Tokyo Sonata (Bản giao hưởng Tokyo, 2008) không nhẹ nhàng như tiêu đề phim gợi nên. Đây là bộ phim cho ta thấu hiểu mặt trái của một thực trạng mà mọi thứ đều được kết nối chặt chẽ như các bánh răng trong cỗ máy.
Tokyo Sonata mở đầu bằng khung cảnh người vợ Megumi (Kyôko Koizumi) ngồi ở cửa ra vào. Một buổi sáng mưa. Bên ngoài cửa sổ, cây lá nghiêng ngả theo gió. Tưởng như đây phải là khung cảnh bình yên nhất thế gian nhưng chúng ta vẫn cảm thấy có gì không ổn. Có lẽ, đến từ dáng ngồi cô độc của Megumi, sự trống vắng của ngôi nhà, hay dự cảm bất an đến từ sự quay cuồng ngoài kia.
Đạo diễn Kiyoshi Kurosawa mở đầu bản giao hưởng bằng một nhận thức về nỗi cô đơn len lỏi. Chuyện phim của Tokyo Sonata xoay quanh các thành viên gia đình Megumi và những bí mật của họ. Người chồng Ryûhei (Teruyuki Kagawa) đã bị công ty sa thải, dưới sức ép của khủng hoảng kinh tế. Vì tự trọng, ông giữ kín chuyện mất việc, ngày ngày vẫn xách cặp ra công viên ngồi. Megumi dĩ nhiên biết được sự thật nhưng cô hành xử đúng như một người vợ Nhật truyền thống, là giữ im lặng.
Cặp vợ chồng ấy còn có hai cậu con trai. Con cả Takashi (Yû Koyanagi) đã bỏ học, thất nghiệp, muốn thay đổi số phận bằng cách gia nhập quân đội Mỹ. Con út Kenji (Kai Inowaki) có năng khiếu và muốn học piano. Ryûhei phản đối cả hai dự định này của các con, một cách quyết liệt. Đó là cách ông níu giữ lòng tự trọng và vị trí chủ gia đình của mình, trong tuyệt vọng.
Chuyện phim tiếp diễn giữa hai thế giới song song. Thế giới nơi các nhân vật ở một mình, và thế giới nơi họ gặp gỡ. Chúng ta thường nhắc đến người Nhật với sự ngưỡng mộ, chủ yếu về sự trung thực và kỉ luật. Nhưng ở đây, mặt trái của một xã hội quy tắc hà khắc hiện rõ. Các thành viên trong gia đình dường như không có chút liên hệ, chia sẻ nào. Họ tự chịu đựng vấn đề của mình và cố gắng tự giải quyết chúng.
Tokyo Sonata là một tác phẩm khác lạ của Kiyoshi Kurosawa, vốn là đạo diễn phim kinh dị hàng đầu Nhật Bản. Có đôi chút ảnh hưởng của thể loại này ở vài cảnh, khi máy quay lia thật chậm, như thể chờ đợi thứ gì đó bất ngờ nhảy ra. Nhưng không có quái vật giả tưởng hay kẻ sát nhân nào ngoài những con người tội nghiệp cố vùng vẫy trong vòng xoáy khủng hoảng.
Đây là bộ phim khiến người xem nhìn nhận lại khái niệm “thế giới phẳng”, rút ra từ quyển sách ăn khách cùng tên của nhà báo Thomas Friedman. Một thế giới ngày càng phẳng sẽ khiến các thành viên của nó càng kết nối chặt chẽ, với kinh tế làm cột trụ. Nhưng khi cột trụ lung lay, các hệ giá trị khác cũng lung lay theo, thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Cuộc khủng hoảng kinh tế không chỉ khiến gia đình Ryûhei khốn khó, mà còn thách thức truyền thống gia đình, sự chung thủy, lòng tự trọng của mỗi thành viên. Kinh tế tác động mạnh mẽ đến văn hóa, xã hội, trong mối liên hệ không thể tách rời.
Từ một quản lý, Ryûhei phải hạ mình xin làm dọn vệ sinh trong trung tâm thương mại. Người vợ Megumi lâm vào một vụ cướp quái đản và trong một phút yếu lòng, gần như đã ngoại tình. Con trai cả Takashi trở thành lính đánh thuê, đi giết người, chỉ vì miếng ăn. Con út Kenji có lẽ là người cứng cỏi nhất, khi vẫn bám lấy ước mơ piano. Cậu không đầu hàng, với sự kiên cường được thể hiện ngay từ cảnh đối đáp với thầy giáo ở đầu phim: Kenji bị phạt oan và tự đứng lên bảo vệ mình.
Cuộc sống thường nhật của họ trở thành một cuộc chiến thật sự. Nhưng hơn cả sinh tồn, họ chiến đấu để bảo vệ giá trị bản thân. Từ đây, xã hội Nhật Bản mà nhiều người hằng ngưỡng mộ trở nên đáng sợ. Sự xung khắc giữa truyền thống và hiện đại, trong ý thức mỗi nhân vật, đẩy họ vào chỗ cùng quẫn. Ngay cả ở những tình cảnh ngặt nghèo, họ vẫn cố đóng mình vào các khung định sẵn từ ngàn xưa: Ông bố phải tỏ ra nghiêm khắc, quyền uy. Người vợ phải phục tùng. Con cái phải nghe lời. Đó là vòng an toàn mà họ cố gắng ở bên trong, dù nó không còn nữa.
Trong cuộc chiến đó có những người thất bại. Như một người bạn cũ mà Ryûhei gặp gỡ ở công viên. Anh ta cũng đã thất nghiệp nhiều tháng nay. Có một cảnh đáng thương khi anh ta rủ Ryûhei về nhà đóng vở kịch đồng nghiệp đến chơi. Dĩ nhiên, cả vợ và con anh ta đều đã biết sự thật, nhưng vẫn giả vờ tham gia cùng. Chúng ta hiểu vì sao ở Nhật người ta cố sống cố chết để giữ lấy công việc. Đó không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là danh dự, sự công nhận. Trong tiềm thức, đàn ông Nhật coi sự công nhận quan trọng hơn cả mạng sống. Sau bữa cơm này, người bạn cũ quyết định tự tử cùng vợ, bỏ lại cô con gái.
Nhưng như mọi cuộc chiến trên đời, sẽ có những người chiến thắng. Trong phim, chính là các thành viên gia đình Ryûhei. Từ “chiến thắng” có lẽ không hoàn toàn chính xác nhưng là miêu tả gần nhất với điều mà Ryûhei, Megumi và Kenji đạt được. Hoàn toàn tách biệt, họ cùng tiến sát bờ vực của sự sa ngã và vượt qua. Sáng hôm sau, cả gia đình trở về nhà, dùng bữa sáng như thường lệ. Không ai biết những người khác đã trải qua bão tố gì.
Ở các nền văn hóa khác, sức mạnh cá nhân thường đến nhờ sự hỗ trợ và tình yêu thương của người thân. Tokyo Sonata mang đến một góc nhìn khác, cô độc hơn, về người Nhật. Họ là những cá thể riêng biệt. Họ không thể dựa vào ai khác ngoài chính mình. Có một sự độc lập và rắn rỏi, chấp nhận mọi thứ xảy đến, như thể một đặc tính nội tại, xuất hiện ngay ở những đứa trẻ. Cả Kenji lẫn cô con gái của cặp vợ chồng xấu số đều không trách móc gì bố mẹ, dù họ đặt chúng vào tình cảnh khốn khổ. Chúng lầm lì, cam chịu, hướng đến ngày mai, vì không có cách nào khác.
Tokyo Sonata không quá dữ dội và kịch tính nhưng vẫn khiến ta đau đớn, cảm động và cả lo lắng. Thế giới ngày càng phẳng, tình cảnh của gia đình Ryûhei đều có thể xảy đến với bất kỳ ai. Sẽ thế nào nếu ta lâm vào tình cảnh ấy? Khi sự an toàn mất đi và cuộc sống bình yên bị đe dọa?
Dù không thuộc thể loại kinh dị nhưng Tokyo Sonata là phim đáng sợ nhất trong sự nghiệp đạo diễn Kiyoshi Kurosawa. Vì phim nói về cuộc sống con người với vấn đề gần gũi, chân thực của họ và không có điều gì đáng sợ hơn cuộc sống.