VENOM

bởi
522 lượt xem
A+A-
Reset

Venom không phải là bộ phim anti-hero chúng ta chờ đợi. Nhưng cũng không hẳn là một thảm họa cấp “C” như báo giới nước ngoài bình luận – cấp Catwoman. Có những trục trặc về dẫn truyện, không khí phim rối loạn, một kịch bản công thức đã dùng đến phát ốm, các nhân vật mỏng tang và chẳng liên hệ sâu sắc gì, nhưng được bù lại bằng những khoảnh khắc hài hước, diễn xuất khác lạ của Tom Hardy và những màn hành động đạt tiêu chuẩn Hollywood.

Tóm lại, đây là một phim điểm 4 (hoặc thấp hơn) với những fan cứng Venom, hay mong chờ một anti-hero đúng chất, phóng khoáng bạo lực như Deadpool chẳng hạn, và là một phim điểm 6 (hoặc cao hơn) với những người còn lại.

Ngược với nguyên bản từ comic, mối liên hệ giữa Venom và Người Nhện chỉ là vài đoạn trailer đến từ bộ phim hoạt hình Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018). Mối thâm thù giữa anh hùng và phản anh hùng này hoàn toàn không được khai thác trong phim, điều đã được nhắc đến ngay trước khi phim ra mắt. Thay vào đó, nhân vật chính là nhà báo Eddie Brock (Tom Hardy), bị một kí sinh trùng ngoài không gian nhập vào, khi đang cố gắng lật tẩy thí nghiệm phi nhân tính của khoa học gia tỉ phú Carlton Drake (Riz Ahmed).

Được rồi! Bạn không cần phải đếm bao nhiêu kịch bản đã sử dụng đúng công thức này. Khoa học gia điên loạn. Vật thể ngoài trái đất. Âm mưu hủy diệt nhân loại… Chỉ còn thiếu một cột sáng đếm ngược nữa là ta sẽ có hầu hết phim siêu anh hùng của thập kỉ qua (khoan đã, tên lửa phóng lên trời đếm ngược liệu có tính?) Xen kẽ là câu chuyện chia tay và làm lành với một cô bạn gái, ở đây là Anne Weying (Michelle Williams). Đó là tất cả những gì bạn cần biết về cốt truyện Venom, trong một kịch bản ba xu chẳng tốn nhiều nơ-ron biên kịch lắm để nghĩ ra.

Mối liên hệ giữa các nhân vật cũng không khá hơn, vẫn là lỗi ở kịch bản. Venom giống như một phim ngắn 15 phút bị kéo dài đến gần 2 giờ, khi gần như không có chi tiết nào để phát triển. Quá trình Eddie Brock làm quen với Venom và học cách sử dụng siêu năng lực, bị đẩy nhanh đến mức có cảm giác chưa từng xảy ra. Gần như chẳng có mối liên hệ nào giữa Eddie và phản diện Drake. Động lực của các nhân vật cũng chỉ đặt ra cho có. Tình cảm giữa Eddie và Weying cực kì mờ nhạt. Các tuyến truyện phụ thì bị bỏ quên hoàn toàn, lỗi chỉ xảy ra ở những kịch bản hạng bét.

Và trong số những thứ không thuyết phục về tâm lý, lí do để Venom cùng Eddie cứu trái đất là thiếu thuyết phục nhất. Chẳng khác nào trò hề trẻ con, có lẽ còn tệ hơn “Martha” trong Batman vs Superman. Xem phim và bạn sẽ hiểu.

Về công tác đạo diễn, lựa chọn PG-13 giống như một cái còng khóa tay Ruben Fleische, nổi tiếng với những phim hài kinh dị như Zombieland (2009) hay 30 Minutes or Less (2011). Lựa chọn an toàn này đã hạn chế hầu hết chất kinh dị của phim, không máu me, không thịt thà, không có cả những cảnh jumpscare chất lượng… vốn có thể phát triển từ comic. Chi tiết kinh dị nhất có lẽ là “thủ lĩnh” Riot nhập xác đủ người đi du lịch suốt sáu tháng trời từ Mã Lai sang San Francisco, chẳng để làm gì. Nếu làm một bộ phim riêng về hành trình này, có lẽ còn đáng sợ hơn Venom.

Từ đầu đến cuối, chúng ta thấy rõ sự bối rối của Fleische trong việc duy trì không khí phim. Thất bại lớn nhất của Venom là không thể tạo ra một không khí đặc trưng và nhất quán, kinh dị không ra kinh dị, hài không ra hài. Nhịp phim lúc nhanh lúc chậm, các trường đoạn hành động bị kéo dài quá mức để bù thời lượng, và diễn xuất tệ hại của dàn diễn viên phụ (đặc biệt là nhà khoa học nói nhiều Drake), khiến không khí chính bao phủ là không khí nghiệp dư. May mắn rằng, bản dựng của Fleische vẫn chưa rơi xuống mức nát vụn, như trường hợp của Fanstatic Four (2015).

Dù vậy, phải nói rằng, mặc cho những gì tôi viết nghe như đang tả một thảm họa điện ảnh, trải nghiệm trong rạp với Venom không đến nỗi tệ. Thứ cứu rỗi bộ phim này lại chính là phần hài hước. Những ai đã quen với một Tom Hardy đầy tâm lý, ở cả chính và phản diện, sẽ phải ngạc nhiên với hình tượng Eddie vui nhộn trong phim. Hóa ra anh diễn hài hình thể cũng khá ổn, nhưng yếu tố tỏa sáng nhất là giọng nói, với cách phát âm lên xuống uốn éo chưa từng thấy trước đây. Những màn đối đáp kiểu buddy giữa Eddie và Venom cũng đủ khiến khán giả bật cười. (Nhảy? Thang máy?) Rõ ràng, nhà sản xuất muốn Venom thuộc vào vũ trụ Marvel, và ít nhất, bộ phim cũng vui theo kiểu dễ chịu Marvel.

Các màn hành động trong phim luôn dài hơn cần thiết, tất nhiên còn xa mới được gọi là đẳng cấp như Mad Max (2015) – một phim khác của Tom Hardy, nhưng cũng không gây buồn ngủ. Ruben Fleische xoay sở đủ tốt, nhờ cả phần soundtrack với tiếng guitar điện kích động của Ludwig Göransson, sự tập trung của người xem được duy trì. Vài khoảnh khắc, hình ảnh và âm nhạc hòa quyện đủ tốt để khiến tôi nín thở và tận hưởng. Đáng buồn rằng, cảnh cao trào trở lại là một trường đoạn phô diễn CGI nghèo nàn, thiếu sáng tạo.

Nhìn chung, Venom giống như một phim bản lề, món khai vị an toàn, giới thiệu vũ trụ Marvel mới mà Sony xây dựng, hơn là một siêu phẩm hay món chính. Chất anti hero của Venom cũng chẳng đâu vào đâu, nhất là khi so với Deadpool. Một bộ phim gây tiếc nuối, bởi hoàn toàn có thể đi theo hướng khác: Hãy tưởng tượng Venom thật sự trở thành con quái vật kí sinh ác mộng, hay độc địa hơn. Tuy vậy, nếu đã lỡ đặt vé, bạn cũng không cần phải thở dài. Bạn sẽ không nổi giận với bộ phim này.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00