Ước gì tôi được xem một phiên bản Thạch Thảo mà không có yếu tố tình dục, đào vàng hay công an xuất hiện ở đoạn kết. Một phiên bản đúng với thể loại và phong cách mà bộ phim hướng tới: Hài hước tuổi học trò với trai xinh, gái đẹp, những trò đùa giới tính và chất lãng mạn kiểu Hàn Quốc. Tôi sẽ hài lòng với những mẩu chuyện học đường giản đơn, những rung động và khúc mắc tuổi mới lớn, những mâu thuẫn tình bạn, tình yêu gần gũi.
Thế nhưng, biên kịch phim lại tạo kịch tính bằng yếu tố lạm dụng tình dục quá nặng nề, phá không khí, có phần công thức máy móc. Nó không phù hợp và quá sức, khiến Thạch Thảo trở nên khiên cưỡng mệt mỏi, như đang phải đeo trên lưng tảng đá nặng nề. Đây không phải lần đầu tiên. Tôi tự hỏi, đến bao giờ các biên kịch trong nước mới nhận thức được vấn đề này. Tương tự là chuyện đào vàng, luôn được đưa vào để tạo các cảnh hành động, truy đuổi, mỗi khi không nghĩ ra được chuyện gì khác.
May mắn rằng, Thạch Thảo được cứu vớt bởi các khoảnh khắc hài hước tự nhiên của dàn diễn viên phụ. Lớp 11A3 với chàng trai dân tộc A Rốk (Anh Tú), bộ ba Tam Cô Nương (Gia Linh, Phương Quỳnh, Gina-M), lớp trưởng nghiêm túc (Qlin), thanh niên “thổi còi” Tùng Ú (Kus) và cô giáo Mai Ngo (Mai Ngô) vô duyên một cách duyên dáng, mới là điểm cuốn hút chính. Tất cả đều diễn xuất tự nhiên, đúng chất học trò tếu táo, mang đến tiếng cười dễ chịu, nổi bật là Kus và Mai Ngô. Đây là phần đúng của phim, được thể hiện theo phong cách tươi sáng hơi hướng Hàn Quốc. Một điểm cộng lớn là phần lời thoại dí dỏm, đôi lúc gây bất ngờ thích thú.
Thạch Thảo là dự án được Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch đầu tư 70% kinh phí, với mục đích thúc đẩy du lịch, giống như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Địa điểm được chọn là Kon Tum, hiện lên trong phim với rất nhiều cảnh nịnh mắt về Nhà thờ gỗ, Cầu treo Kon Klor, rừng nguyên sinh Măng Đen… Nhưng có lẽ nhiều người sẽ ngưỡng mộ cuộc sống vương giả nơi đây hơn là thiên nhiên hùng vĩ. Khi một thầy giáo trung học được nhà trường “sắp xếp” cho một căn hộ đẹp như mơ, còn biệt thự của Thảo không khác gì lâu đài hoàng gia. Bối cảnh Kon Tum có vẻ không phù hợp lắm với lớp học 11A3 bóng bẩy trong phim, nhưng không gây nhiều khó chịu. Cá nhân tôi không cảm thấy muốn đến Kon Tum sau khi xem phim xong.
Chuyện phim đơn giản, kể về Thạch (Tùng Maru) và anh trai chuyển đến trường học mới, gặp gỡ những người bạn mới. Thạch cảm nắng cô bạn mới quen Thảo (Bích Ngọc) xinh lung linh và tìm cách chinh phục cô bé. Ngược với dàn phụ, Tùng Maru và Bích Ngọc bị phần kịch bản đè nén, phải gồng gượng suốt cả phim. Cả hai không có tâm lý rõ ràng nên hành động lộn xộn, khiên cưỡng. Chất lãng mạn của phim vì thế trở thành sến súa. Khi cặp nhân vật chính chỉ khiến khán giả muốn nhấn Next để xem phần hài, đó là một thất bại của phim.
Đạo diễn Mai Thế Hiệp, từng thực hiện Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa, chưa thật sự mượt mà khi dẫn dắt Thạch Thảo. Anh có dụng công khi sử dụng vài trường đoạn âm nhạc kiểu Hàn Quốc, nhưng sau đó bị ảnh hưởng của lối làm MV quá nhiều. Các khung hình làm mờ phông nền khá khó chịu với ai quen xem phim điện ảnh. Nhịp phim không ổn định và vội vàng đẩy nhanh ở đoạn kết, không tạo được cảm xúc lắng đọng như mong muốn. Ngay cả cách xử lý cảnh quay cánh đồng thạch thảo cuối phim cũng khá vụng về, khi góc quay lên quá cao, cả cánh đồng trông giống một vũng vôi vữa nhòe nhoẹt. Một đạo diễn nhạy cảm sẽ cắt cảnh sớm hơn để đạt hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.
Thạch Thảo có sự xuất hiện của khá nhiều nghệ sĩ gạo gội, như Kim Xuân, Tấn Thi, Hạnh Thúy… nhưng chỉ ở các vai khách mời. Phim có gợi ra vài tuyến phụ, nhưng dừng lại ở lưng chừng không giải quyết, như cái chân gỗ của anh trai Thạch là Thiết (Khắc Minh) cũng là chủ nhiệm lớp. Kịch bản không có nhiều tình huống để làm bật cảm xúc của các nhân vật, ví dụ như tình cảm chàng lớp trưởng dành cho Thảo. Tất cả chỉ thoáng qua. Có những cảnh kéo dài thời gian vô nghĩa như khi cả lớp chạy xe đạp ra cầu vì có người tự tử. Thạch Thảo gần giống như một MV ca nhạc kéo dài, nhưng theo hướng tốt: Nhạc rất hay, các nhân vật dễ thương và thỉnh thoảng, gần như tạo ra được không gian học đường đáng xem. Thế rồi, khi phim chuyển sang các vấn đề “thời sự ám ảnh”, mọi thứ bắt đầu đi xuống.