THE NUN

bởi
490 lượt xem
A+A-
Reset

Khi thưởng thức The Nun (Ác quỉ ma sơ), tôi không rõ đang xem một phim kinh dị thuộc vũ trụ The Conjuring, hay một show trình diễn thời trang. Valak, con quỉ khá ấn tượng ở các phần trước (đủ để có phim riêng), xuất hiện như thể vedette của cả show: Âm nhạc đặc trưng vang lên, góc máy xoay tròn tập trung, và ả ta cũng đứng tạo dáng rất điệu đà. Thật ra, không phải là “ả”, vì Valak là một con quỉ.

The Nun được cho là kể về nguồn gốc của con quỉ nổi tiếng này. Cùng với Annabelle, Valak đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, thường là gây hài. Thành công của loạt The Conjuring là tạo ra được sức hút cho các nhân vật ma quái vô danh trước đó. Một kiểu DC của dòng kinh dị, nghĩa là xuất hiện trong phim “tập hợp” trước, rồi mới ra phim riêng. Nếu thành công, dĩ nhiên, người ta có thể bôi thêm ra thành loạt phim.

Phim lấy thời điểm năm 1952, bối cảnh ở một tu viện hẻo lánh nằm giữa rừng rậm Rumani. Một cha xứ trừ tà của giáo hội là Cha Burke (Demián Bichir) được cử đến điều tra vụ tự tử của một nữ tu trẻ. Ông nhờ đến sự giúp đỡ của sơ Irene (Taissa Farmiga), người chưa lập lời thề ước chính thức, và một nông dân địa phương “Canada lai Pháp” Frenchie (Jonas Bloquet). Tất nhiên, chờ đợi họ trong tu viện là ác quỉ nổi tiếng đang tìm cách thoát ra khỏi phong ấn từ xa xưa.

Tất nhiên, đạo diễn Corin Hardy không quên nhắc nhở người xem ngay từ đầu về The Conjuring, một cách vụng về. Nhưng đó là tất cả những gì liên quan đến loạt phim lừng lẫy do James Wan khởi đầu. Phần còn lại của phim giống như một dự án nghiệp dư, nhỏ lẻ, đầy ắp các cảnh jumpscare cũ kĩ và một cốt truyện có như không có.

Một kịch bản như The Nun chẳng tốn nhiều hơn một hay hai tuần để viết, bởi không có chút sáng tạo nào. Về mặt hù dọa, đã bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy hộp nhạc, chiếc thánh giá quay ngược và hình ảnh phản chiếu trong gương, từ loạt Conjuring? Thậm chí trong cùng một phim, số lần chi tiết lặp đi lặp lại nhiều không đếm xuể, theo một công thức chung. Như đã nói, bộ phim giống như một show trình diễn thời trang, các sơ trong tu viện là diễn mở đầu, trước khi Valak bung lụa xuất hiện. Chúng ta biết một phim kinh dị tồi khi cảm thấy sự sắp đặt lộ liễu, và gây nhiều cười hơn là sợ hãi. Valak giống như một cô gái nôn nao muốn ra ôm hôn các vị khách ngay, nhưng chưa được vì phải chờ đến lúc.

Các trò hùa dọa, và các nhân vật ma quái còn lại, không tuân theo bất kì lớp nền văn hóa hay tôn giáo, hay qui tắc nào cả. Điều khiến chúng ta tin vào những con quỉ, là việc nó vẫn phải chơi theo luật. Giống như Hereditary, bộ phim kinh dị tuyệt vời gần đây, Paimon làm suy yếu tinh thần gia đình Graham bằng ảo giác. Valak trong The Nun thì không có luật lệ gì cả. Đôi lúc, tôi có cảm giác như một xem zombie xác sống hơn là kinh dị tâm linh.

Một trong những thành công của James Wan là đưa được chất hài hước vào dòng ma quái. Như nhân vật tay cảnh sát trưởng nhát gan trong The Conjuring chẳng hạn. Khán giả có thời gian nghỉ ngơi, cười đùa, giữa các màn hù dọa. Giờ đây, ta thấy điều này giống như một kì công, khi xem nhân vật Frenchie cố gắng tấu hài trong The Nun bằng ánh mắt sở khanh và các câu đùa vô duyên. Xây dựng nhân vật trong bộ phim này là cực kì tệ. Cha Burke với quá khứ ám ảnh, khi từng không cứu được một cậu bé, nhưng rồi sao nữa? Ông ta có suy nghĩ gì về công việc của mình và lựa chọn tiếp như thế nào? Ông ta có thấy mất niềm tin vào Chúa trời, sau bao trải nghiệm bi thương? Không ai biết. Sơ Irene xuất hiện lần đầu khi chơi trò mô hình với những đứa trẻ, và tỏ ra có tư tưởng tự do, không lệ thuộc vào những điều được dạy. Điều này có ảnh hưởng gì đến việc lập lời thề của cô? Phần còn lại của bộ phim không hề khai thác về mặt tâm lý hay thậm chí tình cảm.

Nhân vật chính của bộ phim này, như tựa đề, là “ác quỉ ma sơ”. Nhưng trừ việc làm màu ra, Valak chẳng khiến chúng ta hiểu rõ thêm về hắn hay ít nhất là có chút thú vị nào. Ok, một con quỉ cổ đại được một công tước gọi về. Nhưng ít nhất, tay công tước phải có một mục đích nào đó. Biên kịch còn không thèm nghĩ xem hắn ấy là ai, từng trải qua điều gì, thuộc giáo phái thờ quỉ nào chẳng hạn. Valak chẳng khác gì một thứ mô hình vô hồn, dù là hồn quỉ. Nếu so sánh, Annabelle: Creation làm tốt hơn rất nhiều, bởi xuất phát từ tình yêu của đôi vợ chồng dành cho cô con gái đã mất. Ác quỉ luôn lợi dụng nỗi đau của con người. Valak thì trống rỗng.

The Nun có lẽ là minh chứng cho việc vũ trụ kinh dị The Conjuring có thể thảm hại thế nào khi rời khỏi tay James Wan. Một phần ngoại truyện, dựa trên sức hút nhân vật có sẵn, được làm qua loa để vắt sữa khán giả. Có lẽ nó vẫn sẽ hốt bạc phòng vé, và đó là điều đáng buồn, bởi sẽ cổ vũ cho cái vũ trụ độc đáo này đi vào ngõ cụt. Không phải The Nun không thể làm được hay hơn, bởi có một lớp nền khá ổn, nhưng có lẽ chẳng ai muốn làm nó hay hơn. Vì sao phải tốn công tốn sức, khi chỉ cần nghe cái tên Valak, khán giả đã sẵn sàng kéo ra rạp?

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00