Trang chủ Năm Phát Hành2020 WONDER WOMAN: 1984

WONDER WOMAN: 1984

bởi
1.7K lượt xem
A+A-
Reset

Phần hay nhất, duy nhất, của Wonder Woman: 1984 là cảnh quay trên không ở đầu phim. Trong rạp chiếu IMAX, nó biến màn ảnh trở thành một chiếc trực thăng, đưa ta dạo quanh hòn đảo giả tưởng Themyscira. Sau một thời gian dài xa rời rạp chiếu bóng, cảnh này khiến tôi có chút bồi hồi, khi được trở lại với không gian điện ảnh quen thuộc: Một cánh cửa bước vào thế giới khác.

Tiếc rằng, phần còn lại của Wonder Woman: 1984 là một lời nhắc nhở rằng đây vẫn là năm 2020 – năm thảm họa của điện ảnh. Những bộ phim bom tấn hiếm hoi dũng cảm ra mắt như Tenet và giờ là 1984, một cách vô tình, cũng không thể cứu vớt rạp chiếu bóng, ít nhất về mặt chất lượng. Phần kế tiếp của bộ phim nữ siêu anh hùng tuyệt vời năm 2017 hóa ra lại là một thế giới hỗn loạn, phi thực, mông lung và lê thê đến mệt mỏi. Một thế giới được tạo tác tồi đến mức ta phải tự hỏi liệu có phải vẫn do nữ đạo diễn Patty Jenkins đảm nhiệm?

Wonder Woman: 1984 là một phim tệ ở nhiều cấp độ, và ngay ở trường đoạn mở màn đã mang đến cảm giác bất an: Hai trường đoạn hành động liên tiếp. Mọi phim giải trí đều tuân theo công thức “mời chào” người xem bằng trường đoạn hành động đầu phim, nhưng chỉ nên là một. Hai món khai vị ê hề sẽ khiến ta bội thực. Và cả hai trường đoạn này đều không ổn. Cuộc thi đấu kiểu Olympic ở Themyscira quá dài dòng, còn cảnh bắt cướp trong trung tâm thương mại với mục đích giới thiệu bối cảnh 1984 lại quá cường điệu. Những tên cướp ngớ ngẩn, người mua sắm phản ứng thái quá, một cô bé da màu nháy mắt… như thể đi lạc từ Home Alone hay 101 Dalmatians hay một mẩu quảng cáo Giáng Sinh vậy.

Bộ phim không có một kịch bản xứng tầm với phần 2, hay sequel, mà giống như một ngoại truyện fan service cho những người yêu thích Diana – Trevor. Mục đích lớn nhất là đưa Chris Pine trở lại sát cánh cùng Gal Gadot, và biên kịch mới Geoff Johns (thay cho Allan Heinberg), làm điều này theo cách giản đơn nhất có thể: Mang đến một cây đèn thần. Thế rồi cây đèn trở thành thần đèn phản diện Maxwell Lord (Pedro Pascal), với tạo hình gợi đến một phiên bản Donald Trump thời trẻ đầy giễu nhại. Giống như Trump, Maxwell cũng sử dụng truyền thông đại chúng tác động đến người dân, điều chúng ta sẽ chứng kiến ở cảnh cao trào. Ngoài ra là một trường đoạn về bức tường khá dễ nhận biết, thể hiện thái độ chính trị của biên kịch và đạo diễn.

Vấn đề là, không phải cứ đưa vào các ẩn ý chính trị và cái tôi cá nhân của nhà làm phim là khiến bộ phim có giá trị hơn hay có vẻ nghiêm túc hơn. Ngược lại, sa đà vào các ý tưởng này gây ra nguy cơ khiến tác phẩm trở nên lộn xộn và khó kiểm soát. Đây chính là cái hố mà Wonder Woman: 1984 sụp vào. Jenkins muốn nhồi nhét cả tá tư tưởng từ chính trị, giấc mơ Mĩ, trưởng thành, trách nhiệm với thế giới, nữ quyền, lòng tham, sự thật… vào bộ phim, và cái nào cũng chỉ ở mức bề mặt và sến súa, đôi lúc ngớ ngẩn. Ví dụ như điều ước của vị tổng thống Mĩ dựa trên Ronald Reagan vào năm 1984 “muốn có thêm nhiều vũ khí hạt nhân”. Thực tế, chiến lược khi ấy của Reagan lúc đó là xóa bỏ mọi vũ khí hạt nhân bằng hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung với Mikhail Gorbachev.

Do đó, không tư tưởng nào đạt được chiều sâu hay mang đến góc nhìn mới. Chúng không độc đáo, thông minh và khiến ta phải suy nghĩ, và thậm chí còn không dựa trên lịch sử. Gần giống hơn với việc ta phải ngồi nghe một nhóm học sinh tuổi teen rêu rao các bài học và lí tưởng, và giải pháp duy nhất là sự lãng mạn: Kêu gọi mọi người hãy tự nguyện thay đổi, vì tình yêu và công lý, nhân danh mặt trăng.

Sự lộn xộn còn đến từ cách Wonder Woman: 1984 không thật sự xây dựng được một cơ chế điều ước đáng tin. Hòn đá khảo cổ trong phim về mặt kịch bản giống như mọi vật phẩm kì diệu ở mọi phim kì ảo khác. Chiếc máy bói hội chợ trong Big (1988). Quyển sách ma thuật trong Jumanji (1995). Chiếc điều khiển ti vi thay đổi thời gian của Click (2006)….. Điểm chung? Chúng đều đơn giản, chỉ một công năng duy nhất và có “luật” rõ ràng. Ngược lại, hòn đá ước trong 1984 quá phức tạp về cơ chế, càng phức tạp hơn khi biến thành người, và theo kiểu đến đâu hay đến đó. Không có một luật thật sự rõ ràng nào. Ban đầu mỗi người một điều ước và sau đó có thể hai? Có giới hạn nào cho những điều ước? Sự trả giá là có thể hồi lại dễ dàng chỉ bằng lời nói? Vì sao Maxwell phải trả giá bằng sức khỏe, nếu hắn ta chỉ là trung gian?

Kịch bản của Geoff Johns phạm một lỗi sơ đẳng mà chúng ta sẽ gặp rải rác suốt phim: Bạn không thể giải quyết vấn đề bằng giải pháp xuất hiện từ hư vô. Giống như chiếc máy bay thoát khỏi ra-đa bằng một phép tàng hình vu vơ nào đó (nếu có phép tàng hình tại sao Diana phải tốn công đột nhập vào nhà trắng?) Các lỗ hổng biên kịch đầy rẫy trong phim cũng từ đó mà ra, khiến ta cảm thấy không chắc chắn và vững vàng với mọi thứ khác trên màn ảnh.

Tất cả những điều ấy dẫn đến cái tệ lớn nhất của Wonder Woman: 1984 là mất đi cảm quan về hiện thực. Thế giới hỗn loạn ở cảnh cao trào là một thế giới phi logic và giả tạo, giống như giấc mơ hoang đường của một đứa trẻ nghịch ngợm, không bám vào được một cái lõi đáng tin nào. Các nhân vật phụ và quần chúng chỉ đơn giản là các hình nhân vô hồn, trống rỗng. Đó không phải điện ảnh, mà giống với một vở kịch sân khấu hơn.

Dù vậy, chúng ta vẫn có thể chấp nhận tất cả những điểm yếu trên nếu phần quan trọng nhất được làm tốt, là tình cảm. Nếu chất tình cảm chân thật và đủ sức hút, ở đây dĩ nhiên là tình yêu và tương tác giữa Diana và Travor, bộ phim vẫn đủ sức hút. Tiếc rằng, sự trở về của chàng phi công chỉ làm nhạt nhòa thêm những cảm xúc đáng giá ở cuối phần trước. Nội dung có chút ý đồ khi để Diana trở lại làm người hướng dẫn cho Trevor ở thế giới mới 1984, tương tự như anh đã làm với cô hồi thế chiến I. Nhưng xuyên suốt bộ phim, mặc cho rất nhiều các cảnh lãng mạn, ta không hề cảm thấy mối liên kết giữa hai người, bởi thiếu vắng các chi tiết chân thật và sự thấu hiểu về tình cảm con người.

Hãy xem cảnh Diana gặp lại Trevor, bất ngờ, ngạc nhiên, ôm chầm lấy, hôn và cười nói dìu nhau đi về. Ngày hôm sau, Diana tỉnh giấc và thấy người yêu mình đang ăn bánh ngọt, rồi quyết định ngay lập tức đi điều tra nguồn gốc sự hiện diện của anh. Thoạt trông không có gì thiếu hợp lý, nhưng, liệu chúng ta có thật sự xử sự như thế với một người yêu thương đã mất 66 năm trời? Thiếu một khoảnh khắc tinh tế ấm áp, và cả diễn xuất xứng tầm từ Gal Gadot, cho một tình huống đáng giá như vậy. Sẽ thế nào nếu đêm ấy Diana không ngủ và chỉ đơn giản ngắm nhìn người yêu tưởng đã vĩnh viễn lìa xa? Thay vào đó, tất cả những gì Jenkins mang đến chỉ là vài trường đoạn hài hước đúng kiểu hài-lãng mạn thập niên 80. Và nói thật là đã lỗi thời.

Gal Gadot cũng cho thấy điểm yếu diễn xuất của mình trong phần phim này, lí do vì sao ngoài Wonder Woman, cô không gặt hái được nhiều thành công trong nghề. Biểu cảm cơ mặt và cả cơ thể hạn chế, ví dụ như tâm trạng con người là từ 1-10 từ đau buồn đến vui vẻ, cô chỉ giữ được từ 5 đến 7, hoặc 8. Vẻ đẹp bề ngoài là điều giúp Gadot che mờ điểm yếu này, nếu kịch bản không yêu cầu quá nhiều. Tuy nhiên, khi chỉ cần đòi hỏi hơn mức trung bình một chút, Gadot trở nên đáng chán. Khi nhân vật chính đáng chán, bộ phim mất đi trục chính giúp người xem đi qua các sự kiện một cách vững vàng.

Đặc biệt khi đặt cạnh một diễn viên thực thụ là Kristen Wiig, trong vai Barbara Minerva. Chứng kiến diễn xuất của Wiig thú vị hơn hẳn, và cảnh ấm áp nhất, có tình cảm nhất, lại là mối quan hệ ngắn ngủi giữa Barbara và ông lão vô gia cư. Ngay cả phản diện Maxwell của Pedro Pascal cũng đa sắc thái hơn, dù xây dựng kiểu “có chiều sâu” một cách non tay.

Có lẽ sau khi dồn hết tâm huyết cho phần đầu, nữ đạo diễn Patty Jenkins không còn vốn liếng để sử dụng cho phần này. Hoặc có thể do thiếu đi sự tư vấn từ Zack Snyder trong vai trò biên kịch. Lối dẫn truyện sự kiện-nối-sự kiện vô cùng cơ bản và thiếu sáng tạo. Không còn sự nhạy cảm trong nhịp phim, dài dòng không cần thiết. Các cảnh hành động cũng chỉ thường thường bậc trung, tệ nhất lại là cảnh cao trào với Barbara hay Cheetah. Và kết lại cho sự đi xuống về mặt chỉ đạo này là sử dụng “thông não thần chưởng” – như cách fan manga thường mỉa mai, cho Wonder Woman để giải quyết mâu thuẫn. Và như mọi phim siêu anh hùng trẻ con khác, sau tất cả là chẳng gì cả. Mọi thứ trở về status quo và một bài học lẽ ra Diana phải học xong từ việc trải nghiệm mất mát 66 năm về trước.

Như lời nguyền về phần 2 trong các phim franchise, khán giả có thể không cần xem Wonder Woman: 1984 và chẳng để lỡ điều gì. Thậm chí còn tệ hơn là khiến ấn tượng về phần đầu tiên bớt đẹp đẽ. Và có lẽ, điều tốt nhất là đặt bộ phim vào đúng thời điểm ra mắt là năm 2020 đáng quên nhất trong thế kỉ 21, tính đến lúc này.

You may also like

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00