Trang chủ Phía Sau Màn Ảnh ĐIỆN ẢNH THIỆT HẠI THẾ NÀO VÌ CORONA?

ĐIỆN ẢNH THIỆT HẠI THẾ NÀO VÌ CORONA?

bởi
1.5K lượt xem
A+A-
Reset

2019 là năm đạt doanh thu kỉ lục của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, với 42,5 tỉ đôla. Nhiều chuyên gia từng dự đoán 2020 sẽ là một cột mốc mới. Đáng buồn đó lại là một cột mốc đen tối.

Điểm đen Trung Quốc

Vi rút Corona đang biến năm đầu tiên của thập niên trở thành cơn ác mộng cho tất cả hãng phim trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu? Bây giờ và sắp tới? Thiệt hại lớn nhất chắc chắn là Trung Quốc, thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, cũng là nơi vi rút Corona xuất hiện. Hơn 70.000 rạp phim nước này phải đóng cửa ngay thời điểm trước tết âm lịch – dịp kiếm tiền lớn nhất năm. Thống kê của trang Fortune chỉ ra điện ảnh đại lục đã mất đi 1 tỉ đô doanh thu, tương đương 10% doanh thu dự kiến của cả năm 2020.

Các công ty phim nội địa dĩ nhiên chịu thiệt hại  lớn nhất. Họ đã chuẩn bị một loạt siêu phẩm với kinh phí khổng lồ, và chưa thu lại được một cắc nào. Thám tử phố Tàu 3 với 116 triệu đô kinh phí, Long ấn cơ mật 49 triệu đô, Lạc lối ở Nga 43 triệu đô… là các tựa phim nội địa dẫn đầu danh sách lỗ vốn. Bên kia đại dương, Hollywood cũng đang méo miệng với tình cảnh này, bởi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 36% thiệt hại trong số 1 tỉ đô kia đến từ các bom tấn Mĩ.

Các hệ thống rạp phim cũng đang ngồi trên đống lửa. Chính xác hơn là đang bị thiêu trong lửa. Cổ phần của Wanda Film, chủ sở hữu hệ thống rạp lớn nhất Trung Quốc AMC, đã giảm 27% kể từ tháng 1. Chuỗi rạp Imax China giảm 21%. Một hệ thống lớn khác là Beijing Enlight Media giảm 17%… Các hãng phim nỗ lực trình chiếu online để gỡ gạc, nhưng không hiệu quả lắm. Trước tình hình rạp đóng cửa vô thời hạn, các con số chắc chắn sẽ tiếp tục rơi tự do trong thời gian tới.

Đáng nói là, vi rút Corona đã đập tan tham vọng trở thành thị trường phim lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Năm 2019, nước này đã vượt Mĩ về số lượng rạp chiếu bóng và lượng vé bán ra. Năm 2020 được chờ đợi là thời điểm ngôi vương của Hollywood phải đổi chủ. Giờ thì đó chỉ là một giấc mơ tan vỡ. “Ngay cả khi rạp phim mở cửa hôm nay, tình hình cũng không khá hơn,” nhà phân tích Chris Fenton của Viện Hoa Kì – Châu Á nhận xét. Phải tốn rất nhiều thời gian để khán giả Trung Quốc yên tâm quay lại rạp chiếu bóng.

Thế giới điêu đứng

Trong thế giới toàn cầu hóa, một siêu cường nghiêng ngả là tất cả sẽ nghiêng ngả theo. Ngay cả khi COVID-19 chỉ mới hoành hành ở Trung Quốc, tiền đã mất và đầu đã đau tại trụ sở các hãng phim bên kia đại dương. Bom tấn siêu anh hùng Harley Quinn: Birds of Prey (Cuộc lột xác huy hoàng của Harley Quinn) của Warner Bros chỉ thu về 188 triệu đô. Sonic the Hedgehog của Paramount khá khẩm hơn đôi chút với 266 triệu đô. Đáng tiếc nhất là The Invisible Man (Người vô hình) của Universal chỉ gom được 50 triệu… Chúng có thể thu lời gấp 5 đến 10 lần nếu thị trường Trung Quốc ổn định như mọi khi.

Các dự án tương lai phải chấp nhận số phận bi thảm. Mulan (Hoa Mộc Lan) của Disney vốn nhắm vào thị trường đại lục vào tháng 3, giờ bơ vơ không nhà. Các phim chuỗi tỉ đô như Fast 9 (Quá nhanh, quá nguy hiểm 9) hay James Bond No Time to Die (Không phải lúc chết) nhiều khả năng còn không chạm nổi mốc 500 triệu. Giờ đây, khi COVID-19 đã lan sang Nhật, Hàn, Ý và cả Mĩ, các phim mùa Hè cũng đang thấp thỏm lo âu. Một mùa Hè thất bại đồng nghĩa với một năm thất bát cho điện ảnh thế giới. Trong trường hợp các nước trên phải đóng cửa rạp, tờ Screencrush ước tính 5 tỉ đô phòng vé sẽ bốc hơi không dấu vết.

COVID-19 còn tác động đến các phim trong giai đoạn sản xuất. Dĩ nhiên, tất cả các dự án ở Trung Quốc đều đã tạm ngưng. Tháng 2 vừa rồi, đoàn phim Mission Impossible 7 (Nhiệm vụ bất khả thi 7) thông báo phải dừng quay ở Venice, Ý vì dịch. Hai tổ chức nghề lớn ở Mĩ là Hiệp hội Điện ảnh Mĩ (MPA) và Hiệp hội Diễn viên Màn hình – Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Hoa Kì (SAG-AFTRA) ra thông báo “theo dõi chặt chẽ tình hình dịch”. Họ sẽ yêu cầu các thành viên ngưng hành nghề nếu tình hình xấu đi.

Giải pháp tình thế

Phim trực tuyến có thể là giải pháp trước viễn cảnh đại dịch chưa hẹn ngày tươi sáng. Như mọi tình thế hiểm nghèo khác, tốc độ là yếu tố tiên quyết. Ở Trung Quốc, bộ phim thức thời đầu tiên là Lạc lối ở Nga. Nhà sản xuất đã bán bản quyền phim cho dịch vụ Xigua Video với giá 90 triệu đô, ngay khi biết tin rạp đóng cửa. Phim đã thu hút hơn 180 triệu lượt xem trong ba ngày đầu, một kỉ lục của Xigua. Phim đầu bảng trước đó là Sheep Without a Shepherd (Cừu không có người chăn, 2019) chỉ có 35 triệu lượt xem trong 44 ngày chiếu.

Các dịch vụ phương Tây như Netflix hay Disney+ cũng đang hưởng lợi nhờ đại dịch. Với gã khổng lồ Netflix, quí đầu của năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng đến 17% so với cùng kì năm ngoái. Công ty này cũng tiện tay tăng giá dịch vụ lên 1 đô ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, trước khi áp dụng cho toàn châu Âu. Dịch vụ phim non trẻ Disney + vừa thông báo lượng người dùng đã tăng gấp đôi so với lúc ra mắt tháng 11. “Nếu bạn bị nhốt trong nhà, bạn sẽ xem nhiều truyền hình hơn. Đương nhiên lượng người đăng kí các dịch vụ trực tuyến sẽ tăng,” CEO Craig Huber của trang phân tích Huber Research Partners cho biết.

Nhiều người tin rằng đây hẳn là giải pháp tuyệt vời, và tất cả các phim rạp sẽ lần lượt lên mạng sau đó. Chuyện không đơn giản như vậy. Ở Trung Quốc, các rạp phim vốn đang oằn mình chịu trận đã tiếng phản đối Lạc lối ở Nga. Liên minh 23 rạp phim đã gửi thư lên Tổng cục Điện ảnh nước này, yêu cầu ngăn chặn hợp đồng giữa nhà sản xuất bộ phim và Xigua. “Đây là hành động hủy hoại nền điện ảnh và phát hành của chúng ta,” lá thư viết. Chuyện chưa phân giải, nhưng đến giờ chưa có phim nào khác được đưa lên nền tảng mạng.

Nếu tình huống tương tự xảy ra ở phương Tây, kết quả cũng tương tự. Thậm chí còn không có bộ phim nào len lỏi được lên mạng như Lạc Lối ở Nga, bởi các hợp đồng đều có điều khoản chiếu rạp trước từ 60 đến 90 ngày. Chuyện có thể dễ dàng hơn nếu các bên chịu khó ngồi vào bàn đám phán. Điều này khá dễ xảy ra ở Mĩ, nơi lợi nhuận có tiếng nói quyết định. Nhưng dù thế nào, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế và khó có điều thần kì nào cứu vớt nổi công nghiệp điện ảnh khỏi năm 2020 đen tối.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00