Trang chủ Năm Phát Hành1984 THE NEVERENDING STORY

THE NEVERENDING STORY

bởi
1.1K lượt xem
A+A-
Reset

35 năm trôi qua kể từ khi cậu bé Bastian mở cuốn sách ma thuật trong The Neverending Story (Chuyện dài bất tận, 1984). Và thời gian chính là phép thử tốt nhất cho chất lượng của tác phẩm nghệ thuật.

“Quyển sách này không an toàn với trẻ con đâu,” ông chủ tiệm sách nói với Bastian (Barrett Oliver). Đó là một cậu bé u sầu, thường trốn vào tiệm sách mỗi khi bị lũ bạn bắt nạt. Mẹ cậu mất sớm, còn ông bố ham công tiếc việc thờ ơ với con trai. Ông không hiểu vì sao cậu bé mãi vẫn chưa vượt qua nỗi đau mất mẹ. Bastian tìm thấy một quyển sách cũ thật đẹp trong tiệm, và bất chấp lời cảnh báo, trộm nó về nhà.

Phim là hai câu chuyện thật và ảo đan xen. Trong sách, hiệp sĩ Atreyu (Noah Hathaway) để cứu lấy vương quốc Tưởng Tượng. Một mô típ quen thuộc của thể loại kì ảo thập niên 80, 90. Nhiệm vụ của Atreyu là tìm phương thuốc cho Nữ Thiếu Hoàng (Tami Stronach), vốn đang bị bệnh nặng và mất đi tên mình. Trong lúc đó, con quái vật Hư Không đang nuốt chửng mọi thứ của vương quốc. Atreyu phải vượt qua Tháp Ngà Voi, Đầm Lầy U Sầu… trải qua thử thách và mất mát, để chiến thắng. Còn ngoài đời thật, Bastian phải học cách đứng lên từ nỗi đau, tìm thấy lòng dũng cảm để trưởng thành.

Chuyển thể từ quyển sách thiếu nhi cùng tên của Michael Ende, The Neverending Story chính là “bom tấn” đầu tiên của châu Âu lúc bấy giờ. Kinh phí phim lên đến 27 triệu đôla, cao nhất trong các khu vực ngoài Mĩ và Liên Xô. Một canh bạc của nhà làm phim Đức Peter Wolfgang, dù quyển sách trước đó được yêu mến rộng rãi. Nhiều người cho rằng chủ đề cái chết và trầm cảm của phim quá bi lụy, u ám, nặng nề so với khán giả phổ thông.

Sau 35 năm, The Neverending Story vẫn đứng vững trước thử thách thời gian. Phần hình ảnh tuyệt đẹp theo chủ nghĩa hiện thực của Wolfgang, sử dụng hóa trang và hình nhân, không hề bị lỗi thời. Kể cả khi phim trình chiếu dưới định dạng cao ở hiện tại. Các nhân vật như Phúc Long Falkor, ma sói Gmork, rùa khổng lồ Morla… hiện diện ở ba chiều, sống động, có chiều sâu tương tự như các nhân vật người. Những đứa trẻ từng kinh ngạc thấy chúng ngày bé thơ chắc chắn vẫn sẽ sửng sốt khi xem lại.

Phần thiết kế được đầu tư khiến vương quốc Tưởng Tượng không giống bất kì thế giới nào khác. Mọi thứ từ cảnh trí đến trang trí đều đặc trưng, đòi hỏi rất nhiều óc tưởng tượng. Peter Wolfgang là một người kĩ tính và độc đoán, ưa thích chi tiết trong các không gian hẹp. Tác phẩm kinh điển trước đó Das Boot (Trận chiến tàu ngầm, 1981) là một ví dụ. Nhưng thay vì mang đến không khí thần tiên, rực rỡ sắc màu, Wolfgang quyết định thiết kế theo lối Gothic đen tối, phù hợp với chủ đề phim. Điều này từng bị chỉ trích ít nhiều khi phim ra mắt, thậm chí nhiều người lo ngại tác động xấu đến tâm lí trẻ em.

Nhưng nhờ đó, mỗi vùng đất trong phim trở thành một thế giới nhỏ đáng nhớ. Mỗi “màn chơi” mà hiệp sĩ Atreyu chinh phục đều là duy nhất, không lặp lại, ngay cả đến hiện tại. Thế giới tưởng tượng chính là tiềm thức của Bastian. Ngày nay, khi kiến thức về tâm lí được nâng cao, chúng ta biết rằng tâm trí những đứa trẻ có thể phức tạp đến thế nào. Nỗi đau thiếu thời nếu bị thờ ơ sẽ dẫn đến các nhân cách lệch lạc. 35 năm trước, Wolfgang đã mang đến một hình dung về điều này. Một chuyến đi vào các tầng tiềm thức của một đứa trẻ.

Có một thời, phim kì ảo về các thế giới trong trang sách tràn ngập màn ảnh rộng. Trong hầu hết trường hợp, nhân vật chính sẽ là người bước qua vùng đất mới, tự mình khám phá. Đó là cách tốt nhất để mang đến cảm giác nhập vai cho khán giả. The Neverending Story ngược lại, kể hai câu chuyện thực và ảo song song. Bastian ở thế giới thật, mở từng trang sách, trong lớp học hay tầng áp mái, từ đó câu chuyện mở ra. Điều này kích thích trí tưởng tượng của người xem, đồng thời tạo ra hiệu quả lớn nhất: Phản chiếu thế giới ảo vào thế giới thật.

Khác với chất phiêu lưu từ quyển sách gốc, Wolfgang in đậm dấu ấn hiện sinh của mình vào bộ phim. Mỗi chi tiết khi chuyển lên màn ảnh đều trở thành một ẩn dụ. Atreyu mất đi chú ngựa yêu quí ở Đầm Lầy U Sầu, giống như Bastian mất đi người mẹ. Hư Không gặm nhấm mọi thứ như con quái vật trầm cảm hủy hoại tâm hồn. Nữ Thiếu Hoàng là một hoàng hậu không tên, đại diện cho một đứa trẻ mất đi nhân cách ngay từ khi chưa kịp định hình… Trưởng thành không phải tìm thấy bản thân, mà là tạo ra bản thân. Nhưng nếu những mảnh ghép tuổi thơ bị nứt vỡ bởi mất mát? Đó là lúc Bastin phải tái tạo lại chính mình.

Trong phim, quá trình tái tạo này bao gồm nhiều giai đoạn. Giống như Atreyu, Bastian phải học cách chấp nhận cái chết, tìm cách kết bạn, và từng chút một ghép lại tâm hồn mình. Một trong những điểm hay nhất của phim chính là kết thúc. Một kết thúc lở dỡ, bởi chỉ mới chạm một nửa nội dung quyển sách: Vương quốc Tưởng Tượng bị phá nát, chỉ còn một mảnh nhỏ trôi nổi giữa hư vô. Những đứa trẻ phải tiếp tục phục hồi chúng. Nhưng đó chính là kết thúc đẹp nhất. Không có cuộc chiến nào không phải trả giá, những tổn thương không thể phục hồi như chưa từng xảy ra. Nhưng rồi mọi thứ sẽ ổn, vì chàng hiệp sĩ đã tìm thấy hi vọng. Rồi từ đó là một cái tên. Một con người mới. Sự tái sinh.

The Neverending Story, như các tác phẩm kinh điển khác, là hiện tượng chỉ xảy ra một lần. Giống như Hoàng tử bé của Saint Exupéry rong văn học. Thành công vang dội của phim đã thúc đẩy hai phần kế tiếp The Next Chapter (Chương kế tiếp, 1990) và Escape from Fantasia (Thoát khỏi vùng đất Tưởng Tượng, 1994) nhưng đều rơi vào quên lãng. Điều đó không có nghĩa câu chuyện này đã kết thúc. Có một chi tiết tuyệt vời được Wolfgang lồng ghép vào cuối phim: Atreyu nhìn thấy một bức tranh của chính mình trên vách đá, như một lời tiên tri. Có lẽ cậu đã thực hiện chuyến phiêu lưu này vô số lần, đến vĩnh viễn. Sống và trưởng thành chính là một câu chuyện dài bất tận.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00