Breaking Bad là Bố Già của thể loại truyền hình. Nghĩa là, nó đứng ở một vị trí riêng, tách biệt, không thể đặt chung với bất kì loạt phim nào hay bảng xếp hạng nào khác. Tôi xem hai lần, lần đầu vào khoảng 2014 hoặc 2015, và lần sau là năm ngoái, 2019. Tôi không nhớ là phim lại hay đến thế. Như một lối so sánh cũ, nó giống như rượu vang. Nhưng ngay cả người thưởng thức cũng phải đạt một độ tuổi nào đó, có lẽ càng gần độ tuổi của Walter White, phim mới càng thấm thía.
Từ khóa của Breaking Bad là “chuyển hóa”, transformation, gói gọn trong một câu thoại ở tập đầu tiên của mùa đầu tiên: “Hóa học là môn học về sự chuyển hóa”. Ung thư, căn bệnh thầy giáo trung học Walter White mắc phải, là sự chuyển hóa về chất của tế bào. Ma túy đá là sự chuyển hóa của các thành phần hóa học. Nhưng khó đo lường hơn và trọng tâm của phim là sự chuyển hóa của con người. Từ Walter White thành The Cook rồi Heisenberg và cuối cùng Mr. Lambert, phim mang đến một hành trình không giống bất kì hành trình nào khác, bắt nguồn từ câu hỏi triết học cơ bản nhất: Con người đối diện với cái chết như thế nào?
Trong hành trình ấy, ta chứng kiến một thầy giáo Mĩ điển hình, hiền lành, chăm chỉ và yếm thế từng bước trở thành một tay trùm đáng sợ. Sự chuyển hóa được xây dựng chi tiết, chân thật và chắc chắn đến mức khó bỏ qua một tập nào trong cả 5 mùa phim. Mỗi tập đều là một mắt xích quan trọng và cần thiết, kể cả tập phim mang tính siêu thực và khác lạ nhất là Fly (Con ruồi). Nhà sản xuất và biên kịch Vince Gilligan đã thổi hồn vào vùng hoang mạc rộng lớn và nóng bức Albuquerque, New Mexico, biến nó thành vũ đài cho một cuộc đấu hoành tráng đến mức sử thi. Đừng nhầm lẫn, đó không phải là cuộc đấu giữa các băng đảng hay cảnh sát chống ma túy, mà là cuộc đấu giữa con người với số phận – cuộc đấu đã diễn ra từ khi con người đầu tiên bước đi trên mặt đất và sẽ tiếp diễn đến lúc người cuối cùng nằm xuống.
Thành công lớn nhất của Breaking Bad là dựng lên nhiều tầng nghĩa và ghép chúng lại với nhau một cách hoàn hảo. Chính xác hơn, là nén chúng lại vào một thời lượng tầm trung của thể loại truyền hình. Do đó, mỗi tập phim đều cô đọng, đầy lớp lang, và khán giả ở mỗi trình độ thưởng thức đều sẽ tìm thấy điều gì đó thỏa mãn. Nếu yêu thích chất hành động và giải trí, phim chiêu đãi hàng loạt các vụ đấu súng, đấu trí, bạo lực máu me, âm mưu, ngoại tình, ám sát, tranh quyền đoạt vị… Nếu cần những lớp nghĩa sâu hơn về ý nghĩa cuộc sống, tình cảm gia đình, tình phụ tử, tình bạn, Breaking Bad rất vui lòng cung cấp. Và nếu ai đó cần học hỏi về lối xử lí kịch bản, chi tiết, dựng cao trào, như các sinh viên biên kịch chẳng hạn, loạt phim này thuộc vào hàng top-notch. Mọi thứ của Breaking Bad đều là top-notch, và đó là sự may mắn tính thời điểm, bên cạnh tài năng. Đôi lúc, mọi yếu tố đều ngẫu nhiên nằm đúng chỗ. Ngay cả Vince Gilligan cũng chẳng thể lặp lại điều này ở loạt Better Call Saul.
Có lẽ mọi ngôn từ đều vô dụng khi phải diễn tả sự chân thực của Breaking Bad, yếu tố vô cùng quan trọng. Thật theo nghĩa điện ảnh – nghĩa là vừa thật vừa không thật. Một mặt, phim khiến chúng ta tin rằng đó là cuộc đời, từ chuyện phim đến nhân vật, tự nhiên như hơi thở, nhờ vào sự đầu tư chi tiết của biên kịch. Hãy nghĩ về bao nhiêu lần ta muốn đốt xe của một gã đáng ghét, chỉ xét một chi tiết nhỏ như thế. Hay cách một gia đình trung lưu điển hình đối mặt với bệnh ung thư, diễn biến tâm lí của từng thành viên. Hay rộng hơn là thế giới ngầm của các băng đảng ma túy, vừa quen thuộc vừa đầy mới mẻ. Mặt khác, phim vẫn có một lớp dát vàng của nghệ thuật để không sa đà vào tính tài liệu, với vô số các kĩ thuật, kĩ xảo, dụng ý lồng ghép. Người xem vẫn ở trong không gian huyền ảo của nghệ thuật điện ảnh, một thế giới khác.
Walter White dĩ nhiên là trung tâm ở thế giới ấy, như chất chính trong một phản ứng hóa học. Có thể hình dung quá trình chuyển hóa của ông ta hệt như một phản ứng nấu đá. Ông ta là methamphetamine ở dạng nguyên chất, không gây hại khi chưa tổng hợp, còn những người xung quanh là các chất góp vào phản ứng, chất nền, chất xúc tác… Tất cả đều trải qua các phản ứng dữ dội, biến đổi liên tục trong phòng thí nghiệm khắc nghiệt nhất là cuộc đời. Không chỉ White chuyển hóa, mà mọi người khác cũng thế, từ vợ con, ông em rể, con trai về mặt tinh thần là Jesse, tay luật sư láu cá Saul, Gus Fring, Mike… Tất cả đều tái sắp xếp các phân tử để thành hình một bản thể mới, có người tinh khiết hơn, kẻ pha tạp đi, điểm chung là không ai như cũ.
Chúng ta không thể không yêu các nhân vật trong phim. Làm sao để tạo ra những nhân vật mà ai cũng yêu, bất kể quí mến hay ghét bỏ? Breaking Bad nói rằng hãy để mỗi nhân vật là một phần của tất cả chúng ta. Giống như cách các nhà giả khoa học như chiêm tinh hay bói toán thuyết phục mỗi người bằng cách nêu ra những dự đoán mà ai có cũng phần. Con người là một sinh vật phức tạp nhưng phổ thông, nghĩa là đều chứa đựng những tính chất giống nhau, khác chăng là tỉ lệ của chúng trong mỗi người, và tỉ lệ ấy thay đổi theo độ tuổi và kinh nghiệm sống. Chúng ta đều có sự ngây thơ, trong sáng và mong manh của Jesse, niềm tin đạo đức của Hank, khao khát được tự do và quyền lực của White, tính láu cá của Saul, sự ấm áp của Mike… Những tính chất ấy thậm chí còn thay đổi theo hoàn cảnh. Ta đồng cảm với các nhân vật bởi vì khi đặt mình vào hoàn cảnh của họ, ta biết rằng mình cũng sẽ làm thế hoặc hiểu vì sao họ làm thế. Công lớn nhờ vào việc xây dựng các đường dây tâm lí chắc chắn và hợp logic của biên kịch.
Một lí do quan trọng khác là ở tính tốt xấu đủ đầy trong mỗi nhân vật. Kịch bản tồi thường chia phe thiện và phe ác ra làm hai, với một đường phân tuyến to dày, tô đậm, bôi đỏ, rắc kim tuyến lấp lánh ở giữa. Con người thật sự không như thế. Breaking Bad đặt mỗi chân nhân vật ở một bên đường phân tuyến ấy, và đôi khi họ còn nhảy múa nữa. Walter White độc ác khi trong vai Heisenberg, nhưng ông ta không bao giờ từ bỏ gia đình mình, đặc biệt là Jesse. Nó phản ánh đúng não trạng của đàn ông Mĩ da trắng và nền tảng xã hội của họ. Ngược lại, Jesse ban đầu khiến ta thương cảm nhưng càng về sau lại càng đáng ghét và phiền phức. Ta càng thích hơn ở những nhân vật tốt xấu bất minh như Saul, đổi màu liên tục như đèn nêon trước tiệm nail, hay người tốt làm việc xấu một cách chuyên nghiệp như Mike, hay một kẻ phản diện mang màu chính diện như Gus. Chẳng phải chính tà cũng phụ thuộc vào chỗ đứng và góc nhìn của mỗi người hay sao? Chỉ tạo ra một nhân vật thôi đã là kì công với phim khác. Breaking Bad có cả một hệ thống nhân vật, và dù hơi khập khiễng một chút, ta có thể nói rằng tất cả đều là vai chính. Khi ta theo dõi ai, họ chính là vai chính. Sự thật, Vince Gillian có thể làm loạt phim riêng về từng người một, không riêng gì Saul.
Chúng ta, nghĩa là tôi và những người đang đọc dòng này hoặc các khán giả khác, cũng đều đang ở trong một giai đoạn chuyển hóa hóa học. Do đó, khi viết hay xem Breaking Bad, mỗi độ tuổi sẽ đánh dấu một vấn đề khác – đó là điều khiến loạt phim này trở thành kinh điển, thành Bố Già, và sống mãi theo thời gian đời người. Tôi của năm 2014 hay 2015 sẽ chú ý những điểm khác, bây giờ khác và 10 năm nữa khi ở vào độ tuổi của Walter White cũng khác. Do đó, nói về ý nghĩa hay thông điệp của phim “một cách đầy đủ” lại hóa ra là dự đoán thành phẩm trước khi hoàn thành. Với tôi, hiện tại, ở độ tuổi 30, Breaking Bad là một phim gây choáng váng về lẽ sống.
Bao nhiêu lần, trong những đêm muộn hoặc tờ mờ sáng, không ngủ được hoặc bất chợt tỉnh giấc, ta tự hỏi rằng “tôi đang làm gì với cuộc đời mình?” Cuộc sống là một chuỗi ngày của các sự kiện lặp đi lặp lại, với các khuôn mẫu lặp đi lặp lại từ người khác hoặc chính nhận thức cá nhân, với những mơ tưởng về tự do nhưng không bao giờ đủ dũng cảm để theo đuổi, với vô vàn sự kìm kẹp vào một bản chất nào đó mà chính ta cũng tờ mờ không rõ. Và quan trọng nhất là thiếu vắng niềm vui. Chúng ta biết rằng ngày nào đó tất cả sẽ chấm dứt, đời sẽ hết và màn sẽ khép, xác thân lụi tàn và tâm trí tan biến, và ta sợ hãi rằng mình sống chưa được trọn vẹn. Nhưng chính cái mốc cuối cùng không bao giờ hiện rõ đó lại trở thành một phép an ủi, rằng ta có thể thỏa hiệp thêm một ngày nữa vì vẫn còn thời gian, là ngày mai. Trong phim, điều đó chỉ chấm dứt khi Walter White nhìn thấy hình dáng tử thần thật sự trong các tấm X-quang.
Ngoài đời thật có lẽ không kịch tính như thế, bởi ít người trong chúng ta có kĩ năng và tinh chất methamphetamine như ông ta. White là một trường hợp áp vào được đoạn văn của Saint Exupéry trong Cõi người ta, đoạn miêu tả mỗi con người tầm thường khốn khổ trên chuyến tàu tị nạn đều có một Mozart trong mình. Nhưng qua thời gian và dưới gánh nặng cuộc sống, ta oằn mình cho người khác đắp vào mình những lớp thạch cao và Mozart bị chôn vùi mãi mãi. Với Walter White, ung thư hóa ra lại là cánh cửa dẫn đến cuộc sống thật sự, giúp ông ta sống đúng với bản chất đàn ông. Một năm cuối đời đáng giá hơn cả 50 năm trước đó gộp lại. Không phải vị trí làm trùm, tiền bạc, hay ma túy đá, cảm giác alive mới là thứ khiến White thỏa mãn như thừa nhận với vợ: Làm việc mình giỏi nhất và được công nhận giá trị. Walter White là Mozart của phòng chế đá. Và để làm Mozart, ông ta phải lừa dối hoặc loại bỏ những kẻ ngăn cản mình thành Mozart.
Ngoài đời thật, sự thể có lẽ sẽ nghiêng nhiều vào tình cảnh của bác sĩ Paul Kalanithi trong tự truyện Khi hơi thở hóa thinh không, khi cái chết đến thì mọi thứ hóa vô nghĩa. Dưới bóng đen của cái chết không có chỗ cho niềm vui, ta sẽ kiệt sức từng ngày cho đến khi trở thành bóng đen và bị lãng quên. Nếu ai đó nói rằng “số phận của ngươi là như thế”, có lẽ tất cả đều nhảy dựng dậy phản đối, và rồi sống phần đời còn lại giống hệt như thế. Bảy mươi năm, năm mươi năm, ba mươi năm lầm lũi tồn tại trong thạch cao. Ngày lớp bọc ấy vỡ là khi bên trong chỉ còn bộ xương khô. Thật lạ lùng khi nhận thức rằng ta là nhân vật chính của đời mình, nhưng trong mắt người khác ta lại là lớp phông nền. Như khi tôi nhìn vào dòng người đông đúc trên phố hay tiệm cà phê, tôi không biết họ và họ không biết tôi, và hình dung chính mình trong mắt họ. Đó là số phận của hầu hết chúng ta, 99% dân số Trái Đất và nó không có nghĩa gì cả, như một giấc chiêm bao.
Breaking Bad buộc người xem phải nhận thức được câu hỏi ấy: Số phận thật sự là gì? Là những thứ ta chẳng thể lựa chọn hoặc không nhận thức được như ung thư hay tai nạn, ngày kia bỗng đổ ập xuống? Là kết quả của những lựa chọn mà ta thậm chí không biết rõ các điều kiện và khả năng? Hay đó là ý chí chống lại nghịch cảnh, đương đầu với mọi thứ xảy đến, để giữ được cái trạng thái thỏa mãn hài lòng mà ta gọi là tự do và hạnh phúc? Hay mọi thứ chỉ là một trò đùa ngớ ngẩn và mỉa mai của các thế lực vô hình cứ phân chia nguyên nhân và hệ quả trong một ma trận vượt ngoài tầm nhận thức? Hay mọi thứ gói gọn trong câu thoại của Julie Deply trong phần nào đó trong Before Trilogy “Tất cả nằm trong sự cố gắng”?
Tôi nghĩ rằng, chỉ có một điều khẳng định được, đó là hiện tại chưa bao giờ có câu trả lời cả, vì thế không cần phải tìm kiếm. Điều duy nhất ta có thể làm là sống, sống, sống và sống. Câu trả lời, nếu có, chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trong những giây phút đáng sợ nhất hoặc thỏa mãn nhất của kiếp người. Khi một người đàn ông mỉm cười và chạm tay vào ý nghĩa. Ý nghĩa được hữu hình hóa thành một vật chứa thiêng liêng của chuyển hóa và tái sinh, thuộc về duy nhất ông ta, trong khi những người khác chỉ thấy một khối kim loại lạnh lẽo, tầm thường, vô nghĩa.