không biết tên của Hoàng Tử Bé. Mở đầu phim, cô và mẹ đăng ký tham dự kỳ thi vào trường điểm Werth Academy. Không may trượt vòng đầu, mẹ cô quyết định chuyến đến ngôi nhà trong thành phố, và sắp xếp kế hoạch chi tiết để đảm bảo cô được nhận vào học. Ở đó, cô bé gặp gỡ và kết bạn với ông lão lập dị, người luôn muốn sửa chiếc máy bay cũ kỹ vì lý do nào đó. Ông chính là người Phi Công đã về già, và bắt đầu kể cô nghe chuyện về Hoàng Tử.
The Little Prince mang đến sự bấp bênh ngay từ những cảnh đầu. Cô bé tham gia vòng vấn đáp, và khi bị hỏi một câu nằm ngoài sự chuẩn bị, cô trả lời theo một cách máy móc. Luôn phải có một giới hạn cho sự cường điệu, dù là phim hoạt hình, và ngay ở bước chân đầu tiên, Osborne đã đạp đổ nó. Tiếp sau đó, chúng ta thấy “bảng kế hoạch” từng li từng tí của người mẹ, những ngôi nhà giống nhau, xe cộ giống nhau, những nhân viên giống nhau, và sự chân thật bắt đầu biến mất khỏi không khí.
Các nhà biên kịch đã nhặt nhạnh từ quyển sách của Exupéry ra những chi tiết, nhân vật, và cố gắng xây dựng nên một câu chuyện mới từ các vật liệu ấy. Những nhân vật quen thuộc và đậm tính mỉa mai như Vì Vua, Ông Hợm Hĩnh, Nhà Buôn được đóng những vai trò mới. Những vì sao cũng thế. Còn cốt lõi, thông điệp chính được tập trung ở chữ “essential” (điều cốt yếu), trong lời thoại của Con Cáo đã đi vào trái tim nhiều thế hệ: “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim, đôi mắt thường mù lòa trước điều cốt yếu.”
Điều cốt yếu, đơn giản là tình yêu. Ở bộ phim này, thứ “cốt yếu” được dùng suốt cả bộ phim trong câu thoại: “Tôi là người cốt yếu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cách ngớ ngẩn, như một hình dung đáng sợ về thế giới người lớn. Là nơi con người bị biến thành những cái máy vô cảm, lãng quên quá khứ, chết dí trong các văn phòng, để làm những công việc nhàm chán giống nhau. Cơn ác mộng trưởng thành của những đứa trẻ. Không phải là thông điệp tồi, nhưng chỉ khi được thể hiện một cách thuyết phục. Sự cường điệu quá đà khiến bộ phim trở nên quá khó hiểu với trẻ em, và quá giả tạo đối với người lớn.
The Little Prince thiếu đi sự thâm trầm và chất lãng mạn lẽ ra phải có, tôi nghĩ thế, nếu trao vào tay một đạo diễn Pháp thực thụ. Nó được khơi gợi đôi chút ở phần hoạt họa bằng stop-motion đẹp đẽ kia. Rồi khi trở lại đồ họa 3D đậm chất Hollywood, mọi thứ trở nên nhạt nhẽo vô hồn. Trường đoạn cuối phim là đáng thất vọng nhất, khi nội dung bỗng chuyển hướng thành hành động thị trường kiểu Mỹ, để hấp dẫn trẻ em. Họ lại cho chúng ta gặp lại Hoàng Tử, với hình tượng như bước ra từ một phim Disney, hài hước thô tục. Họ xóa đi sự màu nhiệm và bí ẩn của Hoàng Tử để phù hợp với chuyến giải cứu cháy nổ. Và khi phải so sánh, ngay trong phạm vi bộ phim, chân dung Hoàng Tử với đồ họa vi tính tầm thường biết bao nhiêu so với những hình ảnh cắt dán bằng giấy màu trước đó.
Tôi có cảm giác rằng những người biên kịch không hiểu, và không yêu Hoàng Tử Bé. Họ không hiểu rằng điều khiến câu chuyện gốc sống mãi là việc giấu đi các câu trả lời. Giấu đi những tiếng cười giữa các vì sao. Giấu đi giếng nước giữa sa mạc khô cằn. Giấu đi những thứ cốt yếu bởi vì nó là vô hình, không thể nhìn thấy, cũng như câu trả lời số phận Hoàng Tử và Đóa Hồng. Không ai trong chúng ta muốn một câu trả lời, nếu chúng ta thật sự hiểu và yêu Hoàng Tử Bé.
Tôi có xúc động ở một vài cảnh, nhưng hoàn toàn không phải do bộ phim. Chỉ việc tự thân nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc, gắn bó ấy, một phần tâm hồn tôi trên màn ảnh, là đã đủ. Có lẽ nhiều người khác cũng cảm thấy tương tự. Và việc làm ra một phim Hoàng Tử Bé, xuất sắc dường như không thể, nhưng để chạm vào trái tim có lẽ không phải quá khó. Có lẽ dễ dàng là khác, chỉ cần đôi chút tinh tế, thứ không được thể hiện trong Little Prince. Tôi sẽ dễ dàng khóc nếu cảnh chia tay đóa hồng kéo dài vài giây phút, để Hoàng Tử có thể vét đáy những ngọn núi lửa, và đóa hồng giơ ra vài cái gai nhọn của nàng. Đó mới là cốt yếu. Tôi sẽ dễ dàng khóc nếu hình ảnh Hoàng Tử tan biến giữa sa mạc kéo dài vài giây phút, để những dư ảnh còn đọng lại. Đó mới là cốt yếu. Sẽ không tốn nhiều công sức. Nhưng mọi thứ lại trôi qua quá vội vã, như thể để giải thích nhanh chóng làm nền cho trường đoạn phía sau.
Osborne hình như không biết nên làm gì với bộ phim của ông. Bởi Hoàng Tử Bé không phải là truyện dành cho trẻ em, mà là cho “những người lớn từng là trẻ em”. Lẽ ra ông phải chọn khán giả mục tiêu là họ. Còn áp đặt vào một phim phiêu lưu theo công thức chiều lòng các gia đình, nó thất bại. Bởi cốt lõi của Hoàng Tử Bé, những chân lý giản dị mang tính phổ quát và bản chất về tình cảm con người, là không hợp với thể loại giải trí thông thường. Dĩ nhiên không cần đến cả một vai phản diện cũ mòn và sáo rỗng. Câu chuyện thật về cô bé và ông lão phi công không quá tệ, nhưng sẽ chẳng đọng lại tâm trí lâu hơn mấy chút, bởi giống như bất kỳ tay kịch bản trên phố nào cũng có thể viết nên. Như thể phần việc đáng kể nhất là tìm cách lồng ghép những lời thoại từ quyển sách vào nội dung.
Điều đáng ngạc nhiên là The Little Prince qui tụ được dàn diễn viên ngôi sao cho vai trò lồng tiếng. Ngoài Marion Cotilard là người Pháp (có lẽ góp mặt để đảm bảo phim vẫn giữ được quốc gia là Pháp), đến từ nước Mỹ là Jeff Bridges, Rachel McAdam, Paul Rudd, James Franco, Benicio Del Toro (rất ấn tượng trong Sicario vừa rồi), Bud Cort (là Harold trong Harold và Maude phim năm 1971, tôi vừa xem lại cách đây ít ngày), Paul Giamatti (Sideway năm 2004), Albert Brooks (từ Drive năm 2011), và cô bé của Interstellar Mackenzie Foy. Có lẽ họ ít nhiều đều yêu mến quyển sách của Saint Exupéry, và muốn trở thành một phần của nó.
Tiếc rằng The Little Prince chỉ là một bộ phim Mỹ đội lốt phim Pháp, một phim hoạt hình tiêu chuẩn Hollywood đội lốt Hoàng Tử Bé. Âm nhạc trong phim, điều quan trọng bậc nhất, cũng không mang đến được sự huyền bí hoặc không khí phù hợp, hay đáng nhớ. Và tôi đã ngạc nhiên khi biết là do Hans Zimmer soạn – rõ ràng lạc quẻ với sở trường của ông. Không có chút dấu ấn nào để người ta có thể nhận ra Hans Zimmer. Vấn đề có lẽ nằm ở đó, mọi thứ đều lạc nhịp với nhau, ngược hẳn với nhau, như những nền văn hóa xa lạ ở những tinh cầu xa lạ không thể hòa hợp. Cuối cùng trở thành thứ trái ngược hoàn toàn với tinh thần của Hoàng Tử Bé, chỉ có những thứ nhìn thấy được, mà không có những điều vô hình cốt lõi. Chỉ có lớp vỏ, mà không có linh hồn.