Trong phim ảnh nói riêng và mọi câu chuyện nói chung, chúng ta đứng về phía thiện và chống lại cái ác. Bởi hướng về chân-thiện-mỹ là thiên hướng của con người văn minh. Nhưng nếu có tác phẩm nào khiến ta đứng về phía ác quỉ, dù vẫn nhận thức tội ác của hắn, đó hẳn phải là một ác quỉ rất đặc biệt. Ví dụ như The Talented Mr. Ripley.
Từ trước đến nay, người hùng luôn là nhân vật chính trong các loạt phim. Ác nhân thường chỉ tồn tại được một tập phim, bởi sẽ bị tiêu diệt vào cuối tập phim đó. Nhưng loạt phim chuyển thể về Tom Ripley, nhân vật chính từ bộ tiểu thuyết xuất bản lần đầu năm 1955 của Patricia Highsmith, mang đến điều ngược lại. 3 bộ phim chuyển thể trải dài từ năm 1960 đến 2005, đều có cùng kịch bản kẻ sát nhân Ripley tẩu thoát thành công.
Điều lạ lùng là khán giả vẫn thích thú theo dõi cốt truyện có phần ngược đời này. Sức hút của cả quyển sách và loạt phim nằm ở tính cách độc đáo của nhân vật chính Ripley. Một ác quỉ dễ mến. Một kẻ có nhiều tài năng, và làm được gần như mọi thứ, trừ việc trở thành chính mình. Một hình mẫu khiến các khái niệm đạo đức hay chính diện/phản diện không còn phù hợp. Giống như bác sĩ Hannibal Lecter trong The Silence of the Lambs (Sự im lặng của bầy cừu, 1991), Ripley là kiểu nhân vật khác biệt hẳn so với phần còn lại.
The Talented Mr. Ripley, được đạo diễn Anthony Minghella chuyển thể từ quyển tiểu thuyết đầu tiên, là xuất sắc hơn cả. Kể lại vụ sát nhân đầu tiên của Ripley, bộ phim giống như một câu chuyện “trưởng thành” của ác nhân này. Đây là phim khắc họa và đào sâu nhất bóng tối trong con người Ripley. Nhưng vượt trội và tạo nên tính độc lập cho phim, chính là chủ đề đồng tính được lồng ghép chân thật, tinh tế và ám ảnh. Đó là lí do Mr. Ripley được nhiều trang uy tín xếp vào hàng phim đồng tính hay nhất mọi thời đại.
Phim mở đầu bằng cảnh Tom Ripley (Matt Damon) đàn piano điệu nghệ ở sảnh đường. Đó là “tài năng” lớn nhất của anh ta: Trở thành một người khác. Bởi Ripley không phải là nghệ sĩ như tự giới thiệu, mà chỉ là một thanh niên nghèo làm đủ nghề kiếm sống. Tài mạo danh này khiến một chủ hãng tàu nhận nhầm gã từng học ở Princeton và quen biết con trai ông ta là Dickie (Jude Law). Cậu công tử này đang ăn chơi lêu lổng ở Ý với hôn thê Sherwood (Gwyneth Paltrow), không có ý định trở về. Ông nhờ Ripley sang châu Âu một chuyến để thuyết phục Dickie về nước. Đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời ông.
Ở bề mặt, Mr. Ripley kể lại hành trình tẩu thoát của một kẻ sát nhân. Bị hớp hồn bởi cuộc sống vương giả của Dickie, Ripley giết chết anh ta trong một chuyến đi chơi thuyền, rồi từ đó, trở thành chính Dickie. Sử dụng khả năng giả giọng nói và chữ kí, tài ứng biến, và trên tất cả là sự tàn nhẫn, Ripley luồn lách giữa cuộc điều tra của cảnh sát cũng như sự nghi ngờ của bạn bè Dickie, cố gắng ngụy tạo một vụ tự tử. Trong lúc đó, gã tận hưởng một cách tội nghiệp những thú vui thượng lưu từ tiền của Dickie.
Sức hấp dẫn của Mr. Ripley đến từ kịch bản kiểu “mèo vờn chuột” thông minh: Rất nhiều lần Ripley gần như bại lộ, nhưng cuối cùng đều thoát trong gang tấc. Điều lạ lùng là, người xem sẽ lo lắng cho kẻ thủ ác, không phải nạn nhân. Đó là nhờ vào chiều sâu nhân vật. Matt Damon luôn nói rằng Ripley là vai diễn yêu thích nhất trong sự nghiệp. Nhiều người khác tin rằng đây là vai diễn hay nhất của anh. Ripley là nhân vật phức tạp, và Damon dệt nên sự phức tạp ấy bằng rất nhiều lớp lang tâm lí. Ở Ripley có sự ngây ngô và niềm khát khao thuần khiết với sự giàu có, có những phút yếu lòng sa ngã rất con người, và cuối cùng là sự độc ác mang tính bản năng do thiếu giáo dục. Damon thể hiện các góc cạnh sâu kín bằng những tíc tắc, như một cử chỉ hay ánh mắt, nhưng thật đến mức khiến ta lạnh sống lưng.
Ở bề sâu, Mr. Ripley là một hành trình tha hóa, nhưng xảy ra trong một thế giới đầy rẫy tha hóa. Sự lạnh lẽo của bộ phim không chỉ nằm ở các hành vi của Ripley, mà còn đến từ các nhân vật xung quanh. Jude Law vào vai Dickie, một công tử ăn chơi, sẵn sàng kết bạn rồi ruồng bỏ người khác không đắn đo. Lí do ta có thể thông cảm cho tội ác của Ripley là ở đó: Gã cũng là nạn nhân của Dickie. Vị hôn thê Sherwood thì si tình đến mức khờ khạo. Có một nữ doanh nhân do Cate Blanchett thủ vai, đại diện cho những cô gái chạy theo phù hoa. Cũng như một ông bố sẵn sàng làm tất cả để che giấu tội lỗi con trai… Ripley có thể thoát tội, không phải chỉ nhờ “tài năng” của mình, mà còn nhờ góc tối của những người quanh gã.
Mr. Ripley, dù vậy, vẫn có hai nhân vật đáng quan tâm. Đầu tiên là Freddie, một người bạn giàu có khác của Dickie, do Phillip Seymour Hoffman thủ vai. Ai đó từng nói rằng Hoffman giống như “cây kem Mỹ, to và dày”. Dĩ nhiên không phải chỉ bề ngoài của ông, mà ở lối diễn đầy đặn, dù vai phụ hay vai chính. Xuất hiện không nhiều, nhưng Freddie rất sống động. Ông ta là người duy nhất nhìn thấu tâm can Ripley, biết rõ gã là loại người gì, và tỏ ra khinh miệt mọi lúc. Freddie cũng có nỗi niềm riêng. “Giá như tôi được thế chỗ anh,” ông nói với Ripley về việc được sống bên cạnh Dickie.
Trong tiểu thuyết, giới tính của Tom Ripley không được hé lộ rõ ràng. Nhưng với Mr. Ripley, đạo diễn Minghella quyết định chọn đồng tính làm lớp nền cho phim. Các cảnh quay tuyệt đẹp về nước Ý góp phần tăng thêm ý vị và chất gợi cảm cho chủ đề này. Rất nhiều chi tiết mở ra một thế giới khác đang ẩn giấu, như khi Ripley và Dickie ở bồn tắm, hay Dickie và Freddie cùng nghe nhạc trong phòng. Ở thời điểm đồng tính là một “căn bệnh” phải giấu đi, không ai trong số các nhân vật được tự do. Mr. Ripley miêu tả những ngóc ngách tâm lí phức tạp của sự bức bối này, là nguồn gốc cho các nhân cách méo mó trong phim. Tất cả đều chìm sâu trong địa ngục của việc không thể xác định được bản thân là ai. Như một hệ quả, họ chuyển sự bất hạnh của bản thân ra thế giới xung quanh. Do đó, Mr. Ripley vừa là một sự bổ sung, và là một phản đề cho thể loại phim đồng tính sau này.
Nhưng suy rộng ra, Tom Ripley là một hình mẫu soi chiếu vào hành trình chung của tất cả mọi người, đặc biệt trong giai đoạn tuổi trẻ: Tìm kiếm bản thân. “Tôi” không phải thứ có sẵn, mà là thứ được ghi đè lên tờ giấy trắng ban đầu, khi bước ra cuộc sống. Dù là một con quái vật, Ripley vẫn tạo ra sự đồng cảm, bởi những khát vọng chân thật mà chúng ta đều có. Bi kịch ở chỗ, chúng ta không thể là bất kì ai trên thế giới. Và có những người, như Ripley, bán linh hồn cho quỉ để lấp đầy những khát vọng xa hoa. Gã không chiến thắng, dù thoát tội, bởi phải trả giá bằng nhân vật đáng quan tâm thứ hai, là Peter (Jack Davenport). Đây có lẽ là người tốt duy nhất trong phim, cũng là người duy nhất trên thế giới thật sự quan tâm đến Ripley. The Talented Mr. Ripley đặt ra câu hỏi đáng để chúng ta suy ngẫm, ở bất kì thời đại nào: Ta có sẵn sàng đánh đổi để trở thành một ai đó quan trọng dù giả tạo, hay là chính mình một cách tầm thường?